Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam với thành tích không tưởng

09:30 01/12/2020

Không giống với bất kỳ vị chủ tịch ngân hàng nào tại Việt Nam, ông Trần Hùng Huy được trao trọng trách khi còn khá trẻ (34 tuổi). Hầu hết những người đồng cấp ở nhà băng khác đều ở độ tuổi già hơn rất nhiều. Thế nhưng, thâm niêm gắn bó với ACB của vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng trẻ nhất Việt Nam lại không hề “trẻ”, ông Trần Hùng Huy từng bước đưa ACB vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Hiện nay, ông Huy đang sở hữu 74 triệu cổ phiếu ACB, chiếm 3,43%, và có giá trị thị trường lên đến hơn 2.000 tỉ đồng (26/11).

Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Ngân hàng Á Châu.
Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Ngân hàng Á Châu. (Ảnh: Internet)

Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978 tại Tiền Giang. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm ngân hàng, ông là con doanh nhân Trần Mộng Hùng – một trong những người sáng lập và giữ chức Chủ tịch ACB trong thời gian dài, còn mẹ là bà Đặng Thu Thủy cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nhà băng.

Ông Huy tốt nghiệp cử nhân với ba chuyên ngành bao gồm quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế vào năm 2000. Năm 2002, ông tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman, Hoa Kỳ. Năm 2011, ông nhận học vị tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Golden Gate, Hoa Kỳ.

Sau nhiều năm học tập, làm việc ở nước ngoài, ông Huy trở lại ACB với vị trí đầu tiên là làm nhân viên marketing. Người sau này trở thành Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam được “về nhà với người thân” và chấp nhận làm từ đầu để học hỏi.

Năm 2012, sự cố khủng hoảng xảy ra với ACB khi ông Huy đang giữ vị trí Phó Tổng giám đốc ACB. Thời điểm đó, hàng loạt thành viên HĐQT ngân hàng từ nhiệm và vị trí Chủ tịch ACB trở thành “ghế nóng” mà không nhiều người muốn nhận – một số người được đề nghị đã từ chối bởi sự khó khăn cũng như rủi ro mà “cái ghế” này đem đến.

Tiếp quản "ghế nóng" đúng thời điểm ACB rơi vào giai đoạn khủng hoảng và khó khăn, phía sau là bệ đỡ của người cha kỳ cựu, doanh nhân trẻ Trần Hùng Huy cùng cộng sự dần đưa ACB từng bước thoát khỏi khủng hoảng.

Sau đó 6 tháng, lần đại hội cổ đông kế tiếp của năm 2013 và những kỳ họp tiếp theo, ông Huy vẫn tiếp tục ngồi "ghế nóng". Có lẽ những kết quả kinh doanh ở ACB là lý do để cổ đông và các thành viên HĐQT tiếp tục lựa chọn vị chủ tịch 7X này "ngồi yên chiến mã"

Hiện nay, ông còn đảm nhiệm vai trò là Chủ nhiệm Ủy ban Nhân sự, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quản lý rủi ro, thành viên Ủy ban Chiến lược, và thành viên Ủy ban Đầu tư.

Mới đây, ngày 20/11/2020 Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ra quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu cho Ngân hàng ACB với mã chứng khoán là ACB và có số lượng niêm yết là hơn 2,16 tỉ đơn vị.

Được biết, ACB không phải là nhà băng duy nhất muốn đưa cổ phiếu lên HOSE trong năm nay. Trước đó, VIB và LienVietPostBank cũng đã đưa cổ phiếu lên niêm yết vào đầu tháng này trên sàn HOSE.

Bên cạnh đó SHB cũng có kế hoạch chuyển niêm yết từ sàn HNX sang HOSE trong thời gian tới. Đồng thời, OCB, MSB cũng được HOSE nhận hồ sơ niêm yết trên sàn giao dịch.

Lãnh đạo ngân hàng cho rằng việc chuyển sàn có thể giúp làm tăng giá cổ phiếu và đem lại lợi ích cho các cổ đông, hơn nữa chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư.

TH