Chuyển đổi số trong công tác điều hành quản trị doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Chuyển đổi số là con đường duy nhất để doanh nghiệp có thể phát triển và cạnh tranh bền vững với chi phí tiết kiệm nhất. Mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia đưa ra là nâng tổng số doanh nghiệp chuyển đổi số từ 50.000 lên 100.000 trong vòng 5 năm tới, bởi những lợi ích to lớn mà chuyển đổi số mang lại.

Đó là những thông tin đã được Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh nhấn mạnh tại Hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số trong công tác điều hành quản trị doanh nghiệp” diễn ra chiều 20/8 tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (HANOISME) phối hợp cùng Công ty Cổ phần MISA, cùng với sự bảo trợ thông tin và truyền thông từ báo Thế giới & Việt Nam (Bộ Ngoại giao). Hội thảo được diễn ra trong bối cảnh dịch Covid quay trở lại với nhiều diễn biến phức tạp. Một lần nữa, những tác động của dịch cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác vận hành doanh nghiệp nhằm ứng phó kịp thời và giảm thiểu các ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài đến doanh nghiệp. 

Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo

Tại sự kiện, ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch HANOISME với kinh nghiệm trong công tác tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đã khẳng định chuyển đổi số là con đường duy nhất để doanh nghiệp có thể phát triển và cạnh tranh bền vững với chi phí tiết kiệm nhất. Ông cũng nhấn mạnh mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia đưa ra là nâng tổng số doanh nghiệp chuyển đổi số từ 50.000 lên 100.000 trong vòng 5 năm tới, bởi những lợi ích to lớn mà chuyển đổi số mang lại.

“Một doanh nghiệp muốn hoạt động với quy mô lớn và tại nhiều vùng miền thì bắt buộc phải chuyển đổi số. Vì chỉ có công cụ số mới giúp người quản lý có thể điều hành được tất cả các phòng ban, các chi nhánh một cách tổng thể thay vì đơn lẻ, rời rạc. Đồng thời, trong kỷ nguyên số, con người sử dụng điện thoại trung bình từ 8-10 tiếng một ngày, đòi hỏi doanh nghiệp cần tạo được sự liên kết dữ liệu trên nhiều nền tảng khác nhau, mới có thể chiếm ưu thế để phát triển bền vững” – ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chủ tịch HANOISME, Chủ tịch HĐQT Sunhouse chia sẻ tại hội thảo.

Theo báo cáo từ IDC về nhận định tầm quan trọng của chuyển đổi số với các doanh nghiệp, có 90% doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, trong đó, có 30% chủ doanh nghiệp đánh giá đây là vấn đề sống còn với mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu đúng và áp dụng phù hợp chuyển đổi số vào chính quy mô, lĩnh vực đang kinh doanh.

Về vấn đề này, bà Đinh Thị Thúy – Tổng Giám đốc MISA – một đơn vị đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong cung cấp các giải pháp số hóa hoạt động của doanh nghiệp cho biết, mặc dù nhìn nhận được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng vẫn còn nhiều rào cản để doanh nghiệp thành công trong công cuộc trở thành doanh nghiệp số. Tại các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu nghiệp vụ đơn giản, nhân sự ít và yếu nên khó triển khai các giải pháp tổng thể phức tạp và ngân sách hạn chế. Trong khi đó, để doanh nghiệp lớn chuyển đổi số thành công thì các giải pháp của nước ngoài quá cồng kềnh và đắt đỏ với tỷ lệ triển khai thành công thấp (25-30%) hoặc phải sử dụng nhiều giải pháp của nhiều nhà cung cấp khác nhau, triển khai không đồng bộ, thiếu tính liên kết giữa các bộ phận/phòng ban.

Là một đơn vị bước đầu thành công trong thực hiện số hóa các hoạt động của doanh nghiệp, Nguyễn Hữu Kiều - Chủ tịch HĐQT MGLAND Việt Nam cho biết tại MGLAND đã ứng dụng công nghệ vào mảng kế toán ngay từ ngày đầu do những yêu cầu phức tạp về mặt nghiệp vụ, số liệu. Sau đó, MGLAND đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ vào tất cả các bộ phận còn lại trong doanh nghiệp thông qua nền tảng quản trị doanh nghiệp nhằm tạo ra sự liên kết dữ liệu từ bán hàng đến kế toán, nhân sự… Nhờ đó, MGLAND giảm được đáng kể thời gian của nhân viên và hạn chế được các sai sót dữ liệu so với trước đây.

Thống kê 7 tháng đầu năm từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa. Đây là những con số cho thấy rõ sự ảnh hưởng của Covid đến nền kinh tế như thế nào.

Bởi vậy, vấn đề chuyển đổi số không còn là câu chuyện xu hướng mà là một yêu cầu tất yếu với doanh nghiệp. Chuyển đổi số được xem là chìa khóa cốt lõi để vận hành doanh nghiệp không chỉ ứng phó linh hoạt với biến động ngoại cảnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực mà còn là lời giải cho bài toán phát triển bền vững của mọi doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.

P.V