Chuyện về hai học sinh nghèo quê lúa Thái Bình 2 lần đoạt Huy chương Vàng Olympic toán Quốc tế

00:00 12/10/2020

Kì thi Olympic Toán quốc tế (IMO 2014) được tổ chức tại Nam Phi từ ngày 3/7 đến 13/7/2014 có 560 thí sinh, thuộc 101 nước tham gia. Em Nguyễn Thế Hoàn - học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội), sinh năm 1997, quê ở xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đoạt Huy chương Vàng .Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2015  diễn ra tại Thái Lan, một lần nữa Hoàn đoạt HCV.

Trước đó, Thế Hoàn giành nhiều học bổng, bằng khen: Học bổng Phát triển Toán học Quốc gia của Viện Toán học, Học sinh nghèo vượt khó có thành tích học tập tốt, Học bổng Shinnyo-En của Nhật Bản…, bằng khen của Thành đoàn Hà Nội. Em cũng là một trong những Gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2014. *Kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2016 tổ chức tại Hong Kong từ ngày 6 đến 16/7 với  602 thí sinh dự thi đến từ 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đoàn Việt Nam đoạt một Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, một Huy chương Đồng, xếp thứ 11 toàn đoàn. Huy chương Vàng thuộc về em Vũ Xuân Trung, học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Đây là lần thứ hai Trung đoạt Huy chương vàng Olympic Toán quốc tế. Trong kỳ thi IMO năm 2015, Trung đang học lớp 11 vẫn được chọn tham gia và đã mang về Huy chương Vàng cho Việt Nam. Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp Thái Bình có 2 học sinh giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế và cả hai đều là con nhà nghèo. Tại các kỳ thi toán Quốc tế và các kỳ thi học sinh giỏi cũng vậy. Đa số con nhà nghèo nông thôn đều làm rạng danh đất nước. Vì sao đa số con nhà nghèo học giỏi? Để lí giải vấn đề này không thể rút gọn vài câu. Tuy nhiên, khi được hỏi các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ và các em thủ khoa, họ đều cho rằng: tố chất thông minh cộng với sự ham học và phương pháp học đúng. Người xưa có câu: "Di tử kim mãn doanh/ Hà như giáo nhất kinh" (Cho con một hòm vàng đầy, không bằng dạy con một cuốn sách cho đến nơi đến chốn). Những người cha mẹ nghèo ấy dạy con bằng chính việc làm của mình, một nắng hai sương làm nên hạt lúa, củ khoai. Họ khao khát cho con cái học hành, mong con bằng chúng bạn, bởi "thua thầy một vạn, không bằng kém bạn một ly". Trong khi đó, không ít bậc cha mẹ ở thành phố, điều kiện kinh tế khá giả, không mấy quan tâm đến con cái, chắc rằng, con của họ khó mà học giỏi, chăm ngoan. Nhiều người vẫn nói vui: “Con nhà giàu học giỏi mới là lạ!” Dưới đây là một vài ghi nhận về hoàn cảnh gia đình và thành tích đặc biệt xuất sắc của hai học trò nghèo quê lúa Thái Bình đã mang lại niềm vinh quang cho đất nước.

thi-sinh-dat-giai-olypic

                               Nguyễn Thế Hoàn với ông ngoại, bố mẹ và em trai

 Nước mắt người phụ hồ

   Con lên Hà Nội học chuyên toán cũng là ngày chị Nguyễn Thị Thảnh và chồng là Nguyễn Văn Hòa về Thủ đô làm phụ hồ kiếm tiền nuôi con ăn học. Họ nhận tin con trai là Nguyễn Thế Hoàn, lớp 11 Trường THPT Chuyên Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế khi đang ăn cơm trong lán xây dựng ọp ẹp ở gần Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 Vợ chồng chị quanh năm làm lụng, chẳng có điều kiện để đọc báo, chẳng biết gì đến mạng Internet. Hoàn cũng chưa gọi điện báo tin cho anh chị. Nhờ có cô em dì đọc báo, biết tin mừng vội báo cho anh chị. Hay tin, anh chị mừng ứa nước mắt,  buông bát đũa, vội vàng xin ông chủ thầu xây dựng cho nghỉ việc, ra bến xe bắt xe khách về quê báo tin cho gia đình nội ngoại và chuẩn bị đi đón con trở về tại sân bay Nội Bài.

  Sáng 14/7/2014, Hà Nội mịt mờ trong cơn mưa rào mùa hạ. Vợ chồng chị cả đêm trước mong ngóng con mừng vui không ngủ được. Đi đón Hoàn còn có ông ngoại, thầy giáo… Họ từ quê, xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình dậy từ 5h đón xe lên sân bay đợi con. Người mẹ áo sơ mi trắng, người cha áo sơ mi cộc tay – những bộ đồ đẹp nhưng anh chị ít có dịp được mặc. Chị ôm bó hoa, gương mặt sạm nắng khép nép bên những hành khách sang trọng  chuẩn bị lên máy bay. Đã lâu lắm, hình như từ ngày cưới đến giờ chị mới lại được ôm bó hoa. Đây là  bó hoa của người mẹ lam lũ, tặng đứa con trai mang niềm vinh quang về cho Tổ quốc, cho quê hương lúa Thái Bình và cho cả dòng họ suốt nhiều  đời làm ruộng.

