Chợ điện tử “có tiếng” công khai bán hàng giả, hàng nhái

00:00 12/10/2020

Chưa bao giờ xu hướng thương mại điện tử nở rộ như hiện nay. Chỉ cần vài trăm đến một triệu, người tiêu dùng đã có ngay giày Adidas, túi Chanel, đồng hồ Rolex… trên các chợ điện tử như Sendo, Lazada, Shopee... Trách nhiệm quản lý của các sàn TMĐT lại tiếp tục một lần nữa được đặt lên bàn cân.

Chưa bao giờ xu hướng thương mại điện tử nở rộ như hiện nay.

Hàng giả bán tràn lan

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Hải Yến (Thanh Xuân, Hà Nội) lên Sendo.vn tìm túi xách. Vừa gõ vào ô tìm kiếm từ “túi Chanel”, chị Yến hoa mắt khi có đến hàng trăm sản phẩm giả, nhái thương hiệu nổi tiếng này được bày bán công khai trên Sendo. Sản phẩm gắn logo Chanel nhưng giá chỉ 366.000đ, trong khi túi Chanel “xịn” có giá hơn 100 triệu.

Tương tự, khi gõ từ khóa “giày Adidas” trên Shopee.vn, nhiều người mua giật mình bởi không ít sản phẩm tự quảng cáo “chính hãng” nhưng có mức giá chỉ hơn một trăm nghìn đồng. Một số shop còn được Shopee phong “Shop yêu thích” hay “Vô địch về giá”. Người bán còn thừa nhận đây là sản phẩm hàng fake loại 1. Tương tự , trên Lazada, nhiều sản phẩm “giày adidas” cũng có nhiều mức giá khác nhau, có đôi chỉ chưa đầy 200 nghìn đồng.

Thực tế cho thấy, việc quá dễ dàng đăng ký trở thành chủ cửa hàng và đăng bán sản phẩm trên các trang TMĐT như Lazada, Shopee, Sendo đã trở thành “lỗ hổng” cho những “gian thương” trà trộn hàng giả hàng nhái, kém chất lượng lừa người tiêu dùng.

Tại hội thảo gần đây về sở hữu trí tuệ, bà Nguyễn Như Quỳnh, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng các loại đồng hồ sang trọng, kính mắt, bút Montblanc, túi xách Hermes, giầy Nike, nếu là hàng thật có giá vài nghìn USD. Thế nhưng trên trang thương mại điện tử Sendo.vn,  sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng này được quảng cáo là hàng SuperFake, hàng Fake 1, Fake 2 với giá chỉ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng. 

“Nhiều trang thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam rao bán hàng nhái, hàng fake đã vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ”, bà Quỳnh cho biết.

Không chỉ vấn đề hàng giả, mà mức giá bán trên các trang này cũng khiến nhiều người mua phải giật mình. Cùng một sản phẩm nhưng có tới hàng chục người bán với những mức giá khác nhau, chênh lệch khá lớn. Điều này khiến cho người mua băn khoăn về chất lượng sản phẩm.

Chị Đỗ Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) từng mua mỹ phẩm trên Shopee, cho biết cùng một bộ sản phẩm nhưng có cửa hàng bán chỉ vài trăm nghìn đồng, có người bán lên tới cả triệu đồng. Trong khi mua thực tế ở shop cũng tiền triệu. Điều chị Ngọc lo lắng nhất không biết chất lượng ra sao vì chủ shop nào cũng khẳng định đó là hàng nhập khẩu.

Nhiều kẽ hở

Những trường hợp như của chị Yến hay chị Ngọc xảy ra không ít khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Khi người mua và người bán kết nối với nhau qua sàn, giao dịch, vận chuyển, thanh toán qua sàn nhưng sản phẩm lại không được sàn thông qua, kiểm duyệt trước khi gửi. Người tiêu dùng sẽ là người bị thiệt mà không có bằng chứng, không biết kêu ai. 

Theo quy định Bộ Công thương ban hành từ năm 2014, chủ sàn giao dịch TMĐT hay website bán hàng phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Tuy nhiên, trên thực tế, Lazada, Sendo hay Shopee đều cố gắng chứng mình mình “vô can”. Lazada cho rằng họ không phải nhà sản xuất nên những nhận xét hiển thị trên website là ý kiến cá nhân của khách hàng, không phải phát ngôn chính thức từ Lazada. Lazada sẽ không can thiệp về chính sách giá của nhà bán hàng nếu có phát sinh tranh chấp.

Đối với các trường hợp phát hiện bất kỳ sản phẩm vi phạm nào, Lazada sẽ áp dụng biện pháp chế tài đối với hành vi vi phạm của nhà bán hàng hoặc có biện pháp khắc phục đối với hành vi này, tùy theo quyết định của Lazada. Còn theo quy định của Shopee, người bán sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật nếu cố tình đăng tải các nội dung mà pháp luật Việt Nam không cho phép.

Ông Trần Trọng Tuyến - Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT VN (VECOM) cho biết: “Thương mại điện tử (TMĐT) tạo ra rất nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ nhưng điều đó cũng khó tránh khỏi những trường hợp lạm dụng để trục lợi, gian lận trong mua bán”.

Không phủ nhận thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh một phần nhờ vào sự phát triển của các sàn TMĐT cũng như vai trò của các sàn trong việc kết nối người bán - người mua. Tuy nhiên, với những “con sâu làm rầu nồi canh”, cũng sẽ là một yếu tố không nhỏ kìm hãm sự phát triển của TMĐT.

Theo các chuyên gia, người tiêu dùng dù mua trên sàn TMĐT nào, dù hàng đó là nhà bán hàng nào phụ trách thì trách nhiệm cao nhất vẫn nằm ở các đơn vị quản lý sàn. Nếu như không đảm bảo được chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các nhà bán hàng trên sàn thì các sàn phải có trách nhiệm xử lý triệt để những tình huống người tiêu dùng gặp phải. Vì rốt cuộc, sàn TMĐT có tồn tại được hay không, người tiêu dùng chính là người quyết định.

Bộ Công Thương sẽ 'bêu tên' các website bán hàng vi phạm

Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về quản lý website thương mại điện tử ứng dụng trên thiết bị di động nhằm khắc phục những điểm hạn chế trong quản lý, đồng thời đưa hoạt động kinh doanh trực tuyến vào khuôn khổ. Bộ sẽ cho công khai tên website thương mại điện tử, ứng dụng di động cũng như tên và thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, ứng dụng có các hành vi vi phạm. (Theo ông Ðặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Ðiện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)

Theo VietNamnet