Chọn người tài hay “quy trình”?

00:00 12/10/2020

Dù không phổ quát, nhưng việc một số địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện công tác cán bộ theo “quy trình” “cả họ làm quan”, “mẹ bổ nhiệm con”, “chồng quy hoạch vợ”, “vợ giám đốc, chồng phó giám đốc”... đã làm dư luận bất ngờ, hoài nghi về sự liêm chính trong việc chọn nhân tài.

Từ thông tin phản ánh của báo chí, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra, rà soát, tổng hợp về công tác cán bộ tại 9 địa phương. Kết quả rà soát được công bố mới đây đã đưa ra những con số “giật mình”: Số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương là 58 người. Trong đó, số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 người; số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người. Điều đáng nói, những trường hợp này đều thiếu một số tiêu chuẩn theo luật định tại thời điểm được bổ nhiệm! Sau 9 địa phương, tới đây, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ  Trương Hòa Bình (theo công văn số 3902 ngày 19/4/2017 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Nội vụ sẽ tiến hành kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh “cả họ làm quan” ở 2 địa phương - huyện Kim Thành (Hải Dương) và huyện An Dương ( Hải Phòng). Điều mà dư luận quan tâm, việc này chỉ dừng lại ở 11 địa phương hay còn ở một số nơi khác chưa bị phát hiện? Khi làm quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức, câu nói quen thuộc đến mức mà nhiều người cảm thấy dị ứng, đó là “đúng quy trình”. Đúng quy trình thì đương nhiên rồi, nhưng có bảo đảm sự minh bạch, dân chủ khi người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lại là người chủ trì hoặc thông qua những người thân tín tổ chức hội nghị, cuộc họp lấy phiếu quy hoạch, bổ nhiệm vợ, con, anh em ruột thịt, họ hàng... Với quy trình này, thì không khó để có được con số 100% cán bộ đồng thuận, tán dương theo ý người đứng đầu! Đúng quy trình còn được đảm bảo bằng điều khoản 3 Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng. Điều luật này chỉ quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”, mà không quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Đúng quy trình, nhưng chưa chọn được nhân tài, thì có lẽ cần phải xem lại quy trình! Chọn người tài không đơn thuần chỉ là “đúng quy trình” và bằng cấp, mà còn phải “ đo đếm” bằng năng lực thật, sự sáng tạo và liêm chính. Nói chuyện nay lại nhớ đến chuyện xưa, có lẽ cũng chỉ là để tham khảo, rằng nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân thực hiện các hành vi tiêu cực, bất chính, thời Vua Lê Thánh Tông đã ban hành Luật Hồi tỵ để cấm anh em, cha con, thày trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… không được làm quan cùng một chỗ. Quyền lực nếu không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ rất có thể sẽ dẫn đến sự tha hóa quyền lực - gốc rễ của tiêu cực, tham nhũng. Muốn kiểm soát được quyền lực, ngăn chặn lợi ích nhóm thao túng chính sách, có lẽ cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về công tác cán bộ và phòng, chống tham nhũng! Theo ĐCSNV