Chị Thảnh tâm sự: “Hoàn học giỏi từ nhỏ. Hồi em lên bốn tuổi có người chị gái sang chơi mang theo tờ báo, Hoàn cứ đòi mượn. Cả nhà bất ngờ khi con chưa được ai dạy chữ đã biết đọc”. Anh Hòa phụ thêm: “Hồi đó mình có mua cho cháu chiếc mũ thêu chữ tên cháu ở trên đầu. Lúc con chơi ngoài sân cứ lấy gạch non viết tên mình lên đó”.

Khả năng toán học của Hoàn, theo lời của nhiều thầy cô dạy em, như một thứ năng khiếu trời cho, cộng thêm với sự chỉ dẫn của những người thầy giỏi nên ngày càng được phát huy. “Cháu học giỏi từ lớp 1. Lên lớp 6 đang học trường THCS ở xã thì thầy cô thấy cháu thực sự có năng khiếu toán nên Trường THCS Lê Danh Phương (trường chuyên của huyện Hưng Hà) về dạy. Sau đó từ lớp 7 đến lớp 11 năm nào Hoàn cũng đi thi học sinh giỏi tỉnh, thành phố rồi quốc gia với thành tích thấp nhất là giải Nhì (hồi lớp 9)” – người mẹ tự hào khi nói về con.

Hết lớp 9, Hoàn cùng lúc thi đỗ vào lớp 10 chuyên toán của ba trường là: Trường THPT chuyên Thái Bình, Trường THPT chuyên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhưng nguyện vọng của Hoàn là vào học ở Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên.

Ngày đưa Hoàn lên Hà Nội nhập học cũng là ngày anh chị về Thủ đô: chị làm phụ hồ, anh làm thợ xây kiếm tiền nuôi hai con trai ăn học. Chị Thảnh kể, công việc phụ hồ vất vả mà "ráo mồ hôi là hết tiền”. Chỗ ăn ở thì nay đây mai đó, theo công trình. Đa số, chủ nhà kiêng không cho ở trong ngôi nhà đang xây nên anh chị phải ở trong những lán công trường tạm bợ. Chị cho biết, lương phụ hồ một ngày là 130 ngàn, làm ngày nào tính ngày đó; nghỉ ốm hay có công việc gì là không được hưởng lương. Vậy nên một tháng  đi làm trung bình   khoảng 21 – 25 ngày công; tổng số lương của anh chị mỗi tháng khoảng 6-7 triệu đồng. Số tiền ấy chu cấp cho Hoàn ăn học hết 2,5 đến  3 triệu đồng; rồi chu cấp cho em trai Hoàn đang học lớp 7 Chuyên văn Trường THCS Lê Danh Phương và chi vào cỗ đám cũng vừa hết. Thương bố mẹ, nhiều bữa sáng Hoàn nhịn ăn lên lớp, bữa trưa và tối chỉ ăn suất 15.000 đồng. May mắn là anh chị không ốm đau nên còn đủ sức làm lụng nuôi con.

Anh Nguyễn Văn Hòa - bố Hoàn - da đen sạm vì nắng công trường, mắt cười hiền hậu mừng vui: “Chúng tôi mừng lắm. Vậy là bao năm bố mẹ theo con lên Hà Nội làm thuê cực nhọc nay đã có ngày vinh quang. Hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng tôi là con được theo đuổi niềm đam mê và luôn cố gắng hết mình”.

Ông ngoại của Hoàn năm nay 68 tuổi, kể: “Bố mẹ thằng Hoàn, thằng Tuấn (em trai Hoàn) đi làm xa suốt. Lần nào về anh chị đều thăm hỏi ông bà. Thầy cô dạy thằng Hoàn từ hồi tiểu học vẫn quý và qua lại thăm cháu, vì tính nó hiền lành, học giỏi”. Ông ngoại Hoàn bảo, ông đã đi photocopy 34 giấy khen các loại của Hoàn để mang ra nộp cho Hội khuyến học của xã để làm học bổng xã dành cho em.

Hoàn ở kí túc xá của trường, cách chỗ bố mẹ hơn 10km. Thi thoảng buổi tối được nghỉ làm vợ chồng anh Hòa lại đèo nhau bằng xe máy tới thăm con. “Hoàn hay tâm sự với mẹ mọi chuyện buồn vui trong cuộc sống. Cháu nói sau này muốn học thêm tiếng Anh cho tốt để xin học bổng du học. Mình chỉ nói với con nếu học bổng toàn phần thì mẹ mừng, cũng muốn con đi. Nhưng nếu phải lo chi phí nhiều quá, bố mẹ e không đủ sức cho con đi du học được” – chị Thảnh chia sẻ.

