Chuyển hướng khởi nghiệp sau nhiều lần thất bại

00:00 12/10/2020

"Mình đã từng thất bại nên mong muốn các bạn thanh niên không lặp lại. Làm ăn phải có sự khác biệt, không nên thấy người ta làm rồi bắt chước làm theo” là tâm sự trên bước đường khởi nghiệp của anh Trần Hữu Tịnh - Giám đốc HTX Sản xuất thương mại dịch vụ kinh doanh tổng hợp Thanh niên Thăng Bình (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).

Quê ở miền biển Bình Đào, năm 2005, anh tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam (nay là Đại học Quảng Nam). Hợp đồng dạy học 5 năm nhưng anh không được vào biên chế. Thêm tấm bằng Đại học Luật hệ tại chức, anh vẫn thất nghiệp.

Ý tưởng về mô hình mới

Trong thời gian dạy học, anh bắt tay vào việc kinh doanh và làm nông với việc xây dựng thương hiệu cà phê rang và mở rộng thị trường trên địa bàn. Anh đầu tư mua hai cỗ máy ép dầu phụng, đầu tư vào chăn nuôi gia cầm, chế biến thức ăn gia súc. Tuy vậy, tất cả đều thất bại khiến anh nghĩ sang một hướng khởi nghiệp mới.

Khi anh Tịnh đề xuất ý tưởng thành lập một HTX lấy nòng cốt là thanh niên, huyện Đoàn lập tức ủng hộ và hứa sẽ đứng ra kêu gọi các đoàn viên tham gia.

Đầu năm 2014, một mô hình mới mẻ mang tên HTX Sản xuất thương mại dịch vụ kinh doanh tổng hợp thanh niên Thăng Bình do Huyện đoàn Thăng Bình thành lập chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. HTX có các ngành chủ lực như trồng và sản xuất nấm, chăn nuôi trang trại, sản xuất cà phê, dầu đậu phụng…

Là người khởi xướng mô hình, anh Tịnh cho biết sau nhiều cuộc họp trao đổi kinh nghiệm làm ăn giữa các đoàn viên trên toàn địa bàn huyện, mọi người đều có chung quan điểm là những loại hình chăn nuôi, trồng trọt ở địa phương ít mang lại hiệu quả. Do đó muốn phát triển bền vững, phải đồng lòng, hợp sức thành lập ra HTX thanh niên làm kinh tế với mục đích trước mắt là giải quyết việc làm cho những đoàn viên thất nghiệp trong mỗi chi đoàn.

Ban đầu, HTX chỉ nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của 7 - 8 thành viên (chủ yếu là các Bí thư Đoàn xã, thị trấn trực thuộc huyện). Bởi hầu hết đoàn viên bày tỏ sự lo ngại và không đặt niềm tin vào hình thức lao động kiểu “làm chung hưởng chung” này.

Tuy nhiên, khi những cán bộ chủ chốt đi tiên phong thành lập HTX vận động thuyết phục, dần dần số lượng đoàn viên tình nguyện tham gia và góp vốn xây dựng phong trào cùng nhau hợp sức phát triển kinh tế ngày một nhiều.

Sau nhiều ngày bàn bạc, các thành viên đã thống nhất hùn vốn và quyết định đầu tư trang bị một dàn máy sản xuất nước lọc phục vụ nước sạch cho người dân địa phương cùng các huyện lân cận.

Tất cả 39 thành viên cùng tham gia học quy trình chiết xuất nước tinh khiết và trực tiếp vận hành máy. Chỉ sau 7 tháng hoạt động, thương hiệu nước lọc “Sức sống mới” đã trở nên quen thuộc. Đây là tiền đề để HTX mở rộng thị trường ra một số tỉnh duyên hải miền Trung, đồng thời đầu tư thêm máy nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của tất cả thành viên.

​Anh Trần Hữu Tịnh kiểm tra hệ thống sản xuất

Đa dạng loại hình sản xuất

Không dừng lại ở dự án nước lọc, những đoàn viên với sức trẻ và khát vọng lớn chinh phục ước mơ làm giàu đã mạnh dạn mở rộng loại hình sản xuất, kinh doanh bằng việc xây dựng hồ bơi, sân bóng đá nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Hai sân cỏ nhân tạo cùng một hồ bơi ở ngay trung tâm thị trấn Hà Lam đã đi vào hoạt động.

Anh Trương Văn Cảnh - thành viên phụ trách sân bóng, cho biết: “Mục đích của việc xây dựng sân bóng kết hợp hồ bơi là tạo môi trường rèn luyện sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó, chính hai bộ môn thể thao này đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các thành viên trong HTX. Thông qua đó thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các bạn, tạo động lực hợp tác phát triển vì tập thể”.

Ngoài ra, HTX còn xúc tiến triển khai mở một cơ sở chế biến cà phê rang xay và đóng gói. Hoạt động này tạo ra nhằm giải quyết việc làm cho 7 - 8 thành viên mới “đầu quân” cho HTX.

PV