Chuyện vui, buồn nhà báo không thẻ

00:00 12/10/2020

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng trên 800 cơ quan báo, tạp chí in với 1.111 ấn phẩm, 90 báo, tạp chí điện tử và có khoảng hơn 10 ngàn nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Ngoài lực lượng nhà báo chuyên nghiệp hùng hậu ấy, còn có hàng ngàn “nhà báo” không được cấp thẻ hành nghề (tạm gọi là nhà báo không thẻ) đang là cộng tác viên của hàng trăm tờ báo, tạp chí, đóng góp đáng kể làm phong phú thêm thông tin và diện mạo báo chí trong cơ chế thị trường hiện nay. Tuy nhiên, đằng sau những bài báo, đối với họ có biết bao chuyện vui, buồn… Không cần “trình bày hoàn cảnh” thì ai cũng biết các nhà báo không thẻ gặp khó khăn nhường nào trong quá trình tác nghiệp. Để có một bài báo, thậm chí một mẩu tin thôi, chắc chắn các nhà báo không có thẻ hành nghề (NBKT) trong quá trình thâm nhập thực tế thu thập tư liệu, nhất là trong thời kỳ bồng nổ thông tin và cạnh tranh thông tin đến chóng mặt như hiện nay là rất khó khăn. Nếu chậm chân chỉ có thể có những thông tin “thiu”, không còn hấp dẫn thuyết phục độc giả. Chạy đua để có những bài báo nóng hổi hơi thở của cuộc sống, với lượng thông tin đầy ắp, đáng tin cậy, thì các nhà báo chuyên nghiệp cũng bạc mặt, chứ nói gì những nhà báo nghiệp dư.Tôi chỉ đơn cử ví dụ những vụ việc mang tính nhạy cảm (nhất là những vụ việc làm ăn khuất tất ở một vài doanh nghiệp nào đó) đang điều tra làm rõ sự thật, cần sự hỗ trợ của quần chúng, công nhân viên (CNV), thì chỉ chuyện không có thẻ hành nghề thôi, chắc chắn họ khó được tin cậy để cung cấp thông tin từ phía CNV. Ấy là với quần chúng, còn với các “VIP” - luôn cẩn trọng trong việc phát ngôn với các nhà báo, thì những NBKT có gan lỳ gõ cửa cũng chẳng có hy vọng gì gặp được, “hãy đợi đấy” !? Chuyện vui, buồn nhà báo không thẻ - Ảnh 1 Để săn được những bức ảnh, bản tin, bài viết nóng hổi tính thời sự, các nhà báo không thẻ gặp vô vàn khó khăn trong tác nghiệp (ảnh chỉ mang tính minh họa). Biết rõ “gót chân Asin” của mình nên các NBKT thường chọn những đề tài mềm hơn, "dễ xơi" hơn, kiểu vô thưởng vô phạt, chẳng đụng chạm ai. Chuyện đời xưa đời nay, của giới diễn viên, ca sĩ, người mẫu…được coi là một mảnh đất màu mỡ để các NBKT cày xới, gieo trồng và gặt hái quanh năm tứ mùa. Trên các trang báo bây giờ nhan nhản những hình ảnh, những bài viết lăng xê những diễn viên điện ảnh, sân khấu, ca sĩ, người mẫu…Có những chân dung nghệ sĩ khi đang thời sáng giá, xuất hiện cùng lúc trên vài tờ báo tạp chí (với nhũng bút danh khác nhau), nhưng thực ra đều được “xào nấu” từ một tay “đầu bếp”. Tôi có một ông bạn vốn chỉ quen chuyện “bếp núc” văn chương thơ phú, nhưng những năm gần đây để tự “cứu” mình cũng phải dấn thân vào đội quân NBKT, viết đủ thứ “tạp pí lù”, cộng tác với cả chục tờ báo ở TP Hồ Chí Minh. Mới đây, gặp ở quán nhậu quen thuộc, giọng buồn rầu ông phán: “Bạc bẽo lắm ông ạ!”. Tôi nóng ruột: “Cái gì bạc bẽo, ai bạc bẽo? Lại bị cắm sừng à?”. Uống ừng ực cạn ly bia tôi vừa rót, ông bộc bạch rằng, ông đã vào cái tuổi “tri thiên mệnh” rồi mà còn bị mắng vốn, thế mới bực. Số là ông viết về một cô ca sĩ chưa nổi danh gì, vốn trung thực không lăng xê bốc thơm được, có sao nói vậy, nên sau khi bài báo ra mắt bạn đọc, cô ca sĩ nọ gọi điện thoại “cám ơn” ông bằng một giọng đanh đá như bắn liên thanh vào tai… Ông thở dài: “Cũng là tại mình không bẻ cong ngòi bút được. Viết về mấy người mẫu, ca sĩ không khác gì đánh đu với yêu tinh. Bốc thơm một bài có khi họ săn đón mời mọc ăn nhậu mệt nghỉ, lại còn phong bì… Nhưng, chỉ cần chê vài dòng thôi là họ lạnh lùng, trách móc nhức cả cái đầu, chẳng ra làm sao, từ nay tôi cạch mặt!”