Có lẽ nhiều người đã nghe đâu đó về câu chuyện bông đùa nêu trên từ những người cám cảnh tình trạng thực phẩm thiếu an toàn tràn lan hiện nay. Họ cảm thấy bất an nhưng bất lực, chẳng biết làm sao. Ăn cũng chết mà không ăn cũng chết! May mắn thay đã có nhiều bạn trẻ quyết tâm đi tìm nguồn thực phẩm sạch trước là cho mình và gia đình, xa hơn là cho người thân, bạn bè và cộng đồng. 1. Nguyễn Ngọc Trâm Anh, cô gái sinh năm 1989, bắt đầu khởi nghiệp với dự án Living Juice, một dự án cung cấp nước ép trái cây tươi không dùng đường, sữa và đá để đảm bảo hương vị tươi ngon thật sự của hoa quả. Sau khi dành sáu tháng đi tìm nguồn cung từ các vườn cây ăn trái, tận mắt chứng kiến cảnh người làm vườn phun thuốc trừ sâu, rồi suy rộng ra, cô cảm thấy bất an với nguồn thực phẩm mà gia đình mình sử dụng hàng ngày. Nhận thấy gạo và rau là những thực phẩm thiết yếu hơn nước ép trái cây, cô dừng dự án Living Juice để đi tìm nguồn rau canh tác không hóa chất cho gia đình và những người thân quen. Tìm được rau và gạo cho gia đình, Trâm Anh mở rộng bán rau qua mạng, giao hàng tận nhà. Sau vài tháng hoạt động, hiện cô có 17 khách hàng thường xuyên và doanh thu chừng 17 triệu đồng/tháng. Cô cho biết với doanh thu như vậy, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận không đủ để cô trang trải cuộc sống. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, công việc mà cô đang làm góp phần giúp cộng đồng quen dần với khái niệm rau hữu cơ (rau trồng không dùng phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật), và giải quyết một phần nhỏ đầu ra sản phẩm cho người nông dân. Càng có nhiều người hoạt động như cô càng tốt cho cộng đồng. 2. Lê Chiêu Trung sinh năm 1993, vừa tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế TPHCM trong năm 2015 nhưng đã có hơn ba năm kinh nghiệm đi bán rau. 1512_ nong san Lê Chiêu Trung (áo trắng) đang giới thiệu về sản phẩm cho khách tại một điểm bán hàng của Nông Sản Nhà Quê trên đường Dương Quảng Hàm – Gò Vấp. Ảnh: TRUNG LÊ Bức xúc với câu chuyện thực phẩm Trung Quốc kém chất lượng tràn lan; nông sản Việt Nam không đem lại cuộc sống xứng đáng cho người nông dân, từ năm thứ hai đại học, Trung tự đi tìm lời giải. Anh tìm đến các vườn rau an toàn, mua rồi bán lại cho các tiểu thương ở chợ cũng như những người tiêu dùng trong khu phố mà anh sinh sống. Sang năm thứ ba đại học, tức năm 2013, anh cùng vài người bạn lập Công ty TNHH Nông sản Nhà Quê chuyên phân phối, bán lẻ rau VietGAP tại các chợ truyền thống. Từ một điểm bán ban đầu, đến nay, công ty đã có ba điểm bán tại các chợ truyền thống và một điểm bán ở cụm dân cư, tất cả đều ở quận Gò Vấp, TPHCM; mỗi ngày cung cấp ra thị trường trung bình 400 ký rau an toàn. Khi được hỏi: “Liệu đây đã là một quyết định đúng để bắt đầu một con đường dài?”, Trung đáp: “Tôi đã làm việc này ba năm nay và niềm đam mê không hề giảm, có những ngày làm việc đến 20 tiếng đồng hồ vẫn cảm thấy vui. Tôi muốn gắn sự nghiệp của bản thân với sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam”. Sắp tới, Công ty Nông Sản Nhà Quê dự tính sẽ hợp tác với Công ty An Hạ để bán thêm thịt heo VietGAP và mở rộng thêm điểm bán. Trung chia sẻ cái khó nhất không phải đến từ thị trường mà là làm sao tìm được những người cộng sự thật sự yêu thích với công việc bán hàng bình dân ở chợ truyền thống. 