Có hay không "bảo kê" để hàng lậu "lọt cửa" Ga Hà Nội?

00:00 12/10/2020

Vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ (PC46, Công an tỉnh Đồng Nai) qua kiểm tra đã phát hiện một lượng lớn hàng lậu.

Đáng nói, số hàng lậu đều được vận chuyển bằng tầu hỏa từ Ga Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, điều này khiến dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của ngành đường sắt đến đâu trong vụ việc này? Chuyển 70 tấn hàng lậu từ Bắc vào Nam Tại Ga Biên Hòa, Hố Nai (TP Biên Hòa), Phòng PC46 tỉnh Đồng Nai kiểm tra chuyến tàu H7 xuất phát từ Ga Hà Nội đã phát hiện 70 tấn hàng hóa, giá trị khoảng 30 tỷ đồng gồm các loại: điện thoại, linh kiện điện tử, rượu, sữa, mỹ phẩm, quần áo, giày dép. Đáng chú ý, trong số hàng hóa bị bắt giữ, lực lượng chức năng phát hiện 6 chiếc xe máy SH cũ không có biển kiểm soát, 1 chiếc xe phân khối lớn đeo biển kiểm soát giả. Vì vậy, lực lượng chức năng nghi vấn đây là số xe ăn cắp mang vào TP Hồ Chí Minh để dập lại số khung số máy rồi đem đi tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Có chủ hàng xuất trình hóa đơn photo không có giá trị pháp lý, một số hóa đơn không chứng minh được nguồn gốc. Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, trong thời gian qua, tình trạng vận chuyển hàng hóa nhập lậu từ Bắc vào Nam thông qua hệ thống đường sắt chiếm tỷ lệ khá cao. Vì thế công tác kiểm tra và phối hợp giữa các đơn vị, ban ngành có liên quan cần phải siết chặt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này. Có hay không việc “bảo kê” hàng lậu Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại T.Ư (BCĐ 389), DN chịu trách nhiệm chính trong việc vận chuyển trên tuyến đường sắt cho 70 tấn hàng lậu trên là Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội bởi DN này chịu trách nhiệm kiểm tra nguồn gốc hàng hóa trước khi vận chuyển. Về vấn đề này, tại cuộc họp giao ban đánh giá về công tác phối hợp chống buôn lậu giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Văn Bính - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội khẳng định: DN luôn tuân thủ chặt chẽ quy trình kiểm tra giấy tờ, hàng hóa khi vận chuyển. Khách đến nhà ga gửi hàng hóa sẽ phải xuất trình hóa đơn, làm tờ khai chủng loại và chịu trách nhiệm pháp lý về hàng hóa. Quy trình đã chặt chẽ như vậy thì tại sao hàng hóa lậu vẫn có thể được vận chuyển số lượng lớn bằng tàu hỏa? Với câu hỏi này, ông Bính cho hay: Có thể trong quá trình kiểm hàng, nhân viên đường sắt chỉ kiểm tra thùng hàng khi phát hiện nghi vấn chứ không thể kiểm tra được tất cả. Chẳng hạn với trường hợp nhận vận chuyển chiếc xe máy đeo biển kiểm soát giả, chủ hàng đã xuất trình giấy đăng ký xe trùng với biển kiểm soát thì DN phải nhận vận chuyển chứ không thể biết được giấy đăng ký và biển kiểm soát đó là thật hay giả. Ngoài ra người nhận vận chuyển là Công ty CP Bao bì vận chuyển Hà Nội, DN đã ký hợp đồng dịch vụ vận chuyển với Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, chứ DN không nhận trực tiếp từ chủ hàng. Mặc dù ông Nguyễn Văn Bính luôn khẳng định đã làm đúng quy trình vận chuyển hàng hóa nhưng ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định: Theo Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 và Nghị định số 129/2013/ND-CP quy định xử phạt hành vi về thuế và cưỡng chế thi hành quy định hành chính thuế đã nêu rõ: Tham gia vào quá trình vận chuyển hàng trốn thuế thì phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò là người giúp sức. Chiếu quy định này, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Bao bì vận chuyển Hà Nội phải chịu một phần trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho nhau. Do đó, để có thể ngăn chặn tình trạng lợi dụng ngành đường sắt để vận chuyển hàng lậu đòi hỏi chính các DN vận tải đường sắt, ga Hà Nội trong quá trình vận chuyển hàng hóa cần kiểm tra đối chiếu hàng hóa, hóa đơn chứ không nên quá tin tưởng lời hứa của các chủ hàng. Đồng thời chú trọng nắm thông tin về các DN dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Nhân viên giao nhận cần nắm vững kiến thức về giao nhận hàng hóa, nhất là những mặt hàng Nhà nước cấm kinh doanh.
Hoài Nam/kinhtedothi.vn