Chiến lược kinh doanh các “ông lớn” qua các thương vụ M&A

11:42 04/12/2020

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế thì hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sẽ giảm bớt được thời gian làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, tìm mặt bằng, tuyển nhân sự, tìm đối tác, xây dựng hệ thống, thiết lập chuỗi... điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức và có thể nắm bắt cơ hội một cách nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 khiến việc đi lại tìm hiểu trở nên khó khăn… Không quá khó để nhận ra, các “đại gia” Masan, Novaland đều là các “ông trùm” trên thị trường M&A Việt Nam…

(Ảnh: Internet)

Trong những năm qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành kinh tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu doanh nghiệp.

Trong 20 năm qua, thống kê cho thấy Việt Nam có 4.000 thương vụ M&A giá trị gần 50 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á về giá trị M&A. Việt Nam là quốc gia năng động trong hoạt động M&A. Nhìn về tình hình vĩ mô cũng hứa hẹn với mức tăng tưởng dương trên 2% trong năm 2020, trong khi nhiều quốc gia khác tăng trưởng âm.

Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, ông Danny Le chia sẻ: “M&A không chỉ giúp Masan mở rộng quy mô, mà còn mở rộng lĩnh vực hoạt động. Năm 2019-2020, vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19, Masan đã thực hiện liên tiếp nhiều thương vụ M&A với các doanh nghiệp trong và ngoài nước".

Tập đoàn Masan cũng lấy M&A là công cụ để thực hiện chiến lược phát triển của mình. Một trong những thương vụ đình đám gần đây chính là việc Masan mua lại hệ thống Vinmart của Vingroup - một trong những chuỗi bán lẻ lớn của Việt Nam.

 “Vừa rồi chúng tôi mua thương hiệu Net. Chúng tôi nhìn vào tín hiệu thị trường để mua những thương hiệu lớn”, ông Danny Le nói và cho biết, về chiều dọc, chiến lược của Masan là phục vụ khách hàng và người tiêu dùng cuối cùng.

“Chúng tôi thực hiện các chiến lược mới bằng các thương vụ M&A. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để thực hiện”, ông Danny nói và cho biết, tham vọng của Masan là muốn đại diện cho Việt Nam trong các lĩnh vực này để phát triển ra thế giới. 

Tương tự như Massan, theo chia sẻ của ông Nguyễn Thái Phiên, Novaland luôn theo đuổi chiến lược phát triển với 3 giá trị cốt lõi: kiến tạo cộng đồng, xây dựng điểm đến, vui đắp niềm vui. Tất cả các chiến lược M&A đều bám theo 3 giá trị này, từ dự án chung cư ở trung tâm TP.HCM, đến các dự án khu Đông, rồi ra các khu vực các tỉnh Đồng Nai, Phan Thiết (Bình Thuận), Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu)…

“M&A giúp gia tăng hiệu quả tài chính, giúp doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị, hoặc mở rộng thị phần, sản phẩm, gia tăng giá trị cộng đồng. Một trong những sứ mệnh của chúng tôi là kiến tạo cộng đồng, đóng góp cho cộng đồng”, ông Nguyễn Thái Phiên nói.

 Công nghệ cũng sẽ giúp các doanh nghiệp thực hiện M&A thành công(Ảnh: Internet)

Quả thực, nhìn lại hành trình phát triển của Novaland, đúng là M&A đã giúp “ông lớn” bất động sản này không ngừng gia tăng quy mô và lợi nhuận kinh doanh.

Báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất của Novaland cho biết, tính đến ngày 30/09/2020, tổng tài sản của Tập đoàn đạt 129.389 tỷ đồng, tăng 44% so với cuối năm 2019. Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận 79.380 tỷ đồng, tăng 38,8% so với thời điểm 31/12/2019 và tăng 34,1% so với thời điểm cuối tháng 6/2020.

Kết quả này chủ yếu đến từ hoạt động M&A gia tăng quỹ đất của Tập đoàn và chi phí đầu tư phát triển tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, NovaHills Mũi Né, Grand Manhattan…

Chia sẻ về “bí quyết” của Novaland, ông Nguyễn Thái Phiên cho biết, để thực hiện thành công một thương vụ, thì Novaland cố gắng thực hiện “càng sớm càng tốt”. 

Tất nhiên, M&A là câu chuyện không đơn giản, các thách thức luôn hiện hữu. Với Novaland, đó là vướng hệ thống văn bản pháp quy về bất động sản, là quá trình thực hiện các nghĩa vụ pháp lý cho dự án.

Thậm chí, vướng cả về vấn đề tài chính, bởi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại Việt Nam chỉ được tài trợ không quá 5% cho các hoạt động mua bán cổ phiếu.

“Mặc dù quy định này là đúng (nhằm ngăn chặn dòng tiền chảy từ ngân hàng sang công ty chứng khoán, rồi lại thông qua hoạt động margin ra thị trường chứng khoán), nhưng khi áp chung cho toàn bộ doanh nghiệp, lại gây khó khăn trong thực hiện các thương vụ M&A”, ông Nguyễn Thái Phiên nói.

