Chuyện làm giàu của "Đại gia Thiện trâu"

00:00 12/10/2020

25 tuổi, sau nhiều bôn ba trong Nam, ngoài Bắc, Nguyễn Đình Thiện về lại Hà Nội, quyết định chọn nghề chăn trâu thả rông để kiếm tiền. Chỉ hai năm sau đó, giữa đô thành chật hẹp, từ đàn trâu ngót nghét trăm con, anh đã trả được hoàn toàn vốn, gây dựng cơ đồ cho riêng mình với số tiền lên tới vài tỷ đồng. Anh nói: Làm nghề gì cũng được, miễn là chân chính và có tiền...

 Chỉ xấu hổ khi chấp nhận nghèo hèn...
Nhà Nguyễn Đình Thiện ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Buổi sáng khi vừa từ chỗ đàn trâu đầy lấm lem trở về, Thiện hào hứng kể cho chúng tôi nghe hành trình đến với nghề "ai bảo chăn trâu là khổ" của mình.    "Đại gia Thiện trâu" Sinh ra trong gia đình thuần nông, Nguyễn Đình Thiện học hết lớp 10 rồi nghỉ học. Những ngày đầu tiên sau khi rời ghế nhà trường, mọi người trong gia đình hướng cho anh nghề học lái xe để đi làm thuê hoặc nhận lái xe cho công ty, xí nghiệp nào đó trên địa bàn thành phố Hà Nội. Là con út trong gia đình có tới 6 anh chị em, Thiện vốn được coi là bướng bỉnh từ nhỏ. Trước sự sắp xếp của gia đình, anh tự lên tiếng quyết định việc học nghề của mình: "Nếu con chưa làm ra tiền, con chẳng đi học nghề gì cả, chỉ tốn tiền học và tiền xin việc của bố mẹ. Gia đình cứ để con được tự nguyện đi làm, tự có tiền, rồi sau đó con học nghề gì thì nghề" - Thiện đã nói với bố như thế. 20 tuổi, thấy kiếm tiền ở Hà Nội tương đối khó khăn, chàng trai 8X quyết định "Nam tiến" tìm cơ hội cho riêng mình. Anh đồng thời cũng quyết ra đi bởi hai bàn tay trắng. "Tiền ở trong tay mình, nghề cũng ở trong tay mình thì đừng lo. Bạn sẽ có hết mọi thứ khi ở tuổi 20, chỉ cần bạn chăm chỉ và biết kiên nhẫn, học hỏi", - Anh tự động viên, nhắc nhở mình như thế. Học chưa hết phổ thông, bằng cấp không có, nơi đất Sài Gòn náo nhiệt, Thiện phải trải qua những tháng ngày vất vả với đủ các loại nghề trông xe, rửa bát, đi làm giúp việc thuê. "Tất cả những nghề này tôi phải làm không công trong thời gian khá dài. Khi đó, tôi chỉ cần có chỗ tá túc qua ngày ở nơi xứ lạ" - Anh hào hứng kể lại. Sau một thời gian, kiếm được thông tin từ chỗ những người đến quán ăn, rồi những người khách qua đường ở nơi Thiện làm việc, anh bắt đầu tìm ra nghề mới: bỏ mối phụ tùng xe máy, đi buôn bán hàng vùng giáp biên giới Việt Nam - Campuchia  với việc buôn nông sản, bỏ mối rau từ Đà Lạt sang bán cho bà con bên nước bạn, rồi lại buôn hàng Campuchia về bán lại tại Việt Nam. Sự chăm chỉ cộng với duyên bán hàng “trời cho” cũng khiến Thiện "thắng lợi" ngay từ những ngày đầu. Sau vài ba năm bôn ba, anh có được vốn liếng nho nhỏ. Thiện bảo: Ngoài việc kiếm tiền, những ngày tháng đi làm nơi đất khách quê người còn cho tôi bao nhiêu kinh nghiệm sống và các mối quan hệ thân thiết. Cũng từ những ngày tháng có mặt các vùng đất miệt vườn xa xứ, tôi có thêm