Chuyên gia giải mã vì sao Trump - Kim "không đạt được thỏa thuận"

00:00 12/10/2020

Ngay sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội mà không có thỏa thuận chung giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Đại tá Lê Thế Mẫu - nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc Phòng), chuyên gia phân tích chính trị - quân sự quốc tế đã trả lời phỏng vấn của PV Dân Việt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội vào trưa 28.2 mà không đạt được một thỏa thuận chung, cả hai hủy bỏ bữa trưa cùng nhau cũng như lễ ký kết tuyên bố chung. 

Tại buổi họp báo sau đó được tổ chức tại khách sạn JW Marriott – Hà Nội, ông Trump đã hé mở nguyên nhân chính dẫn đến không có kết quả như mong đợi đó là sự bất đồng về lệnh cấm vận. Ngay sau khi kết thúc, Trump cùng phái đoàn của mình đã lên chuyên xa hướng về Nội Bài trở về nước bằng chiếc không lực Air Force One.

chuyen gia giai ma vi sao trump - kim

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay nhau tối 27.2 tại Hà Nội trước khi không đạt được thỏa thuận chung như kỳ vọng vào ngày 28.2. Ảnh Quang Vinh

Ngay sau khi sự kiện kết thúc, Đại tá Lê Thế Mẫu - nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc Phòng), chuyên gia phân tích chính trị - quân sự quốc tế đã trả lời phỏng vấn của Dân Việt.

 

Theo Đại tá Lê Thế Mẫu, tại cuộc gặp lần này, Triều Tiên cam kết dỡ bỏ một số cơ sở hạt nhân, chưa phải là tất cả, nhưng lại đưa ra yêu cầu Mỹ dỡ bỏ toàn toàn các biện pháp cấm vận. Không những thế, Triều Tiên còn yêu cầu Mỹ rút quân và dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa khỏi Hàn Quốc. Yêu cầu này là không thực tế và dĩ nhiên phía Mỹ không thể chấp nhận.

Tổng thống Trump không thể tự quyết

Thưa Đại tá, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 vừa kết thúc tại Hà Nội mà không có những ký kết chung như kỳ vọng. Ông có bình luận gì về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều này?

Trước hết, cần nhận thấy kết quả cuộc gặp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không ra được Tuyên bố chung Hà Nội là bất ngờ lớn đối với cả thế giới. 

Điều khó khăn nhất là sự bế tắc tích tụ trong đó vô vàn sự nghi kỵ, mâu thuẫn và bất đồng dồn nén lại trong hơn nửa thế kỷ trong quan hệ giữa hai nước kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã được Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 ở Singapore khai thông. 

chuyen gia giai ma vi sao trump - kim

Đại tá Lê Thế Mẫu - nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc Phòng), chuyên gia phân tích chính trị - quân sự quốc tế.

Do đó, thế giới kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sẽ đạt được thỏa thuận cụ thể nào đó như là một bước cụ thể hóa định hướng chung có tính nguyên tắc trong Tuyên bố chung mà hai bên đạt được trong cuộc gặp ở Singapore tháng 6.2018.

 

Chí ít, hai bên cũng ra được Tuyên bố chung Hà Nội để khẳng định quyết tâm tiếp tục thực hiện định hướng chung đề ra tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1. Rất tiếc, hai bên đã không đạt được điều đó và đây là điều bất ngờ. 

Nguyên nhân khiến hai bên không ra được Tuyên bố chung Hà Nội thì có nhiều, nhưng theo tôi nguyên nhân chủ yếu là hai bên không thống nhất được nội hàm của tiến trình phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ cấm vận. 

Mâu thuẫn cơ bản và then chốt nhất trước khi bước vào Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 là trong khi Triều Tiên đề nghị phi hạt nhân hóa từng bước và nhận được các biện pháp dỡ bỏ cấm vận của Mỹ, thì Mỹ lại yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa toàn diện và được kiểm chứng, sau đó mới nhận được sự dỡ bỏ cấm vận. 

Thế nhưng, tại cuộc gặp lần này, Triều Tiên cam kết dỡ bỏ một số cơ sở hạt nhân, chưa phải là tất cả, nhưng theo ông Trump, Triều Tiên lại đưa ra yêu cầu Mỹ dỡ bỏ toàn toàn các biện pháp cấm vận. Không những thế, Triều Tiên còn yêu cầu Mỹ rút quân và dỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa khỏi Hàn Quốc. Yêu cầu này là không thực tế và dĩ nhiên phía Mỹ không thể chấp nhận. 

chuyen gia giai ma vi sao trump - kim

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đi bộ bên trong khách sạn Metropole (Hà Nội) và cùng trao đổi trước khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận chung.

