Chứng khoán kỳ vọng vào cuộc gặp Mỹ - Trung!

00:00 12/10/2020

Chỉ số VN-Index đã trụ vững khá tốt trước áp lực tái cơ cấu danh mục của hai quỹ VNM ETF và FTSE Vietnam ETF vào cuối tuần trước. Mặc dù khối ngoại vẫn bán ròng khoảng 200 tỉ đồng nhưng hoạt động phát hành chứng chỉ quỹ mới của ba quỹ ETF bao gồm VNM ETF, VFMVN30 ETF, iShares MSCI Frontier 100 ETF là rất đáng khích lệ với giá trị đạt hơn 360 tỉ đồng trong tuần.

Bối cảnh thông tin thế giới trong tuần này đang theo chiều hướng ổn định, tạo thuận lợi cho đà hồi phục ngắn hạn của VN-Index. Ảnh: Thành Hoa

Trong khi đó, thị trường tài chính toàn cầu trong tuần trước chứng kiến một xu hướng khá đặc biệt khi hầu như tất cả các nhóm tài sản, từ cổ phiếu, dầu thô, vàng đến trái phiếu đều tăng giá mạnh. Các chỉ số chứng khoán tại Mỹ kết thúc tuần với mức tăng 2,5% nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Feb) đã chuyển sang trạng thái “sẵn sàng” cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng có tuần hồi phục mạnh trên 4%. Giá dầu thế giới tăng trên 5% do căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Iran leo thang. Giá vàng lần đầu tiên có phiên vượt ngưỡng 1.400 đô la Mỹ/ounce sau nhiều năm. Còn giá trái phiếu của Mỹ liên tục tăng khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đã về mức 2%/năm.

Hiện tượng hầu hết các nhóm tài sản có tính rủi ro cao (như cổ phiếu, dầu thô) lẫn các tài sản được coi là hầm trú ẩn an toàn (như vàng, trái phiếu) cùng tăng giá mạnh cho thấy đang sự phân hóa rõ nét trong kỳ vọng của giới đầu tư toàn cầu về triển vọng kinh tế thế giới trong thời gian tới.

Trong tuần này, thông tin kinh tế thế giới quan trọng nhất chính là hội nghị G20 được tổ chức vào ngày 28 và 29-6 tại Osaka, Nhật Bản. Theo đó, giới đầu tư kỳ vọng vào khả năng có một cuộc gặp bên lề hội nghị này giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để giải quyết các bất đồng thương mại.

Tuy nhiên, dù cuộc gặp này có diễn ra đi chăng nữa, sẽ là rất khó để hai bên đạt được một thỏa thuận cụ thể nào. Lý do là rất nhiều vấn đề hóc búa, động đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc khiến đàm phán đôi bên “đổ bể” hồi giữa tháng 5 cho đến nay vẫn không có gì tiến triển thêm.

Nhưng mặt khác, cả ông Trump và ông Tập đều đang có những sức ép chính trị riêng như mùa bầu cử 2020 đang đến gần (đối với Mỹ) hay tình hình kinh tế khó khăn trong nước (đối với Trung Quốc). Do vậy, trong ngắn hạn, hai nhà lãnh đạo vẫn đang có những “động cơ” của riêng mình để không leo thang thêm chiến tranh thương mại.

Trên cơ sở đó, kết quả của cuộc gặp (nếu có) có thể chỉ là những tuyên bố ngoại giao mang tính xây dựng, mở ra khả năng kéo dài thời gian đàm phán một vài tháng nữa. Mặc dù mặt trận thương mại có thể sẽ hạ nhiệt nhưng mặt trận công nghệ nhiều khả năng sẽ tiếp tục được Mỹ đẩy mạnh hơn nữa với Trung Quốc trong thời gian tới.

Về các thông tin vĩ mô trong nước, hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã nhóm họp tại Thái Lan vào cuối tuần qua. Nội dung kinh tế được kỳ vọng nhất trong cuộc họp lần này là việc ASEAN sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc đàm phán hiệp định RCEP. Tuy nhiên, kết quả cuộc họp cho thấy khó có khả năng RCEP sẽ hoàn tất đàm phán trong năm nay bất chấp việc Trung Quốc đang rất muốn đẩy mạnh hiệp định này. Hiện tiến trình đàm phán RCEP mới chỉ hoàn tất khoảng 40% khối lượng nên sẽ cần thêm khá nhiều thời gian để kết thúc.

Với Việt Nam, hiệp định RCEP mặc dù vẫn có những tác động tích cực nhất định nhưng kỳ vọng hưởng lợi sẽ không thể lớn bằng EVFTA hay CPTPP. Lý do là RCEP cơ bản là hiệp định của khối các nước sản xuất chứ không phải khối các thị trường tiêu thụ mạnh hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thậm chí, ở một số lĩnh vực cụ thể, hàng Việt Nam sẽ vấp phải áp lực cạnh tranh lớn hơn ngay trên sân nhà, đặc biệt là từ Trung Quốc, Ấn Độ hay các nước ASEAN.

Bối cảnh thông tin thế giới trong tuần này đang theo chiều hướng ổn định, tạo thuận lợi cho đà hồi phục ngắn hạn của VN-Index. Tất nhiên, vẫn có rủi ro là cuộc gặp Mỹ - Trung bên lề hội nghị G20 “đổ bể” vào phút chót. Ngoài ra, dòng tiền trong nước mặc dù có cải thiện nhưng hiện vẫn chưa đủ mạnh để thuyết phục về khả năng đột phá, bứt ra khỏi xu hướng đi ngang theo chiều hướng giảm trong trung hạn của VN-Index.

Bình An