Chuyện những người “cứu cái còn trong cái mất”

00:00 12/10/2020

Người ta bảo, khi xảy ra cháy, người khác lao ra thì cảnh sát PCCC lao vào, khi người khác khô thì lính cứu hỏa ướt nhẹp nước. Có lẽ, chỉ chừng ấy thôi là đủ để diễn tả một cách chân thực nhất những hiểm nguy, vất vả của nghề chiến đấu với giặc lửa để "cứu những cái còn trong cái mất" này.

Hàng chục năm trong nghề, tham gia chữa cháy bao nhiêu vụ hỏa hoạn, Đại úy Cù Xuân Hà - Phòng Phòng cháy chữa cháy, Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) số 1, Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An, cũng không nhớ nữa. Có khi chiến thắng được ngọn lửa hung tàn, thế nhưng, dù sao những người lính cứu hỏa - là những người trần mắt thịt, bật lên tiếng khóc khi không thể bảo vệ hoàn toàn tính mạng, tài sản của người dân.

phong-chay-chu-chay-4

Lực lượng PCCC cứu kho gỗ phát hỏa trên địa bàn huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) vào tháng 6 vừa qua.

Rạng sáng ngày 27/10/2014, điện thoại báo cháy của Phòng PCCC&CNCH số 1 đổ dồn dập: 1 vụ hỏa hoạn xảy ra tại một ngôi nhã trong ngõ trên đường Trường Chinh (phường Lê Lợi, TP Vinh). Ngay lập tức, toàn đơn vị lên xe, chạy về hướng có cháy. Tuy nhiên, khu vực xảy ra hỏa hoạn nằm trong ngõ, xe chữa cháy không thể tiếp cận nhanh, buộc phải rải ống quãng đường khá dài để bơm nước dập lửa. Thời điểm này, trong nhà có vợ chồng anh Ngô Anh Thụ và chị Nguyễn Thị Dương đang mắc kẹt bên trong. “Bên cạnh tiếp cận, khống chế ngọn lửa, công tác cứu nạn cũng gấp rút được triển khai. Với sự hỗ trợ của người dân, hai nạn nhân cũng được đưa ra ngoài bằng cửa thông gió của nhà tắm. Tuy nhiên, do bỏng quá nặng, anh Thụ tử vong sau đó, chị Dương được cứu sống nhưng phải chịu di chứng suốt đời. Giá như chúng tôi có thể tiếp cận, khống chế đám cháy sớm hơn…”, giọng đại úy Hà trĩu nặng. Cũng như những người lính PCCC khác, máu nghề nghiệp dường như ăn sâu trong máu của người thầy huấn luyện tân binh của đơn vị này. Tối ngày 20/6/2011, đại úy Hà vừa ăn cơm cùng gia đình xong, định lên xem thời sự thì nghe người dân xôn xao “Cháy chợ Vinh”. Chả kịp suy nghĩ, cứ quần đùi, áo may ô, Đại úy Hà lao ra khỏi nhà, chạy về hướng chợ Vinh.

