Chưa lập thêm hãng hàng không vì sân bay Tân Sơn Nhất quá tải

00:00 12/10/2020

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air, chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét sau khi hoàn thành mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM.

Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải trầm trọng nên việc lập thêm hãng hàng không mới tạm thời không được Chính phủ chấp thuận

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đưa ra ý kiến sau khi Bộ GTVT hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thì mới xem xét việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air. Hiện tại, Bộ GTVT đang hoàn thiện phương án điều chỉnh Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự kiến ít nhất 3 năm nữa Bộ này hoàn thành xây dựng Nhà ga hành khách lưỡng dụng T3 và T4 cũng như nâng vị trí sân đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Công ty TNHH MTV Vietstar là doanh nghiệp mới được thành lập vào cuối tháng 6/2016, với số vốn là 300 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, hồ sơ của Công ty Vietstar đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành, bao gồm những điều kiện tối cần thiết như văn bản xác nhận vốn, thỏa thuận về việc thuê tàu bay, bản sao các văn bằng chứng chỉ chuyên môn của người phụ trách. Với mục tiêu trở thành hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam, Vietstar hướng tới thị trường nội địa trên trục bay Bắc - Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Vietstar dự kiến, nếu được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không thì năm 2017 sẽ thuê 5 máy bay để đưa vào khai thác và đệ trình Cục Hàng không Việt Nam Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC) đối với tàu bay A320/321 và B737. C.N.Q