Chương trình hỗ trợ khoa học, công nghệ Quốc gia: Doanh nghiệp khó tiếp cận

00:00 12/10/2020

Doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, nhưng lại không muốn xin hỗ trợ vì khó tiếp cận với các chương trình hỗ trợ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) quốc gia.

Đây là thực trạng được đại diện hầu hết các doanh nghiệp chia sẻ tại Hội thảo “Những điểm sáng đổi mớí sáng tạo trước thách thức hộị nhập” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH& CN) tổ chức vừa qua tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Thứ trưởng Bộ KH & CN Trần Việt Thanh: “Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và thế giới để tồn tại và phát triển, cách duy nhất đối với doanh nghiệp là phải đổi mới sáng tạo (ĐMST) để có nhiều sản phẩm công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng tính cạnh tranh”.

Theo báo cáo của Bộ KH & CN: “Hiện đang có 8 chương trình KH & CN quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, chuyển giao nhập khẩu, phát triển sản phẩm, tài sản trí tuệ và công nghệ cao. Mục tiêu của chương trình đổi mới công nghệ quốc gia chính là hình thành và phát triển 3.000 doanh nghiệp KHCN.

Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, (Bộ KH & CN) đưa ra số liệu lại khiến nhiều người bất ngờ: “Bởi trong số 500 doanh nghiệp được khảo sát thì chỉ có khoảng 13% doanh nghiệp cho biết là có nhu cầu đổi mới công nghệ”.

Theo bà Lan: “Lý do có tỷ lệ thấp như  trên là bởi thông tin về các chương trình hỗ trợ chưa được truyền thông sâu rộng và doanh nghiệp chưa nhận thức rõ ràng về nhu cầu. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận, nhu cầu thực tế là rất cao nhưng doanh nghiệp không quan tâm vì có quá nhiều thủ tục quy định khiến họ khó tiếp cận được với các chương trình hỗ trợ quốc gia về KH & CN”.

Là một điểm sáng trong ĐMST, TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh) và là người đang khởi nghiệp trong dự án sản xuất phân bón thông minh đã lý giải về nỗi sợ của doanh nghiệp. Ong Mỹ cho rằng, tình trạng quan liêu và lạc hậu trong quản lý hành chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp quan ngại. Những yếu kém này kết hợp với cơ chế xin cho khiến nhiều chính sách của Nhà nước không đến được với doanh nghiệp, hoặc khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, công sức mới được đáp ứng nguyện vọng.

Sản phẩm phân bón thông minh được ông Mỹ ấp ủ trong nhiều năm nay, và được chính thức nghiên cứu sản xuất từ đầu năm 2016, sản phẩm hiện đang được thử nghiệm với các hộ nông dân ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Với phân bón thông minh mà Rynan (Tập đoàn Mỹ Lan) sản xuất, chính lớp polymer bao ngoài sẽ giúp phân giải từ từ theo tiến trình phát triển và hấp thụ của cây trồng. Điều này, giúp tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm lượng phân sử dụng, giảm ô nhiễm nguồn nước, giảm khí thải nhà kính.

Dĩ nhiên là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, Rynan không chỉ dừng ở phân bón. Đơn vị này còn nghiên cứu cung cấp các dịch vụ khác như ứng dụng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây trong nông nghiệp thông minh; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đóng gói bao bì sản phẩm với công nghệ màng đa lớp.

PGS - TS Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch tập đoàn Sơn Kova chia sẻ: “Kova là doanh nghiệp với trên 3000 công nhân, 9 nhà máy, văn phòng tại 6 quốc gia trên thế giới. Doanh nghiệp đã nghiên cứu và ứng dụng thành công các sản phẩm sơn chống đạn, sơn chống cháy, sơn diệt khuẩn nhưng tất cả đều đến từ sự chủ động của doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp chưa nhận được bất kỳ một sự hỗ trợ nào từ ngân sách cũng như chính sách các chương trình ĐMCN quốc gia”.

Tại sao có chuyện lạ như vậy? PGS - Nguyễn Thị Hòe kể lại câu chuyện thực tế về Sơn Kova là minh chứng rõ nhất cho những bất cập trong hoạt động hỗ trợ ĐMCN đối với doanh nghiệp: “Lúc đầu tôi liên hệ với các cơ quan chức năng để thử nghiệm sơn chống đạn, nhưng quy trình quá phức tạp và chi phí cho toàn bộ quá trình kiểm tra mất cả chục ngàn USD. “Chúng tôi làm gì có tiền chi. Thế là Kova chuyển hướng sang Campuchia và chỉ mất 2 thùng nước suối để thử đạn ở trường bắn. Từ đó, dự án của Sơn Kova mới có cơ hội được đem ra ứng dụng”.

Câu hỏi là Kova sẽ chuyển giao công nghệ hay chỉ bán sản phẩm? Hiện nay, Sơn Kova đang cân nhắc các yếu tố bởi tập đoàn cần phải cân đối kinh tế để trả lương cho 3.000 nhân viên tại chín nhà máy ở sáu quốc gia khác nhau. PGS - TS Nguyễn Thị Hòe nói.

Ông Thái Quốc Huy, chủ doanh nghiệp Thảo Hương (An Giang) chia sẻ: “Năm 2006 ông từng nhận hỗ trợ từ cơ quan chính quyền tỉnh để đổi mới sản xuất. Kể từ lúc lập hồ sơ đến lúc nhận được hỗ trợ ông đã phải mất nhiều thời gian và thủ tục. Đến nỗi gần đây, dù có nhận được thư mời tham gia tiếp nhưng ông vẫn kiên quyết tự thực hiện. Vì theo ông “tự làm cho khỏe hơn”.

Dưới góc nhìn của người làm nghiên cứu khoa học, PGS - TS Mai Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp từ Nhà nước thường mắc căn bệnh ban phát. Họ nghĩ họ đang ban phát cho doanh nghiệp chứ không phải làm công việc hỗ trợ, phục vụ. Điều này dễ dẫn đến những vặn vẹo, hạch sách khi kiểm định hồ sơ”.

Nói đi cũng phải nói lại. Theo PGS - TS Mai Thanh Phong, ngoài những doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới sáng tạo, hiện cũng có không ít các doanh nghiệp chưa có sự quan tâm đầy đủ đến vấn đề này và đó là lý do lý giải thích con số chỉ có 13% doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ nêu trên.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ KH & CNTrần Việt Thanh cũng thừa nhận, môi trường kinh tế vĩ mô và thể chế quản lý của nhà nước chưa tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp bứt phá vươn lên, nếu không nói là một trở lực đáng kể. Theo Thứ trưởng, nhiều chính sách hiện nay vẫn còn mang tính chất hàn lâm, chưa sâu sát vào thực tế của doanh nghiệp đã làm hạn chế quá trình đổi mới công nghệ, phát huy sáng tạo của doanh nghiệp.

Được biết, tại Hội thảo “Những điểm sáng đổi mớí sáng tạo trước thách thức hội nhập” vừa qua. Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) cùng Bộ Khoa học & Công nghệ chính thức công bố thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2 nhằm mục đích xây dựng, triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo hội nhập.

Một phần của chương trình này bao gồm xây dựng giải thưởng “Doanh nghiệp sáng tạo hội nhập” để khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.

Bài và ảnh: Bình An (Văn phòng Đại diện phía Nam)