. Tôi cũng vì “cơm áo không đùa vói khách thơ”, đành phải chạy “ăn đong” nhờ nghề viết báo, nên rất cảm thông với tâm trạng ông bạn tôi lúc này. Dù sao ông bạn tôi cũng còn dám “ngọc nán còn hơn giữ ngón lành”. Trong giới NBKT, nhiều người cũng phất lên như diều gặp gió. Tất nhiên, số này không nhiều và chủ yếu là cộng tác viên ruột cho những tờ báo lớn, uy tín, trả nhuận bút cao. Còn phần lớn những NBKT đều rất long đong lận đận và nhiều người trong số họ đã không giữ được mình trước những cám dỗ vất chất, đi lăng xê không đúng với sự thật về một doanh nghiệp nào đó, cố để làm đẹp lòng các chủ doanh nghiệp mà liếm phong bì bồi dưỡng, hoặc xin quảng cáo. Nhưng để thâm nhập vào được giới doanh nghiệp để có tư liệu viết bài cũng không phải dễ, cũng lắm nhọc nhằn công phu và cũng phải có “phù phép”. Chuyện vui, buồn nhà báo không thẻ - Ảnh 2 Trong quá trình tác nghiệp các nhà báo không thẻ nếu không có "bùa hộ mệnh" là giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản rất dễ bị cản trở (ảnh chỉ mang tính minh họa). Để có uy hơn, các NBKT thường xin thêm “bùa hộ mệnh” là giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản, chủ yếu là những tờ báo Trung ương có văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh. Vì muốn thu hút lực lượng cộng tác viên về phía mình, nên hầu hết các tờ báo Trung ương đều có văn phòng đại diện ở “hòn ngọc Viễn Đông” này. Chính vì thế, những NBKT cũng đều có “đất dụng võ”. Thậm chí có người còn cho rằng, làm cái anh viết báo tự do nhiều khi còn khỏe hơn, dễ vẫy vùng hơn, khỏi lo chuyện họp hành, chuyện định mức tin, bài… Nói chung thích gì viết nấy. Nhưng chủ yếu là âm hưởng ngợi ca các doanh nghiệp, để rồi sau mỗi bài viết được đăng tải, bao giờ họ cũng nhận được những lời cám ơn rất “cơ chế thị trường”. Ai bảo các NBKT chỉ gặp những chuyện buồn như ông bạn của tôi? Tôi có quen biết một số NBKT chuyên viết về “chân dung doanh nghiệp”. Hầu hết trong số họ đều ăn nên làm ra, ai cũng vi vu trên những chiếc xe máy tay ga đắt tiền, diện thoại di động dời mới nhất. Nói chung là rất thời thượng. Có lần một anh bạn khoe: “Tết vừa rồi tớ đi một vòng qua các công ty, thế mà lượm được gần chục triệu. Cậu chịu khó trồng cây từ bây giờ đi là vừa…”. Tôi chỉ biết im lặng và uống liền tù tì hết ly bia này đến ly bia khác. Tôi hiểu cái cách “trồng cây” đã có thời góp phần tười tắm nên rất nhiều “cây đa, cây đề”, những “đại gia ảo”. Rất may, những NBKT chuyên “trồng cây” để chờ ngày hái qủa ấy không nhiều so với những với đội ngũ các nhà báo thực sự tâm huyết với nghề nghiệp, sống trong sáng và phản ánh trung thực bản chất sự việc. Trong số này có những người chỉ chuyên tâm vào dịch những bài báo hấp dẫn, rất bổ ích của nước ngoài ra tiếng Việt, giúp độc giả mở rộng tấm nhìn ra thế giới. Đội ngũ này có thu nhập khá ổn định cả chục triệu mỗi tháng. Những tờ báo, tạp chí uy tín rất mặn mà với những bài báo dịch này. Chính vì thế, giới dịch thuật không lo lắng gì về “đầu ra”, nhưng cũng phải chạy đua để cạnh tranh, cập nhật khá quyết liệt ở “đầu vào”, đó là chuyện nguồn báo, tạp chí nước ngoài. Có thể nói, sự xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng những tờ báo, tạp chí lẽ đương nhiên sự gia tăng đội ngũ NBKT là hợp với quy luật. Có 1001 chuyện vui, buồn trong qúa trình hành nghề của họ. Và, tôi nghĩ họ rất cần được học tập, rèn luyện định hướng về nghiệp vụ, về phẩm chất đạo đức của người cầm bút.   

(theo baodansinh.vn)