Chuyện buồn nhà tỷ phú: Khi cha con kiện nhau vì tranh chấp quyền lực và tài sản

00:00 12/10/2020

Tiền bạc và quyền lực đôi khi lại là nguyên nhân khiến những tỷ phú giàu có phải đối đầu với chính người con mà họ sinh ra.

Vijaypat Singhania là người sáng lập và xây dựng đế chế dệt may tỷ USD Raymond của Ấn Độ. Các công ty con của gia đình Singhania còn đầu tư vào xi măng, sữa và công nghệ. Năm 2015, ông Vijaypat trao 37% cổ phần chi phối tập đoàn của ông cho con trai Gautam Hari Singhania.

Đầu năm 2019, truyền thông Ấn Độ đưa tin, vị đại gia một thời Vijaypat giờ sống trong hoàn cảnh khó khăn, không còn xe hơi và phải đi thuê nhà để ở. Doanh nhân 80 tuổi đã nộp đơn kiện để đòi quyền sở hữu một căn hộ trong khu phức hợp 36 tầng JK House trên khu đồi Malabar thuộc thành phố Mumbai - trung tâm tài chính của Ấn Độ. Đây là căn hộ mà lẽ ra ông được nhận theo một văn bản hòa giải tranh chấp gia đình vào năm 2007.

Ông Vijaypat kể rằng hai nhân viên của Raymond quản lý các giấy tờ sở hữu căn hộ, tài khoản ngân hàng và nhiều giấy tờ cá nhân khác của ông. Nhưng do sự sắp xếp của con trai, hai người này biến mất khiến ông không thể tiếp cận những văn bản đó. Theo ông, Gautam không đồng ý để cha nhận căn hộ vì giá thị trường của nó lên tới hàng chục triệu USD, trong khi giá thỏa thuận trong văn bản hòa giải thấp hơn nhiều.

Vijaypat Singhania và con trai. Ảnh: Indiatribune.

Khi căng thẳng leo thang, hội đồng quản trị Raymond còn tước chức vụ “chủ tịch danh dự” của Vijaypat, cáo buộc ông dùng từ ngữ lăng mạ trong các bức thư gửi công ty. Ông cũng cho biết bị cưỡng chế rời khỏi văn phòng và tài sản của mình. Vijaypat đang xem xét khả năng vận dụng một luật mà theo đó, cha, mẹ có thể lấy lại tài sản mà họ trao cho con, cháu nếu họ mất khả năng trang trải những nhu cầu cơ bản.

Hai cha con Vijaypat đã không nói chuyện với nhau suốt 2 năm. Ông Vijaypatt thừa nhận việc trao Raymond cho Gautam là quyết định “ngu dốt tột đỉnh”. “Tôi khuyên các bậc phụ huynh đừng mắc sai lầm trao hết tài sản cho con cái khi bạn còn sống”, ông nói.

Trong khi đó, Gautam cho rằng anh chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình. “Tôi đã làm điều đúng đắn. Trách nhiệm của tôi trên cương vị một người con khác với cương vị chủ tịch của Raymond. Đây là một thành viên hội đồng quản trị (Vijaypat) đang lợi dụng chức vụ để chiếm tài sản của công ty”, Gautam phát biểu với tạp chí Economic Times của Ấn Độ năm ngoái. “Tôi là nạn nhân. Tôi đã làm gì sai chứ?”

Nhà sáng lập Lotte, Shin Kyuk-ho bị chính con trai 'hất cẳng' khỏi tập đoàn. Ảnh: Bloomberg.

Thực tế, việc tranh chấp quyền lực và tài sản giữa những người cha với con cái do mình sinh ra không phải chuyện hiếm trên thế giới, đặc biệt ở những gia đình giàu có.

Cuộc chiến vương quyền tại Lotte, một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Hàn Quốc, tốn không ít giấy mực của báo chí nhiều năm qua. Đầu năm 2015, Shin Dong-joo - con trai cả của người sáng lập Lotte, ông Shin Kyuk-ho - bị chính người em ruột Shin Dong-bin loại khỏi vị trí phó chủ tịch Lotte Holdings tại Nhật Bản.

Đến tháng 7/2015, thông qua người cha Shin Kyuk-ho, Dong-joo cố gắng hất cẳng em trai khỏi Lotte Holdings. Nhưng kế hoạch bị lật ngược khi Dong-bin kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp và thuyết phục được hội đồng quản trị đồng ý sa thải người cha khỏi vị trí CEO.

Tháng 10 cùng năm, Shin Kyuk-ho và con trai cả quyết định kiện con út và các thành viên hội đồng quản trị của Lotte Holdings để hủy bỏ quyết định sa thải ông hồi tháng 7.

Shin Dong-bin là người chiến thắng cuối cùng, khi nắm được chức chủ tịch Lotte Group kiêm CEO Lotte Holdings. Tuy nhiên, hồi tháng 2/2018, ông bị kết án 2,5 năm tù vì hối lộ. Vụ án này nằm trong scandal khiến cựu Tổng thống Hàn Quốc - Park Geun-hye bị phế truất. Shin Dong-bin sau đó cũng từ chức CEO Lotte Holdings.

Linh Lam/Tổng hợp