Chính phủ cương quyết không lùi bước trước những khó khăn, thách thức

00:00 12/10/2020

Chiều 31/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5. Buổi họp diễn ra ngay sau khi Chính phủ dành cả buổi chiều họp thường kỳ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ảnh toàn cảnh

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tình hình kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế...Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019, theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ: Kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực (trừ ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn). Đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp với chỉ số sản xuất tháng 5 tăng cao nhất 5 năm qua. Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục tăng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. CPI tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng 4; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ và đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây...

CPI tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng 4; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ và đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người (cùng kỳ năm trước là 6,7 triệu lượt), tăng 8,8%.

Đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục khởi sắc, đưa nước ta trở thành một điểm đến đầu tư đáng tin cậy. Vốn FDI thực hiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng hơn 27%.

Xuất khẩu đạt hơn 100 tỷ USD, tăng 6,7%; trong đó điểm đáng mừng là khu vực trong nước tăng 11,6%, cao hơn khu vực FDI. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng cả về số doanh nghiệp và vốn đăng ký với gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về vốn đăng ký; có gần 20.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng trên 48%.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm. Đời sống dân cư tiếp tục cải thiện. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự có nhiều cố gắng. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ cho rằng phải nhận định chúng ta vẫn còn những tồn tại, yếu kém, còn nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết, như giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lan rộng, gây thiệt hại cho người dân.

Thời tiết bất thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp có xu hướng tăng chậm, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đóng cửa, tạm dừng còn lớn.

Về giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; biến thách thức thành cơ hội, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, nhất là kịch bản tăng trưởng năm 2019; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tuyệt đối không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành; chủ động theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước; nghiên cứu, phân tích kỹ xu hướng, tác động, ảnh hưởng để xây dựng đề xuất các giải pháp, đối sách mới hiệu quả, khả thi, phù hợp tình hình. Đặc biệt, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, ngày 30/5, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với 13 bộ về tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, các đề án, nhiệm vụ nợ đọng. Hiện còn nợ đọng 6 văn bản quy định chi tiết, giảm 2 văn bản so với tháng trước. Còn 7 văn bản chưa trình ban hành để có hiệu lực từ 1/7/2019, giảm 8 văn bản so trước khi Tổ công tác kiểm tra (có 5 Bộ nợ 15 văn bản chưa trình).

Trong 5 tháng đầu năm (tính đến 20/5), các Bộ còn nợ 42/123 đề án trong chương trình công tác, sau khi có văn bản đôn đốc của Tổ công tác, các Bộ đã trình được 13 đề án, hiện còn nợ 29 đề án.

Về nội dung này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác đẩy mạnh kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ được giao của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; báo cáo công khai tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng.

Tại buổi họp báo, Lãnh đạo các Bộ, Ngành đã trả lời nhiều câu hỏi mà phóng viên các cơ quan báo chí quan tâm.

Thu Giang