Trong cuộc họp báo Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Chúng tôi chưa sẵn sàng để từ bỏ những điều cho thỏa thuận này. Chúng tôi là đối tác với rất nhiều nước trên thế giới và tất cả đều quan trọng”. Có thể, ông Donald Trump ngụ ý về việc Triều Tiên yêu cầu này. Hơn nữa, lệnh cấm vận Triều Tiên đã được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết thông qua, nên một mình Mỹ không có đủ thẩm quyền dỡ bỏ hoàn toàn.    

Nhiều ý kiến cho rằng ông Trump đang chịu nhiều sức ép từ trong nội bộ nước Mỹ, điều đó ảnh hưởng đến kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội lần này. Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến này?

Sức ép từ nội bộ nước Mỹ là rất lớn mà Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể vượt qua được. Cụ thể là, ngày 2.8.2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải ký phê chuẩn Đạo luật H.R.3364 với tên gọi “Chống lại sự xâm lược của chính phủ các nước Nga, Iran và Triều Tiên” đã được Hạ viện và Thượng viện thông qua trước đó. 

chuyen gia giai ma vi sao trump - kim

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội vào trưa 28.2 mà không đạt được một thỏa thuận chung. Trong ảnh: Phái đoàn Mỹ và Triều Tiên trong buổi làm việc diễn ra tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội.

Bằng chữ ký phê chuẩn Đạo luật H.R.3364, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không còn cách nào khác là phải “tự trói mình” và không thể đưa ra được bất cứ quyết định nào liên quan tới Triều Tiên, Nga và Iran mà chưa được Quốc hội cho phép. Vì thế, tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không thể ký một thỏa thuận mà có thể bị phản đối ở trong nước. Lệnh trừng phạt của Mỹ là không công bằng 

Ông đánh giá như thế nào về lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên cũng như thỏa thuận phi hạt nhân hóa Triều Tiên hiện nay?

Công bằng và khách quan, thì lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên là không công bằng. Sỡ dĩ Triều Tiên phải phát triển vũ khí hạt nhân là do trong hơn nửa thế kỷ này họ luôn ở trong tình trạng chiến tranh, đó là chưa kể chính quyền Mỹ dưới nhiều đời tổng thống khác nhau đã coi Triều Tiên là “trục ma quỷ”, là “quốc gia bất trị”, gần đây nhất là trong năm 2017 Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật H.R.3364, trong đó xác định Triều Tiên là “quốc gia xâm lược”. Do đó họ phải phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ. 

chuyen gia giai ma vi sao trump - kim

Chiều 28.2, hàng trăm phóng viên quốc tế và trong nước có mặt tại buổi họp báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump được tổ chức ở khách sạn JW Marriott. Buổi họp báo được đẩy lên sớm từ 16h thành 14h. Tại đây, ông Trump cho biết lý do chủ yếu của việc hai bên không đạt được thỏa thuận là vì Triều Tiên muốn được dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhưng "chúng ta không thể làm điều đó lúc này". Ảnh: Quang Phúc.

Đây là chuyện cực chẳng đã. Vì thế, Triều Tiên đã từng tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng Mỹ vẫn tiếp tục đe dọa loại bỏ chế độ chính trị của Triều Tiên. Vì thế, năm 2003, Triều Tiên buộc phải rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và quyết tâm phát triển loại vũ khí này để răn đe hành động xâm lược từ phía Mỹ. 

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán trực tiếp với Mỹ để hủy bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và đổi lại, Mỹ sẽ ký hiệp ước hòa bình với Triều Tiên và dỡ bỏ cấm vận. Đến nay, hai bên đã đạt được chủ trương chung, theo đó Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa, còn Mỹ phải dỡ bỏ cấm vận. Vướng mắc cuối cùng là hai bên chưa thống nhất được cơ chế để thực hiện chủ trương này.   

Thưa Đại tá, ông có thể dự đoán “nấc thang” tiếp theo trong quan hệ Mỹ- Triều?

Rõ ràng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 ở Singapore và lần 2 ở Hà Nội đã tạo cơ sở để hóa giải hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên và cải thiện quan hệ Mỹ-Triều. 

Nhưng để đạt được mục tiêu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn quan hệ Mỹ-Triều được bình thường hóa là một quá trình lâu dài liên quan tới các yếu tố chính trị, kinh tế và an ninh đan xen nhau và liên quan tới nhiều quốc gia. 

Chiến tranh Triều Tiên trước đây (1950-1953) thực chất là cuộc chiến tranh địa chính trị giữa nhiều bên. Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hiện nay cũng là tâm điểm cạnh tranh địa chính trị giữa nhiều bên, chứ không chỉ giới hạn trong quan hệ Mỹ-Triều. 

Do đó, trong quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều, không thể bỏ qua lợi ích của nhiều bên khác. Thí dụ, đối với Nhật Bản, để hóa giải nguy cơ an ninh từ phía Triều Tiên không chỉ là phải phi hạt nhân hóa mà Triều Tiên cũng không được phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung.  

chuyen gia giai ma vi sao trump - kim

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đi tới đâu cũng nhận được sự ủng hộ, chào đón nhiệt tình của người dân Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Thưa ông, Hà Nội đã tổ chức rất tốt Hội nghị thượng đỉnh lần 2 này. Cả hai nguyên thủ của Mỹ và Triều Tiên đều rất ấn tượng và tin tưởng. Song, kết quả cuối cùng lại không như kỳ vọng. Ông nhìn nhận như thế nào về khả năng các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ được thiết lập? Liệu Hà Nội-Việt Nam sẽ tiếp tục được lựa chọn?

Sắp tới đây, Mỹ và Triều Tiên không chỉ cần có các cuộc đàm phán lần 3 mà có thể sẽ là lần 4, lần 5, lần 6 v.v…Dĩ nhiên, không nhất thiết là ở cấp thượng đỉnh như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 ở Singapore và lần 2 ở Hà Nội. 

Để giải quyết một hồ sơ cực kỳ phức tạp như chương trình hạt nhân của Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều, cần có cả một quá trình, thậm chí phải vận dụng cả cơ chế đàm phán nhiều bên. Với những gì Việt Nam đã làm được để phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, rất có thể Hà Nội sẽ được lựa chọn cho một cuộc gặp Mỹ-Triều trong tương lai. 

Mọi so sánh đều là khập khiễng như ở đây có thể liên tưởng tới quá trình đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam để chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc đàm phán ở Paris, thủ đô nước Pháp, từ năm 1969 đến năm 1973. Ngay cả khi Hiệp định Paris đã được ký tắt mà Mỹ vẫn quyết định thực hiện chiến dịch ném bom rải thảm ở Hà Nội. Chỉ sau khi bị thất bại trong chiến dịch này, Mỹ mới chính thức đặt bút ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh là lập lại hòa bình ở Việt Nam.  

Trân trọng cảm ơn ông!

Triều Tiên chỉ muốn gỡ bỏ một phần biện pháp trừng phạt

Đúng 0 giờ sáng 1.3, phái đoàn Triều Tiên bất ngờ tổ chức họp báo tại khách sạn Melia, Hà Nội, sau khi thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 kết thúc vào trưa 28.2 mà không đạt được thoả thuận nào. Chủ trì họp báo là Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho.

Ông Ri Yong-ho thông báo kết quả đàm phán thượng đỉnh. Ông Ri nói Triều Triền chỉ muốn gỡ bỏ một phần biện pháp trừng phạt, không phải toàn bộ, cụ thể là 5 lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là những phần liên quan đến sinh kế của người dân.

"Triều Tiên chỉ theo đuổi việc dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt. Chúng tôi đang phải chịu 11 lệnh cấm vận và chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5", ông Ri thông tin.

Đổi lại việc Mỹ dỡ bỏ một số lệnh cấm vận đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và cuộc sống người dân của họ, Bình Nhưỡng sẽ dỡ bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn các cơ sở sản xuất hạt nhân, bao gồm plutonium và uranium, và cho phép chuyên gia Mỹ vào thanh sát.

Bộ trưởng Ri Yong-ho nói rằng, Mỹ yêu cầu 'một biện pháp nữa' ngoài việc phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon. "Nếu chúng ta theo đuổi những biện pháp nhằm xây dựng lòng tin ở mức độ hiện tại, thì có thể đẩy nhanh tiến trình giải giáp hạt nhân...

Tuy nhiên, trong cuộc gặp thượng đỉnh, phía Mỹ luôn muốn chúng tôi phải tiến thêm bước nữa, yêu cầu một biện pháp nữa", ông Ri nói.

Ông Ri nói thêm: "Trong đàm phán, 2 bên đã thảo luận về việc ngừng lâu dài việc thử hạt nhân cũng như thử tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, phía Mỹ yêu cầu chúng tôi phải tiến xa hơn việc loại bỏ hoàn toàn cơ sở hạt nhân. Chính vì yêu cầu này mà thỏa thuận đã không thể đạt được".

 Thành An