hai người mẹ nuôi. Ai cũng cưng tôi như con đẻ của mình. Những tưởng sẽ ở lại Sài Gòn hay mua nhà tại tỉnh Kiên Giang để lập nghiệp. Song giữa những lúc đang "ăn nên, làm ra",  Thiện bị gia đình giục giã về quê vì bố anh lo lắng khi thấy con làm ra nhiều tiền, sợ con hư hỏng, phạm pháp. Trở về lại quê hương tại Hà Đông - Hà Nội, Thiện dù khá khiên cưỡng nhưng cũng nghĩ phải làm ngay việc gì đó để tránh lãng phí thời gian. Anh đã mang số tiền dành dụm mua hai chiếc máy phay phục vụ dân làng cày ruộng. Vụ đầu tiên làm giàu trên đất quê, Thiện đã kiếm được 100 triệu đồng. Anh mạnh dạn vay thêm vốn, khởi nghiệp bằng đàn trâu 10 con. Ngày đi vay tiền, dắt trâu về giữa phố, nhiều người nhìn thấy Thiện bụm miệng cười: "Thằng này đúng là hâm rồi. Thời đại này, giữa phố phường mà nuôi trâu. Người ta mong ăn trắng, mặc trơn còn chưa được, huống gì thanh niên ngời ngời đi Nam về Bắc, rồi giờ chọn nghề chăn trâu, chẳng khác nào nông dân quèn!". Thiện lặng im. Anh tự động viên mình: Muốn tự mình làm chủ, không phụ thuộc ai phải tự làm, tự đi theo hướng của riêng mình. Nuôi trâu theo cách thả rông, lập đàn và chọn cách chăn thả tự nhiên trên đồng cỏ bỏ hoang sẽ có nhiều lợi thế. Trừ nguồn vốn bỏ ra mua giống thì không phải tốn thêm chi phí nào nữa. Mỗi năm cứ đến hẹn lại nên, trâu mẹ đẻ trâu con, lợi nhuận thu lại vừa dễ dàng vừa an toàn. Con người ta làm nghề gì chẳng được miễn là chân chính và kiếm được lợi nhuận. Đời người chỉ xấu hổ khi sức dài, vai rộng mà chấp nhận nghèo hèn... Không bao giờ ngưng “sở thích” làm giàu... Nghề nuôi trâu giữa chốn đô thành không “bóng bẩy” như các nghề khác mà bạn bè đồng trang lứa lựa chọn, Nguyễn Đình Thiện vẫn quyết tâm gây dựng cơ đồ bằng cách của riêng mình. Với đàn trâu theo mô hình chăn thả tự nhiên tận dụng tại các bãi cỏ bỏ hoang, ban đầu từ 10 con trâu giống, rồi lấy ngắn, nuôi dài, cộng thêm sự sinh sôi nảy nở của đàn trâu, đến giờ chàng trai 8X đã có thu nhập mỗi năm lên tới 400 đến 500 triệu đồng. Cả đàn trâu của Thiện giờ đã có 70 con. Chỉ tính bán nghé con, cũng đã lên tới vài chục triệu đồng/ con. Tính tổng số tiền Thiện có từ đàn trâu đã có thể có tới vài, ba tỷ đồng. Chăn đàn trâu “khủng” là vậy nhưng Nguyễn Đình Thiện cho biết, ở thời điểm hiện tại anh rất “nhàn”: “Mình tìm mua một con trâu cái khôn để dẫn đàn, do vậy bây giờ không cần phải dắt trâu đi, lùa trâu về. Sáng mở cửa, trâu tự theo con đầu đàn đến bãi cỏ ăn, trưa 11 giờ trâu tự giác kéo nhau về ao tắm, mình chỉ ra đóng cửa chuồng thôi. Khi đã có kinh nghiệm, mình cũng biết cách chọn trâu giống, biết cách chăm sóc kỹ hơn, ví dụ vào mùa lạnh, phải cho trâu ăn no hơn, giữ ấm cho trâu bằng bóng đèn trong chuồng...” Sở hữu đàn trâu tiền tỷ của anh với 50 con trâu để làm giống, 20 con trâu nuôi lấy thịt mang về lợi nhuận vài trăm triệu đồng mỗi năm nhưng trong đầu anh đã bắt đầu nghĩ đến những phương án khác để kiếm tiền. “Tôi sợ vài năm tới đây, những khu đất bỏ hoang sẽ bị thu hẹp lại, khi đó sẽ không còn chỗ để nuôi trâu theo phương pháp thả tự nhiên. Nghề nuôi trâu đơn giản nên chắc nhiều gia đình sẽ làm và như vậy thị trường cũng sẽ thu hẹp lại, vì vậy tôi đã tính đến nhiều phương án khác”. Một trong những cách làm giàu mà Thiện đang hướng tới, anh sẽ đào tạo nhân công, truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật để họ thay anh chăm lo đàn trâu. Bản thân anh sẽ đi nghiên cứu thị trường ở lĩnh vực khác để thành lập công ty và tổ chức sản xuất kinh doanh. “Chuyện này một mình tôi chắc không làm được mà phải dựa vào ai đó một cách bền vững, mà người đó chắc chỉ có thể là người vợ” – Anh cười. Trên thực tế, “ông chủ chăn trâu” cũng đang chủ động đặt vấn đề yêu đương với một cô kế toán làng bên cạnh. “Mỗi đứa sẽ có một thế mạnh riêng, bọn mình sẽ dựa vào nhau để gây dựng, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, gì thì gì anh cũng vẫn cần em phải biết sống tự lập và yêu thương những người xung quanh, cả hai bên gia đình hai bên chồng vợ” – Thiện bảo, ngày đầu tiên đi “tỏ tình” anh đã bộc bạch như vậy với cô bạn gái. Với đàn trâu của Thiện, hiện thị trường tiêu thụ vẫn đang mở rộng thêm nhiều. Anh còn nuôi thêm trâu chọi để bán đi thi đấu tại Phúc Thọ, Đồ Sơn. Mặc dù đã thu hồi được vốn 300 triệu đồng bỏ ra lúc ban đầu và hiện nay mỗi con trâu có thể cho tới 30 đến 40 triệu đồng/ con, anh vẫn nung nấu nhiều dự định lớn trong thời gian sắp tới. “Tôi đã đi nhiều nơi, ngắm những cánh đồng cỏ bỏ hoang rồi. Trong lúc chờ cưới vợ lập gia đình, công ty riêng, đợi khi thời tiết ấm áp và lập xuân sẽ “tranh thủ” chăn thêm một đàn 100 con. Việc lập đàn bây giờ không còn khó khăn như lúc ban đầu nữa bởi vì đã có vốn và kinh nghiệm sau nhiều năm “lăn lộn” với nghề.” Hình ảnh chàng trai trông “nhếch nhác” bên đàn trâu lớn giữa lòng Thủ đô Hà Nội vào lúc đi làm, nhưng lại cực kỳ “sang chảnh” trên chiếc ô tô bóng loáng khi đi chơi, giao dịch, mở rộng lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề đã và đang dần mở ra cách nhìn mới về lập nghiệp của các bạn trẻ ở quê anh: Cần phải đứng trên đôi chân của mình, cần phải nỗ lực khởi nghiệp bằng niềm đam mê thoát nghèo, phải dặn lòng và học cách từ bỏ thói quen chỉ thích làm những công việc sang trọng, trong khi điều kiện, cơ hội lại chưa cho phép. Hay chỉ đơn giản bắt đầu bằng việc giã từ những ngày tháng ăn chơi lêu lổng, đốt thời gian trong việc vô bổ, ngủ ngày cày nét vào ban đêm, lượn lờ phố xá cho qua ngày tháng, ngồi lỳ tại những quán trà đá, nhậu nhẹt bia rượu chỉ để... “chém gió”. Từ bỏ những thói quen đó, tích cực làm giàu từ những lợi thế quê mình, khiến thời gian sẽ trở nên vô cùng quý giá, để người trẻ  làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. ( Anh Vũ - Toi trẻ Thủ đô)