Có hay không hiện tượng thao túng giá cổ phiếu ?

00:00 12/10/2020

Do cơ chế giám sát chưa chặt chẽ và rõ ràng như các TTCK của các nước phát triển, nên TTCK Việt Nam có thể tồn tại một số đối tượng thao túng giá cổ phiếu hoặc thực hiện các giao dịch nội gián.

Thời gian qua, Vn-Index rơi từ đỉnh 1.200 điểm về gần 1.000 điểm, giá của nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh, thậm chí lên đến 50-55% và tạo ra vùng đáy 2-3 năm như HSG, DRC,TRA, PLC, MAS…

Giá nhiều cổ phiếu đã giảm 50-55% trong thời gian qua

Biến động thất thường

Không ít lý lẽ nhận định được đưa ra để giải thích cho các đợt điều chỉnh giảm mạnh của TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây khi chỉ số VN-Index có những phiên lao dốc 20-40 điểm.

Đáng lưu ý là các nhóm cổ phiếu gây ra sụt giảm nghiêm trọng cho VN-Index, đánh mất chuỗi tăng trưởng nhiều tháng liên tiếp cũng chính là nhóm dẫn dắt thị trường đưa chỉ số chinh phục mốc 1.200 điểm. Đó là cổ phiếu ngân hàng với mức giảm hơn 40%, nhóm chứng khoán giảm 30% và nhóm vốn hóa lớn như VNM, GAS, BVH, MSN… 

Trên thị trường, nhiều nhà đầu tư cho rằng quá nhiều đợt sụt giảm mạnh là do kết quả trước đó, từ giữa năm 2017 đến tháng 2 năm 2018, mặt bằng giá cổ phiếu trong VN-Index, đặc biệt nhóm VN30, đã tăng quá nhanh gấp đến 2-3 lần, trong khi lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra không có gì đột biến. Đợt giảm mạnh trong hơn tháng qua chỉ có điểm khác biệt là, thị trường giảm sâu nhiều lần, khiến các nhà đầu tư quen dần với tình trạng “bốc hơi” của thị trường, dẫn tới việc bắt đáy. Tuy nhiên, đáy lại càng sâu hơn, khiến tâm lý các nhà đầu tư hoảng loạn, bán tháo mạnh hơn trong các phiên tiếp theo. Thị trường giảm mạnh cũng khiến cho áp lực giải chấp margin lớn hơn.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều cổ phiếu trên thị trường đã tăng quá nhanh dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư, chứ không phải nguyên nhân cốt lõi do doanh nghiệp tăng trưởng mạnh. Điều này khiến các nhà đầu tư đưa đẩy thị trường theo trạng thái mua quá mức, rồi chuyển sang bán tháo.

Giải mã nguyên nhân

Thị trường mỗi lần tạo đáy lại khiến thanh khoản giảm dần theo cả chiều mua và bán. Trong đó, khối ngoại đã thiệt hại lên gần 3.613 tỷ đồng trong 30 phiên, với danh sách bán ròng hàng loạt bluechips chiếm gần hết tỷ trọng trong nhóm VN30, tâm lý hoảng loạn bán tháo trên sàn HOSE. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư nội Techcom (TCEF), MB Capital (MBVF),… cũng chẳng may mắn hơn khi đánh mất thành quả 3 tháng đầu năm.

Thật khó có thể lý giải đầy đủ tại sao TTCK Việt Nam lại đầy những phiên giảm mạnh như thế. Một điều khó quên đối với các nhà đầu tư là TTCK Việt Nam và thế giới hồi tháng 2 vừa qua đã liên tục lao dốc, khi ngành nhôm, thép và xây dựng đối mặt với chính sách áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng lúc là căng thẳng thương mại Mỹ- Trung nhiều phen dâng cao, biến động lợi suất trái phiếu Mỹ, giá dầu thô,…  và vùng trũng thông tin trong tháng 5 quen thuộc khiến thị trường liên tục tạo đáy.

Bên cạnh đó, cơn sốt nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn IPO và lên cũng đã dẫn đến việc bán tháo nhiều cổ phiếu để tái cơ cấu danh mục của hàng loạt quỹ đầu tư.

Tất cả những biến động nói trên đã tác động tiêu cực đến phần lớn cổ phiếu trên TTCK Việt Nam trong hơn 30 phiên giao dịch.

Ông Trần Đăng Khâm, Phó viện trưởng Viện Tài chính- Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Do cơ chế giám sát chưa chặt chẽ và rõ ràng như các TTCK của các nước phát triển, nên TTCK Việt Nam cũng có thể tồn tại một số đối tượng thao túng giá cổ phiếu hoặc thực hiện các giao dịch nội gián. Điển hình vào tháng 2 và 3 năm nay, đã có một số đối tượng bị Sở Giao dịch Chứng khoán xử phạt vì giao dịch nội gián”.

Theo ông Trần Đăng Khâm, các nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục theo dõi biến động thị trường để có chiến lược phù hợp, còn các nhà đầu tư dài hạn nên tập trung mua cổ phiếu có nền tảng tốt để tiếp tục giữ sức.

Nhật Huy