phong-chay-chu-chay-3

Đại úy Cù Xuân Hà hướng dẫn chiến sỹ luyện tập. Lúc này, ngọn lửa đã bao trùm một góc phía Đông chợ Vinh, nguy cơ cháy lan sang đình chính. Lực lượng PCCC cũng đã có mặt, triển khai phương án dập lửa, cứu tài sản cho các tiểu thương. Đám cháy bùng phát dữ đội, đích thân Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – lúc đó đang là Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An phụ trách PCCC (thời điểm này chưa tách lực lượng PCCC thành đơn vị độc lập) cũng có mặt, chỉ đạo công tác chữa cháy. “Sau gần 4 tiếng đồng hồ vừa mở đường, khống chế ngọn lửa, tránh lây lan, vừa sơ tán hàng hóa, tài sản cho bà con, đám cháy cũng cơ bản được khống chế. Lúc này anh em gần như đã kiệt sức, ngồi bệt ngay sảnh đình chính của chợ, một số anh em bị bỏng trong quá trình lao vào lửa, cứu hàng hóa, tài sản cho người dân. Do được ngăn chặn kịp thời, không để ngọn lửa lây lan sang khu vực đình chính và khu vực phía Nam chợ nên thiệt hại cũng được khống chế”, Đại úy Cù Huy Hà kể tiếp. Sau vụ việc, Phòng PCCC&CNCH số 1 được bà con tiểu thương chợ Vinh gửi thư cảm ơn. Với họ, sự ghi nhận của người dân là động lực lớn lao để hoàn thành tốt hơn nữa công việc thầm lặng nhưng hiểm nguy của mình. Đặc thù của lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng PCCC nói riêng là hầu như không có ngày nghỉ. Lễ, Tết luôn phải có người ứng trực tại chỗ, anh em trong đơn vị thay nhau nghỉ. Dịp ngày lễ Quốc khánh 2/9/2011, trung úy Đặng Bình Thuận (Phòng PCCC&CNCH số 5, Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An), lúc đó đang thuộc quân số Đội PCCC trung tâm, Phòng CS PCCC Công an tỉnh Nghệ An, được nghỉ nên cùng bạn bè thân thiết tổ chức đi chơi. “Đang ngồi ăn cơm thì tôi thấy khói bốc lên ngùn ngụt từ hướng Bắc thành phố. Gọi điện về đơn vị thì trực ban cho biết, có xảy ra cháy tại Trung tâm điện máy CK Plaza, đội hình chữa cháy đã được triển khai tới hiện trường”, Thuận kể.

phong-chay-chu-chay-1

Trung úy Đặng Bình Thuận luyện tập trên thao trường.

Mặc nguyên “cây” đồ diện đi chơi phi xe máy tới. Lúc này ngọn lửa bốc cao, sức nóng khủng khiếp tỏa ra, khói ngùn ngụt mấy tầng siêu thị. Chỉ kịp mặc quần áo, dụng cụ bảo hộ có sẵn trong xe, Thuận hòa vào đội hình chữa cháy, cùng đồng đội triển khai các phương án dập lửa, sơ tán tài sản, máy móc tầng 1, tầng 2. “Khi lửa ở tầng 1, tầng 2 cơ bản được khống chế, tôi được phân công lên trinh sát tầng 3, sử dụng bình dưỡng khí và bình cứu hỏa cá nhân để cứu sổ sách kế toán của siêu thị được lưu giữ trên này. Khói bao trùm dày đặc, bình dưỡng khí hết, buộc phải đập cửa kính đu dây thoát ra ngoài để anh em triển khai đội hình tiếp cận, triển khai phương án chữa cháy ở các tầng phía trên”, Trung úy Thuận nhớ lại. Khi thành lập các Phòng PCCC&CNCH phụ trách các huyện, công việc của lực lượng này cũng nhiều hơn trước, nhưng do phân bổ về các huyện nên khi xảy ra hỏa hoạn thì việc ứng trực cũng kịp thời hơn trước. Mặc dù vậy, do ý thức của người dân trong công tác phòng cháy chưa cao nên nguy cơ cháy nổ vẫn rất lớn, đặt lực lượng này luôn ở trong tình trạng trực chiến.

phong-chay-chu-chay-2

“Giờ thì đỡ rồi, trước kia, đối phó với tình trạng gọi điện báo cháy giả để trêu đùa lực lượng PCCC khiến chúng tôi mướt mồ hôi xác minh thông tin. Khi xác minh thông tin báo cháy chính xác, chúng tôi có 2 phút để có mặt tại xe chữa cháy, hành trình di chuyển trên đường không phải người dân nào cũng tạo điều kiện để xe chạy dù đã bật còi ưu tiên, rồi đường hẹp, xe chữa cháy tiếp cận mục tiêu không thể vào được… nên cũng có những khi anh em phải chịu rất nhiều áp lực, những lời nói không hay từ người dân. Của đau thì con xót thôi, mình không trách họ được. Chỉ mong ý thức phòng cháy của người dân được nâng cao hơn, hạn chế tới mức thấp nhất các sự cố cháy nổ xảy ra”, đại úy Cù Xuân Hà tâm sự. Hoàng Lam( theo dantri đưa tin)