Chuyên gia tiêu hóa chỉ ra thủ phạm chính gây loét dạ dày

00:00 12/10/2020

Loét dạ dày tá tràng là tình trạng hoại tử bề mặt niêm mạc dạ dày xuyên qua lớp cơ niêm, thường là do tác động của acid và pepsin trong dịch vị. Đây là một bệnh phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Loét dạ dày

Stress và bệnh loét dạ dày 

Chị Nguyễn Hoài Thanh – 32 tuổi,trú tại Văn Quán, Hà Đông bị xuất huyết dạ dày. Khi vào bệnh viện cấp cứu bác sĩ thấy xuất huyết trên ổ loét dạ dày to. Chị Thanh kể trước chị đã bị loét dạ dày và đã điều trị nhưng gần đây thấy không còn đau bụng nên chị nghĩ bệnh khỏi. Chỉ đến khi chị đi đại tiện phân đen kèm theo xanh, đau bụng mới vào viện bác sĩ nội soi phát hiện xuất huyết dạ dày.

Không riêng chị Thanh, nhiều người trẻ là dân văn phòng cũng bị bệnh viêm loét dạ dày tấn công. Trường hợp anh Vũ Hoàng Huy – 29 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội cũng khổ sở vì loét dạ dày. Anh Huy cho biết anh làm kế toàn, đôi khi công việc stress và cứ thời điểm nào anh stress trong công việc hay vấn đề gì là bệnh viêm dạ dày tái phát. Dù 29 tuổi nhưng anh đã bị viêm loét dạ dày cả chục năm.

Theo GS Đào Văn Long – Nguyên trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai bệnh viêm loét dạ dày là bệnh phổ biến. Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 500.000 trường hợp mới mắc với số bệnh nhân trên 4 triệu người và tỉ lệ mắc trong dân số là 1,5%. Ở châu Âu, tỉ lệ mắc khác nhau giữa các nước từ 4 - 6 lần. Ở Thụy Điển, tỉ lệ này là 4,1% trong khi ở Anh chỉ là 0,12%. Ở châu Á là nơi có tỉ lệ mắc bệnh khá cao tuy nhiên hiện chưa có số liệu thống kê chính thức. Tỉ lệ mắc bệnh có liên quan chặt chẽ với tỉ lệ nhiễm H.P và tình trạng sử dụng thuốc kháng viêm không steroid, aspirin, và các yếu tố như địa lý, chủng tộc.

Tỉ lệ những người bị nhiễm H.P có thể xuất hiện loét ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, dao động khoảng từ 10 - 20%, nghĩa là cao hơn gấp 10 lần những người không nhiễm H.P Bệnh có thể gặp ở trẻ em lẫn người lớn, tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em thấp hơn người lớn.

Có thể gây ung thư

Theo GS Long có 3 nhóm nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng. Nhóm thứ nhất là các nguyên nhân đã xác định được cơ chế gây loét. Nhóm thứ hai là nhóm không rõ nguyên nhân và nhóm thứ ba là nhóm loét có liên quan đến các bệnh lý mạn tính hoặc suy đa phủ tạng cấp.

Thứ nhất: do nhiễm khuẩn trong đó chủ yếu do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori. Loét dạ dày tá tràng do thuốc có thể nhận thấy khi khai thác tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhân. Các thuốc chống viêm giảm đau (không steroid và aspirin) thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (Clopidogrel), thuốc chống ung thư (5-fluorouracil) là những thuốc dễ gây loét dạ dày tá tràng nếu như các thuốc này không được dùng phối hợp với các thuốc ức chế bài tiết acid dạ dày. Một số nguyên nhân khác như do xạ trị, do dùng hormone, do tắc tá tràng, do các bệnh thâm nhiễm như Sarcoidosis, bệnh Crohn dạ dày cũng có thể gây loét dạ dày tá tràng.

 Thư hai là loét dạ dày không rõ nguyên nhân bao gồm tăng bài tiết dạ dày không rõ nguyên nhân (H.P âm tính). Loét mang tính chất gia đình, Loét không do sử dụng thuốc không steroid.

Thứ ba là bệnh có liên quan đến các bệnh lý mạn tính hoặc suy đa phủ tạng bao gồm loét do stress, loét dạ dày tá tràng ở người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan, suy thận và ghép tạng. Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch cũng có thể bị loét dạ dày tá tràng.

Trong 3 nhóm nguyên nhân đã nêu loét dạ dày tá tràng do Hp, do dùng thuốc kháng viêm không steroid, aspirin và loét do stress là hay gặp nhất.

Theo GS Long biến chứng của viêm loét dạ dày gây xuất huyết tiêu hóa, thủng ổ loét, hẹp môn vị và ung thư hóa. Các biến chứng sẽ được nêu chi tiết trong các chuyên mục sau.

Phòng viêm loét dạ dày ngoài các nguyên nhân trên, GS Long cho biết nên bỏ thuốc lá vì thuốc lá đóng vai trò trong việc xuất hiện, tồn tại và biến chứng của loét do H.p. Thuốc lá ức chế quá trình liền sẹo, kích thích sự tái phát và làm tăng các biến chứng phải phẫu thuật của loét dạ dày tá tràng.

Yếu tố nữa đó là rượu. Vì nồng độ rượu cao làm hư hại hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày và dễ gây tổn thương cấp tính như chảy máu niêm mạc.

Khánh Ngọc