Chính phủ đã hoàn thiện Luật chứng khoán sửa đổi, dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2021

00:00 12/10/2020

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) về cơ bản giữ nguyên bố cục của Luật hiện hành, gồm 10 chương, 136 điều. So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 97 Điều, bổ sung 31 Điều, bãi bỏ 31 Điều và giữ nguyên 08 Điều.

Thực hiện Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Chính phủ đã có Tờ trình số 97/TTr-CP ngày 22 tháng 3 năm 2019 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 33 ngày 16/4/2019 và Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật của Ủy ban Kinh tế ngày 08/4/2019, Chính phủ đã hoàn thiện dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và có Tờ trình số 186/TTr-CP ngày 09/5/2019 trình Quốc hội về dự án Luật.

Việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.

Quan điểm chỉ đạo việc xây dựng dự án luật chứng khoán (sửa đổi):

Một là, thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phát triển đồng bộ thị trường vốn và TTCK, trong đó xây dựng TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.

Hai là, đảm bảo TTCK hoạt động minh bạch, bền vững, an toàn, chuyên nghiệp, hiện đại; tiếp cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, xu hướng phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Ba là, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với các Luật liên quan đã và đang trong quá trình sửa đổi như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác; tương thích với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bốn là, kế thừa những quy định pháp luật về chứng khoán còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của TTCK; bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh; sửa đổi quy định chưa rõ, bất cập; loại bỏ những quy định không còn phù hợp; luật hóa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán hiện hành đã ổn định và phù hợp với thực tế; xử lý những vướng mắc, hạn chế hiện nay của TTCK.

Năm là, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động chứng khoán và TTCK góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) về cơ bản giữ nguyên bố cục của Luật hiện hành, gồm 10 chương, 136 điều. So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 97 Điều, bổ sung 31 Điều, bãi bỏ 31 Điều và giữ nguyên 08 Điều.

Dự thảo Luật quy định hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Minh Anh