3. Không giống như Trâm Anh và Chiêu Trung – những người trẻ được giáo dục đại học bài bản,Nguyễn Lộc Tùng sinh năm 1980 là một “bác tài” tự trang bị kiến thức qua trường đời. Những câu chuyện vụn vặt Tùng quan sát được trong cuộc sống (kiểu như anh này nuôi dế bằng rau ngoài chợ thì sau một thời gian dế chết, còn nuôi bằng rau tự trồng thì nó lại sống khỏe; hoặc như có nhiều người mắc bệnh ung thư trong khi họ sống rất điều độ, không áp lực…) làm dấy lên trong lòng anh mối nghi ngại về sự an toàn của rau củ trong sinh hoạt hàng ngày. Tùng quyết định đi đến các chợ đầu mối, các nhà vườn để biết sự thật. Biết rồi thì sợ. Từ sợ, Tùng chuyển hẳn sang trồng rau, tự cung tự cấp. Năm 2012, anh quay về quê ở Ba Tri-Bến Tre trồng rau không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật với mong muốn phục vụ cho nhiều người dùng hơn. Anh tâm sự: “Tôi sợ hóa chất và tôi tin không người nông dân nào cảm thấy dễ chịu khi phải tiếp xúc với các chất hóa học. Quan trọng hơn, đất Ba Tri đủ tốt và ta có đủ kỹ thuật để trồng rau mà không cần dùng đến hóa chất. Ông bà ta cũng từng trồng rau mà không phụ thuộc vào hóa chất”. Sau những vất vả ban đầu, đến nay, Tùng đã liên kết được với hơn 20 hộ nông dân tại Ba Tri trồng rau hữu cơ trên tổng diện tích 4 héc ta, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường TPHCM 300 ký rau. Sản lượng có thể tăng lên hơn 1 tấn/ngày vào năm tới vì ngày càng có nhiều người dân Ba Tri tham gia sản xuất rau không hóa chất nhờ tham gia lớp học đào tạo kỹ thuật trồng rau hữu cơ do Nhật Bản tài trợ. Nhưng đi cùng với việc tăng nguồn cung rau hữu cơ là mối lo về giá cả. Trung bình một ký rau hữu cơ có giá cao gấp 3 lần so với rau cùng loại được bán ở chợ. Để giải thích mức giá này, Tùng đưa ra ba lý do chính. Thứ nhất, rau dùng hóa chất kích thích tăng trưởng có thời gian cho thu hoạch chỉ bằng một phần ba so với rau trồng theo phương pháp hữu cơ. Như vậy, rau trồng với hóa chất có năng suất gấp 3 lần rau hữu cơ. Thứ hai, do không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên tỷ lệ hao hụt do sâu bệnh của rau hữu cơ cao hơn so với rau có dùng thuốc. Thứ ba, để thay thế phân hóa học với cùng hàm lượng dinh dưỡng cho rau, người nông dân phải dùng phân hữu cơ với chi phí đắt hơn và trong thời gian dài hơn. Ngoài ba lý do này, việc trồng rau theo phương pháp hữu cơ còn đòi hỏi người nông dân nhọc công hơn rất nhiều. Về lý thuyết, ai cũng muốn bảo vệ sức khỏe và có lẽ không ai đi mặc cả với sức khỏe của mình. Nếu người tiêu dùng có thể chi 40.000-60.000 đồng cho một ly cà phê trong quán thì sao lại không thể chi từng ấy tiền mua một ký rau an toàn cho gia đình? Hẳn ai cũng muốn thà chi tiền cho nông dân để mình có thực phẩm an toàn hơn là chi tiền chữa bệnh để tìm kiếm lại sức khỏe. Nhưng lý thuyết là lý thuyết, thực tế là trong Tùng vẫn đầy ắp nỗi lo… 4. Làm sao không lo cho được khi bó rau tươi ngon buổi sáng nếu không bán được thì đến chiều sẽ chuyển thành… rác! Một khi chưa giải được bài toán rau – rác này thì hệ quả kéo theo rất có thể là người nông dân sẽ quay lại “con đường hóa chất” để đảm bảo đầu ra. Câu chuyện không dừng lại ở việc kinh doanh của riêng những người như Lộc Tùng mà còn ảnh hưởng đến những nông dân trong chuỗi liên kết với họ. Quan trọng hơn, nó có thể dập tắt khát vọng sống thiện của nông dân. Xin hãy nghe một nông dân chia sẻ: – Hồi xưa chú làm điều ác, rau mình trồng không dám ăn, chỉ để bán… – Thế nhà chú ăn rau gì? – Bà xã chú ra chợ mua. Người ta trồng sao không biết, cứ “khuất mắt” là ăn không cần nghĩ. – Trên các túi hóa chất có ghi thời hạn cách ly an toàn để sử dụng mà chú? – Chú không tin, nhưng làm theo hướng dẫn thì đỡ áy náy. Tuy vậy, cũng có lúc sắp thu hoạch thì dịch bệnh bùng phát, mình buộc phải dùng hóa chất xử lý mà tạm “quên” chuyện cách ly đi. – Áy náy như vậy sao chú không làm việc khác? Lên thành phố tìm việc chẳng hạn… – Chú chỉ trồng rau trên đất của mình, lên thành phố tìm việc sao được chứ, chắc người ta đuổi về sớm! – Bây giờ trồng rau hữu cơ, không dùng hóa chất, chú thấy sao? – Rất vui cháu à. Làm sản phẩm có người lo đầu ra, lại tốt cho sức khỏe của mình và người mua. Xem như từ nay chú vô chùa tích đức trở lại, ráng làm cho tốt để mai mốt truyền nghề cho con cháu. Sau mỗi bó rau là một câu chuyện đời. Sáng rau, chiều rác, thiện và ác đôi khi cũng chỉ một lằn ranh! Ở vị trí người tiêu dùng, xin đừng đắn đo, mặc cả với sức khỏe của mình và hy vọng của người nông dân. Theo thesaigontimes