Chưa khắc phục xong hậu quả bão số 3, Bắc Bộ "nín thở" đón bão số 4

00:00 12/10/2020

Theo dự báo, bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, tuy nhiên hoàn lưu của bão bao trùm cả Bắc Bộ gây mưa to đến rất to cho khu vực. Điều này đang trực tiếp đe dọa gây sạt lở, lũ ống, lũ quét tại các địa phương miền núi; ngập lụt tại những vùng trũng.

Từ đêm 15/7, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, hồi 4 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90km tính từ tâm bão.

 

Vị trí và đường đi của bão số 4.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm theo hướng Đông sau có khả năng đổi hướng dịch chuyển về phía Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 15/8, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6; phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5 - 10km. Đến 4 giờ ngày 16/8, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.

Trong khoảng thời gian tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 4 giờ ngày 17/8, vị trí tâm bão ở trên đất liền khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90km tính từ tâm bão. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3.

Cảnh báo mưa lớn: Từ đêm nay (14/8) đến ngày 15/8 ở phía Đông Bắc Bộ có mưa rải rác, từ đêm 15/8 đến ngày 17/8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250 - 350mm/đợt).

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong ngày và đêm nay (14/8), ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2 - 4m; biển động mạnh.

Vùng biển Vịnh Bắc Bộ, các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa dông mạnh; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Khắc phục hậu quả do mưa lớn sau bão số 3. Nguồn ảnh: Báo Nghệ An, báo Lai Châu, báo Lào Cai

Khẩn trương khắc phục hậu quả
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, mưa lớn dai dẳng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã khiến đất, đá ngậm no nước, dẫn đến nhiều vụ trượt sạt, lở núi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân. 

Điển hình như, ngày 7/8, tại km 78 +50 đến Km 79+600, quốc lộ 70, thuộc xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã xảy ra sạt lở với khối lượng khoảng trên 2000m3, gây tắc đường nhiều giờ. Trên địa bàn huyện, 4 nhà dân sập hoàn toàn do mưa lớn.

Ngày 11/8, tại km 58+500 trên Tỉnh lộ 153 thuộc địa bàn thôn Nậm Hu, xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai xảy ra vụ sạt lở đất khiến 2 người lưu thông bằng xe máy trên đường tử vong do bị đất vùi lấp. Danh tính 2 nạn nhân được xác định là Cổ Thị Nín (sinh năm 1948) và Lương Thanh Thưởng (sinh năm 2002), cùng trú tại bản Nậm Cằm, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên), là người thân trong gia đình. Tính đến chiều nay (13/8), chính quyền địa phương mới khắc phục tạm thời và thông xe 1 chiều tại điểm sạt lở trên.

Trước khi cơn bão số 4 đổ bộ vào đất liền, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia tiếp tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn và Cao Bằng.

Trong khi đó, tại các vùng trũng thấp, nguy cơ cao xảy ra ngập úng, do mực nước các sông vẫn còn cao. Như tại huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, tính đến chiều 13/8, nước cơ bản đã rút hết tại các điểm ngập úng, tuy nhiên vẫn còn 1 vài điểm đọng nước. Chính quyền địa phương đang gấp rút làm công tác vệ sinh môi trường, ổn định đời sống người dân.

Còn theo phản ánh của phóng viên báo Nghệ An, sau cơn bão số 3, đường sá trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Tương Dương bị sạt lở nhiều đoạn, bên cạnh đó nước sông suối vẫn dâng cao. Điều này khiến việc đưa học sinh đến trường đúng thời gian quy định, trước năm học mới 2018 - 2019 đang gặp rất nhiều khó khăn. Các trường học trên địa bàn đã phải phân công giáo viên cõng xe máy, lội suối vào bản để vận động các em đến lớp.

Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, toàn huyện có 150 ngôi nhà bị ngập, sạt lở, hư hỏng; 24 điểm trường, phòng chức năng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú cho học sinh bị hư hại.

Mưa lớn do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão cũng làm sạt lở 80m đường QL16 (địa phận xã Huồi Tụ và xã Mỹ Lý); tuyến đường giao thông quốc lộ 7B (đoạn Khe Kiền - Nậm Càn - Na Ngoi) bị sạt lở 18 điểm, cầu Nậm Càn (QL7B); đường giao thông địa phương (đường tỉnh, đường huyện, đường xã) bị sạt lở, hư hỏng 5.763m… Tổng thiệt hại tại huyện Kỳ Sơn hơn 42 tỷ đồng.

Để khắc phục hậu quả, UBND huyện Kỳ Sơn phối hợp với các lực lượng chức năng, huy động lực lượng tại chỗ tiến hành phá đá, đào đất để thông đường. Đồng thời, huy động hàng trăm lượt bộ đội, người dân, đoàn viên thanh niên để giúp bà con ổn định đời sống. Tính đến nay vẫn còn nhiều đoạn giao thông chưa thể khắc phục.

Trương Huyền