Con trai người sửa khóa

Ông Vũ Xuân Hảo, sinh năm 1963 quê ở xã Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình dáng gầy gò, da ngăm đen nở nụ cười tươi khi nói về cậu con trai “sinh vỡ kế hoạch” của vợ chồng mình với phóng viên đăng trên VietNamNét: “Khả năng học Toán của Trung đã có từ nhỏ. Lớp 4, Trung được chọn vào đội tuyển tham gia thi học sinh giỏi môn Toán cấp cụm và giành giải cao. Lớp 5, Trung giành giải Nhất cuộc thi Toán học tuổi thơ toàn quốc ở Huế và được tuyển thẳng vào lớp 6 trường điểm của huyện".

chang-trai-doat-hcv-olimpic-toan-quoc-te-2-1

Vũ Xuân Trung chia sẻ niềm vui với mẹ. Ảnh: Thu Hoài

Trung là em út trong gia đình có 5 chị em. Trên Trung là 4 chị gái. Gia đình làm nông, cuộc sống vất vả, 4 người chị của Trung học hết THCS đành phải nghỉ ở nhà. Hai người chị đã đi lấy chồng, 2 người còn lại phụ giúp cha mẹ việc đồng áng.

Những ngày nông nhàn, ông đi khắp thành phố Thái Bình làm nghề sửa khóa kiếm tiền nuôi con. Vợ ông Hảo cũng chạy chợ bán gương, lược, kính kiếm thêm.

Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Bình Nguyễn Quang Thuấn cho biết Trung không có điều kiện đi học thêm. Kiến thức em có được đến từ việc học trên lớp, tự mày mò và tìm tòi qua sách vở cùng những đợt bồi dưỡng ngắn ngày trong đội tuyển của trường.

Hàng ngày, Trung đạp xe đạp qua quãng đường 7km đến trường. Mới đây để con thuận tiện đi lại, vợ chồng ông Hảo tiết kiệm mua cho con chiếc xe đạp điện.

Trung được thầy cô nhận xét có tư duy giải bài tập rất nhanh và chắc chắn. Thầy giáo Phạm Công Sinh người trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển Toán của trường nhận xét Trung đặc biệt giỏi ở khả năng hình học. Cô Đặng Thị Lê Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Thái Bình chia sẻ: “Ngoài đời, Trung là học sinh khiêm tốn, điềm đạm, rất bình tĩnh trước chiến thắng và cả thất bại. Trước mỗi kỳ thi tâm lí của em rất ổn định”.

Xuân Trung trong buổi lễ vinh danh tại sân bay Nội Bài chiều 16/7/2015 khi đạt Huy chương Vàng lần thứ nhất, hồi học lớp 11. (Ảnh: Văn Chung).

Một kỉ niệm đáng nhớ khác được cô Dung chia sẻ: “Hồi nhỏ, gia đình không cho em đi học mẫu giáo. Vì vậy Trung suýt không được trường tiểu học nhận. Gia đình đã xin cho con tiếp tục học. Chỉ sau 1 tháng, thầy cô đã phải thay đổi suy nghĩ khi em học rất tốt”. Thi vào lớp 10 chuyên Toán, Trung đạt 9,75điểm ở môn này. Cô Dung cho biết Trung chưa từng giơ tay phát biểu song qua bài làm của trò, cô dễ dàng nhận ra tố chất đặc biệt của em. Học giỏi nhưng theo cô Dung, Trung không phải là “con mọt sách”, em có khả năng tự học tốt và rất thoải mái với việc học của mình.

Bạn bè và gia đình cho biết Trung là chàng trai trầm tính nhưng dễ gần, cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Nguyễn Thị Trâm, cùng lớp với Trung chobiết: “Mỗi lần gặp bài Toán khó em đều gọi điện và được Trung giúp đỡ. Đặc biệt là lần nào vừa đọc bài xong là bạn ấy đã tìm ngay ra đáp án rồi”. Đặng Thị Hương Ly, bạn học cùng với Trung từ lớp 6 đến nay chia sẻ: “Hồi THCS em nhớ nhất là lúc nào đến trường Trung cũng mang theo một ba lô sách Toán. Về tính cách, nếu ở THCS bạn ấy có phần rụt rè nhưng lên THPT Trung đã thay đổi nhiều. Bạn ấy còn giữ chức vụ bí thư và lớp phó học tập của lớp.

Cao Minh Hiếu, bạn thân với Trung từ lớp 5 đến nay chia sẻ: “Ngoài học tập, Trung cũng tham gia thể dục thể thao, bạn ấy rất thích cầu lông”.

Minh Hoa (Tổng hợp)