Chưa xử lý được lãnh đạo HUD vi phạm do vướng quy định

00:00 12/10/2020

Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra vi phạm của nhiều cán bộ tại Tổng công ty HUD từ năm 2015 nhưng đến nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa thi hành kỷ luật những cán bộ lãnh đạo vi phạm của doanh nghiệp này do vướng mắc về quy định của pháp luật.

Pháp luật hiện nay chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với các trường hợp nghỉ hưu

Thanh tra Chính phủ vừa báo cáo Thủ tướng về việc xử lý sau thanh tra tại Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HUD). Kết luận này được công bố từ năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2017, lãnh đạo Chính phủ đã phải có yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm điểm trách nhiệm với các trường hợp cán bộ có vi phạm, khuyết điểm nhưng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

Trong báo cáo gần đây, Thanh tra Chính phủ cho biết, từ tháng 8.2016, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, hướng dẫn Tổng công ty HUD kiểm điểm trách nhiệm với 10 trường hợp, trong đó 7 thuộc Bộ quản lý và 3 do HUD quản lý.

Cụ thể, Hội đồng kỷ luật do Bộ Xây dựng thành lập đã họp, bỏ phiếu và đề xuất hình thức khiển trách đối với 01 cá nhân là thành viên Hội đồng thanh viên, trưởng ban Kiểm soát nội bộ Tổng công ty HUD; không xem xét kỷ luật với 2 cá nhân (còn đang công tác) là Thành viên Hội đồng thành viêm vì không liên quan đến nhưng vi phạm, khuyết điểm được nêu tại Kết luận thanh tra; chưa xem xét, kỷ luật với các cá nhân đã nghỉ hưu và 03 cán bộ chuyển công tác. 

Pháp luật hiện nay chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với các trường hợp nghỉ hưu. 

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, theo quy định điểm a, khoản 1, Điều 51 Nghị định số 97/2005/NĐ-CP ngày 19.10.2015 của Chính phủ về quản lý người giữ chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHHMT mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì: “Thời hiệu thực hiện kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cấp có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản xem xét, kỷ luật”.

Tuy nhiên, thời điểm các cá nhân có hành vi vi phạm trong giai đoạn 2010-2012, nhưng đến ngày 14.4.2015 Thanh tra Chính phủ mới có Kết luận Thanh tra số 811/KL-TTCP; như vậy đã quá thời hiệu để xử lý kỷ luật.

Mặt khác các cán bộ có vi phạm tại Kết luận thanh tra không còn là đối tượng điều chỉnh của Nghị Định 97 trên và pháp luật hiện nay chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với các trường hợp nghỉ hưu.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã xử lý, đối với 04 cá nhân, gồm ông Nguyễn Đăng Nam - nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Nghiêm Văn Bang, Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera và ông Ngô Doãn - Hội đồng thành viên, Trưởng ban kiểm soát nội bộ) thuộc Bộ Xây dựng quản lý đã áp dụng hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm và không được xem xét thi đua, khen thưởng năm 2015; trong đó, có 2 cá nhân bị đề nghị hình thức khiển trách.

Riêng, đối với 3 cá nhân (gồm chủ tịch Hội đồng thành viên, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên và Thành viên Hội đồng quản trị) đã nghỉ hưu chưa xem xét kỷ luật.

Trong báo cáo, Thanh tra Chính phủ cho biết, thực hiện hướng dẫn Bộ Xây dựng, Tổng công ty HUD thành lập Hội đồng kỷ luật để kiểm điểm trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân có vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra.

Cụ thể, cảnh cáo Kế toán trưởng Tổng công ty HUD và khiển trách đối với 2 Trưởng phòng thuộc Tổng công ty HUD (giai đoạn từ 2010-2012). Tuy nhiên, Hội đồng kỷ luật của Tổng công HUD chưa kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luât đối với những cá nhân đã được họp thông qua hình thức kỷ luật.

Trước đó, tại kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố năm 2015 chỉ ra sự thiếu trách nghiệm của ban lãnh đạo tổng công ty này trong việc quyết định đầu tư, kinh doanh dự án đô thị. Theo đó, từ năm 2011 về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính, quản trị dẫn đến chậm trễ và trì trệ trong việc triển khai, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn. Điều này đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn. Nợ phải trả lớn, doanh thu, thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo công ty này còn có hành vi làm trái và buông lỏng quản lý trong hoạt động ủy quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên với quy mô lớn. Tại các dự án đô thị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, HUD không tiếp tục đầu tư công trình trên đất hoặc chuyển nhượng đất có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp mà ủy quyền đầu tư kinh doanh cho các công ty thành viên, trái Điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của HUD.

Trần Kháng