Chuyện người “phải lòng” cổ vật Việt

00:00 12/10/2020

Gần 30 năm theo đuổi đam mê, toàn tâm toàn ý với cổ vật, giờ đây, khi đã sở hữu bộ sưu tập cổ vật Việt Nam, cũng như các cổ vật của nước ngoài, ông Trần Văn Hinh - Chủ tịch Hội Cổ vật Thiên Trường, tỉnh Nam Định đã hòa mình vào thú chơi và giao lưu cổ vật với tất cả những người sưu tập trong cả nước.

Ông Trần Văn Hinh - Chủ tịch Hội Cổ vật Thiên Trường, tỉnh Nam Định

Ông Hinh là người có tâm với cổ vật, người am tường lịch sử văn hóa. 30 năm trước, khi vừa bén duyên với nghề trên chiếc xe máy: “Nghe nói ở đâu có cổ vật là tôi tìm đến, có những món đồ tôi phải mất vài năm, thậm chí cả chục năm mới có thể sưu tầm được.” Dày công kiếm tìm, ông Hinh từng sở hữu hàng ngàn cổ vật trong đó có những bộ sưu tập cổ vật Việt Nam đời Lý – Trần rất sinh động. Những hiện vật đặc biệt quý, thậm chí có những món được đánh giá là độc nhất vô nhị cũng được ông sưu tầm thành công. Ngoài các cổ vật cung đình được ông gìn giữ bởi tính duy nhất, những cổ vật men lục và men hoàng thời Trần vẫn là những món đồ ông tâm đắc nhất. Ông có thể say sưa hàng giờ nói về những cổ vật có lớp men phủ màu lục hay màu hoàng (men vàng) giá trị ẩn sâu trong từng món đồ mà ông từng dốc sức tìm hiểu nghiên cứu và nâng niu.

Ông tâm sự: “Trước mỗi hiện vật, người chơi lại trở thành người thẩm định tốt nhất. Hiện vật đó mang hồn cốt riêng - đó là những cổ vật được hòa trộn bởi kiến thức kinh nghiệm tích lũy qua giao lưu và học hỏi những người có kiến thức cao về nghiệp vụ giám định cổ vật. Có những hiện vật rất lạ, sự nguyên vẹn cũng không còn nhiều, nhưng giá trị cổ vật đó được đánh giá chính xác ngay bằng tri thức cá nhân cũng như trực giác của người chơi. Để có được những kiến thức và mối giao cảm quý báu đó, người chơi chúng tôi phải giữ mình rất nhiều trước những cổ vật. Qua hàng ngàn năm lịch sử, mỗi cổ vật đều mang trong mình dấu ấn thời gian, với một nét văn hóa riêng, có những cổ vật chứa đựng cả những câu chuyện ly kỳ về chính cổ vật ấy. Nếu chỉ nhìn bằng con mắt kinh doanh, chỉ nhắm đến lợi nhuận mà bỏ qua giá trị văn hóa và đạo đức sống, có lẽ chúng tôi không thể đồng hành cùng cổ vật qua nhiều năm tháng.”

Cuối năm 2001, khi Luật Di sản văn hóa được ra đời có hiệu lực và ứng dụng rộng rãi, những người chơi cổ vật thêm tự tin trong việc tìm kiếm và sở hữu những món đồ mang dấu ấn văn hóa hàng nghìn năm. Những dịp trưng bày ở bảo tàng Hà Nội, Hoàng Thành Thăng Long hay bảo tàng các tỉnh, ông Hinh cùng bạn bè giới sưu tầm lại có thêm cơ hội giới thiệu và giao lưu trao đổi cổ vật với công chúng. Dù kinh phí đầu tư cho cổ vật lớn, nhưng những dịp trưng bày đó, ông hầu như luôn sẵn sàng cho mượn hiện vật mà không màng tới bất kỳ khoản kinh phí nào. Ông luôn chủ động khắc phục những khó khăn, rủi ro trong quá trình dịch chuyển để góp phần tạo nên những cuộc trưng bày thành công. Có bộ sưu tập hiện vật đất nung đời Lý - Trần ông cho bảo tàng tỉnh Phú Thọ mượn nhiều năm và vẫn đang được trưng bày tại bảo tàng.

Ông kể: “Cách đây 30 năm, khi mới chạm tay vào cổ vật, tôi không ngần ngại bỏ ra 5 cây vàng đầu tư cho số cổ vật đầu tiên. Chỉ một tháng sau, số cổ vật ấy về với người chủ mới trong niềm hoan hỉ, còn tôi lãi được 1 cây vàng cho sự đầu tư táo bạo của mình. Mối lợi lớn hồi đó cũng là động lực giúp tôi càng đam mê”. Chính sự nhạy bén và niềm đam mê đã dẫn lối ông tới thú chơi tao nhã có tính chất văn hóa lịch sử. Không như nhiều người chơi chuyên sâu một dòng, ông Hinh sưu tầm đa dạng, từ cổ vật chất liệu bằng đá, đồng, đất nung, sứ của các nước trên thế giới. Nhưng những gì lưu lại với ông là những cổ vật mang đậm chất văn hóa Việt Nam.

 Luật Di sản đã tạo một hành lang pháp lý rất tốt cho những người chơi. Chúng tôi thoải mái giao lưu và trao đổi trên khắp mọi miền đất nước, khuyến khích tìm tòi và tăng cơ hội sở hữu cổ vật với số lượng lớn. Người sở hữu những cổ vật giá trị hiện nay khá nhiều là những doanh nhân. Ngoài khả năng kinh tế, nền tảng văn hóa, kinh nghiệm cuộc sống, thì sự táo bạo trong đầu tư cũng giúp cho họ có cơ hội sở hữu những hiện vật giá trị. Mà đôi khi tiềm lực kinh tế phải cùng với sự may mắn mới tạo nên mối duyên giữa cổ vật và người sở hữu.

Người đàn ông nổi danh trong giới cổ vật lặng yên giây lát, nhưng lại rất nhanh truyền đi niềm hào hứng: “Với những người chơi mà tôi từng tham gia sinh hoạt, giao lưu trao đổi có những tiêu cực trong buôn bán hầu như không thể tồn tại. Bởi nói cho cùng, nghề nào cũng cần phải giữ được đạo đức và ý thức của từng người chơi là điều đáng quý nhất trong nghề cổ vật.”

Gắn bó với cổ vật bằng tri thức và kinh nghiệm, theo đuổi nghề bằng sự nhạy bén của một người sưu tập và không ngừng tìm tòi nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm. Giờ đây, giới cổ vật Việt Nam luôn dành cho ông một sự trân trọng bởi những đóng góp, nghiên cứu thẩm định và sự gìn giữ giá trị văn hóa thông qua những cổ vật. Ông nói: “Tôi cũng như những người nặng lòng với quê hương đất nước, mong rằng sẽ duy trì gìn giữ những bộ sưu tập cổ vật được mãi mãi về sau, kế tục qua các đời con cháu. Bởi lịch sử dân tộc Việt Nam giá trị văn hóa cũng được chứng minh thông qua cổ vật và bàn tay lao động của dân tộc Việt Nam qua các triều đại.”

Diệu Hồng