Và để vượt qua, Novaland phải sử dụng nhiều công cụ khác nhau, phải thỏa thuận, đàm phán với các đối tác nước ngoài để sẵn sàng nguồn lực tài chính cho các “deal” hấp dẫn. 

Thậm chí, sau khi thực hiện thành công giao dịch rồi, thì việc công bố thông tin về giao dịch đó, theo ông Nguyễn Thái Phiên, cũng là một thách thức. Bởi rất có thể, sẽ có những phản ứng tiêu cực liên quan thương vụ đó.

Trong khi đó, ông Danny Le cũng chia sẻ về những thách thức mà Masan đã phải trải qua khi thực hiện M&A. Chẳng hạn, cũng đã từng phải đi tranh tụng vì những vấn đề giấy tờ giả mạo. 

“Vì vậy, việc đầu tiên là phải cẩn trọng các vấn đề giấy tờ pháp lý. Sau đó là đồng bộ văn hóa ở thực thể khác nhau. Kỳ vọng của bên kia có thể khác chúng tôi… Chúng tôi luôn có một đội nhóm theo dõi hậu M&A để rà soát lại rủi ro”, ông Danny Le nói.

 (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, không ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã sử dụng M&A để khai thác thị trường bên ngoài lãnh thổ. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), doanh nghiệp tiên phong tiến ra nước ngoài, đã mua lại Beeline ở Campuchia thông qua công ty con Metfone.

FPT cũng nổi danh với thương vụ đình đám mua lại công ty công nghệ Đức, RWE IT Slovakia với 200 nhân sự địa phương, sau đó là Công ty tư vấn Mỹ Intellinet Consulting (Mỹ). Đích ngắm tiếp theo của FPT là Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.

Theo lãnh đạo FPT, Công ty quyết tâm đẩy mạnh M&A ở nước ngoài vì đây là đường tắt để bắt kịp xu hướng công nghệ mới và thực hiện mục tiêu toàn cầu hóa của Công ty.

Thị trường nước ngoài hiện đóng góp đáng kể trong cơ cấu doanh thu của FPT. Doanh thu ký mới của dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài trong 10 tháng đầu năm đạt 10.944 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 40% cơ cấu doanh thu của toàn FPT.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng rất nổi bật trong chiến lược M&A ở nước ngoài. Vinamilk từng chi ra hàng chục triệu USD để cùng với Angkor Dairy Products lập liên doanh xây dựng nhà máy chế biến sữa tại Campuchia vào năm 2014 và tiến tới nắm giữ toàn bộ nhà máy này vào năm 2017.

Trước đó, Vinamilk rót vốn, gia tăng đầu tư vào Công ty Sữa Driftwood Dairy của Mỹ (2013) và Công ty Miraka Limited của New Zealand (năm 2010). Sau 2 năm đầu tư, Driftwood Dairy góp 6,5% doanh thu cho Vinamilk. Riêng nhà máy ở Campuchia cho doanh thu 54 triệu USD vào năm 2017.

Mở rộng thị trường ra thế giới nhằm tăng doanh thu là một trong ba động lực tăng trưởng chính của Vinamilk. Doanh nghiệp đang tập trung phát triển thị trường Philippines, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc với tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Trong đó, Campuchia, Philippines là những thị trường tăng trưởng doanh thu tốt nhất.

Ở một góc độ khác, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Tập đoàn Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, khi thảo luận về nội dung “Chiến lược tái cấu trúc của các tập đoàn thông qua M&A” tại Diễn đàn M&A đã nói rằng, công nghệ cũng sẽ giúp các doanh nghiệp thực hiện M&A thành công.

Theo ông Denis Brunetti, tất cả các công ty từ du lịch, thực phẩm… đến các công ty công nghệ đều phải cần công nghệ. Công nghệ có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn.

“Một công ty muốn chuyển đổi tốt bao giờ cũng có cấu phần công nghệ trong đó. Chuyển đổi số là không thể thiếu và sẽ giúp thực hiện M&A tốt hơn. Các doanh nghiệp có công nghệ tốt cũng được định giá cao hơn”, ông Denis Brunetti nói.

Thực ra, bản thân Ericsson cũng thực hiện M&A để phát triển. “Chúng tôi mới mua lại công ty ở Mỹ, chuyên cung cấp giải pháp không dây. Nguyên nhân mua lại vì chúng tôi hiểu sẽ tạo ra năng lực bổ sung, giúp chúng tôi tiếp cận tốt hơn chuỗi cung ứng mà chúng tôi nhìn trong tương lai”, ông Denis Brunetti nhấn mạnh.

Các thương vụ M&A và Đầu tư tiêu biểu 2019 - 2020:

Masan và công ty thành viên với các thương vụ với VinCommerce, Starck, NET, 3F,

BIDV bán cổ phần cho KEB Hana Bank, KKR&Temasek mua cổ phần Vinhomes,

Stark Corporation mua lại Thipha Cables & Dovina,

Sumitomo mua cổ phần Bảo Việt,

Danh Khôi Holdings nhận chuyển nhượng dự án Sun Frontier,

Aozora đầu tư vào OCB,

Bảo hiểm FWD mua lại Bảo hiểm VCLI,

Pharmacity phát hành cho nhà đầu tư,

Vinamilk&GTN sở hữu Mộc Châu Milk.

Gia Minh