Chìa khóa quan trọng nhất của doanh nghiệp là niềm tin

00:00 12/10/2020

Năng lực của các nhà thầu Việt Nam hiện nay không thua kém các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không có sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài làm rất lạc lõng, đơn côi và rất rủi ro, nhất là trong việc xây dựng một thương hiệu nhà thầu Việt Nam tại nước ngoài lại càng khó khăn bội phần. Đó là những chia sẻ của ông Cao Tùng Lâm- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (một thương hiệu nhà thầu lớn) với Doanh nghiệp & Hội nhập trong tháng Doanh nhân đầy ý nghĩa.

Thưa ông, Phục Hưng sau gần 20 năm thành lập, đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, 3 năm liên tiếp gần đây nằm trong Top 10 nhà thầu uy tín và 500 doanh nghiệp tư nhân phát triển tốt, xin ông chia sẻ đâu là chìa khóa thành công của Phục Hưng?

Ông Cao Tùng Lâm: Phục Hưng là doanh nghiệp được thành lập năm 2001.Thời kỳ đó, hầu hết các doanh nghiệp phía Bắc, nhất là những doanh nghiệp nhà thầu xây dựng đều phát triển từ những doanh nghiệp nhà nước tồn tại từ thời bao cấp. Phục Hưng cũng là một doanh nghiệp có yếu tố quản lý của Nhà nước cho nên phải nói là ai thoát nhanh được những rào cản về cơ chế chính sách thì đều có cơ hội thành công cả.

 Công trình chung cư cao tầng CT1 – Dự án Gamuda Garden do Phục Hưng Holdings làm Tổng thầu thiết kế và thi công (Design & Build) đã hoàn thành & bàn giao cho Chủ đầu tư 2019

Chìa khóa quan trọng nhất của doanh nghiệp là niềm tin. Doanh nghiệp nào cũng muốn xây dựng uy tín, nhưng người làm ra sản phẩm thực sự tốt và dám đầu tư thêm kinh phí để làm tốt thì không phải ai cũng dám làm. Họ có tin được rằng, nếu họ làm tốt thì thị trường sẽ quay lại tiếp nhận họ không và họ có đi đến được một con đường dài như vậy không, niềm tin ấy khác nhau. Người ta thường nói, làm nghề xây dựng “ráo mồ hôi hết tiền”. Thế nên, Phục Hưng hay những người của Phục Hưng có một niềm tin là “Giá trị để lại”. Làm sao tất cả các sản phẩm của Phục Hưng, mặc dù là góc độ nhà thầu thôi, nhưng ngay từ những ngày đầu khái niệm bớt xén, chộp giật là không có. Và từ những nấc thang đó để lại cho nhà đầu tư, để lại cho người sử dụng sản phẩm thông qua 5 năm, 10 năm , 15 năm, những văn phòng làm việc, những ngôi nhà để ở, chủ đầu tư tự lan truyền nhau đánh giá chất lượng sản phẩm của Phục Hưng rất tốt, vượt trên mong đợi của họ. Đó chính là cơ hội để Phục Hưng có điều kiện trải nghiệm với nhiều dự án hơn.

Ông Cao Tùng Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings

Thời kì đầu Phục Hưng xác định là một nhà thầu. Nhưng trong thời gian gần đây, Phục Hưng đã lấn sân sang đầu tư, vậy sự kết hợp từ một nhà thầu sang một nhà đầu tư có lẽ lại là điểm mạnh nữa của Phục Hưng, ông có thể chia sẻ về điều này?

Ông Cao Tùng Lâm: Phục Hưng trong những năm qua đã xây dựng nhiều công trình lớn nhỏ, khi xác định có cơ hội triển khai dự án đầu tư ở góc độ chủ đầu tư, thế mạnh nhất chính là Phục Hưng quản lý được dự án tốt. Vì trong khi làm nhà thầu, Phục Hưng có nhiều cơ hội để tiếp cận về thị trường, về kiến trúc và quản lý đầu tư. Khi đầu tư, Phục Hưng quan tâm hơn đến nhu cầu khách hàng, làm sao để đem lại sản phẩm tốt cho khách hàng trước tiên, đạt ngưỡng chuẩn rồi mới đạt đến ngưỡng hào hoa.Và khi mình đặt mình vào nhà đầu tư rồi, mình đã phải trải nghiệm, phải suy nghĩ rồi mình sẽ hiểu được là nhà đầu tư muốn cái gì, cần cái gì và chính qua quá trình đầu tư ấy đã tác động trở lại cho Phục Hưng khi làm nhà thầu luôn chia sẻ và hợp tác tốt với chủ đầu tư. Đấy chính là ưu điểm từ nhà thầu sang nhà đầu tư, tạo nên thương hiệu, uy tín cho của Phục Hưng mỗi ngày một tăng lên. 

 Tổ hợp nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng Florence-Mỹ Đình, Hà Nội do Phục Hưng Holdings làm chủ đầu tư đồng thời là Tổng thầu thiết kế thi công

Nằm trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân phát triển, ông có nghĩ rằng cộng đồng doanh nghiệp tư nhân được như ngày hôm nay là kết quả của sự cải cách? Cụ thể là những Nghị quyết của Đảng như: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước; Quốc hội là Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ… Vậy với môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh như hiện nay liệu đã đủ để doanh nghiệp tư nhân tiếp tục bứt phá hay không?

Ông Cao Tùng Lâm: Doanh nghiệp không thể phát triển nếu như không có cơ chế, chính sách phù hợp của Nhà nước. Đó là điều kiện thực sự cần khi xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển. Thế nhưng, nếu nói về đủ thì chưa đủ. Các cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Ví như về chính sách thuế, cơ chế giá đất, chính sách đền bù, chương trình kích cầu thông qua đầu tư, chương trình hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đào tạo lao động, tư vấn pháp luật, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kinh doanh... Thế nên, bài toán phải giải rất nhiều cho từng công việc, từng lĩnh vực và cần thời gian. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, dưới góc độ doanh nghiệp, thì các chính sách của Nhà nước hiện nay đối với doanh nghiệp cũng là rất đáng quý. Còn kì vọng để một lúc thay đổi ngay chắc gì doanh nghiệp đã thích ứng được và biết đâu là có những tác dụng ngược.Đối với Phục Hưng cũng vậy, không có đòi hỏi gì. Chỉ mong các cơ quan Nhà nước tạo sự công bằng hơn cho các doanh nghiệp. Khi mà xã hội dần tiến bộ, công bằng thì ai quản lý giỏi, có đầu óc tư duy giỏi thì doanh nghiệp của họ có lợi nhuận xứng đáng, không để “Con sâu bỏ rầu nồi canh”.

Chưng cư H9 CT1-Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây do Phục Hưng làm nhà thầu thi công

Có lẽ bởi những suy nghĩ đó nên trong cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cũng có tư duy ngầm và nhiều doanh nghiệp chưa muốn lớn, có đúng vậy không ông?

Ông Cao Tùng Lâm: Hiện nay, nếu xác định doanh nghiệp là máu xương của mình thì người ta luôn muốn nó lớn và nó bền, còn lớn được hay không thì cần nhiều điều kiện nữa. Thiên thời địa lợi nhân hòa rồi nội lực, ngoại lực thì mới lớn được. Quan trọng, doanh nghiệp muốn lớn phải có ổn định pháp lý. Trong các chính sách đối với doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước phải có tính kế thừa của các cấp, các nhiệm kỳ. Trách nhiệm của những người kế thừa phải tạo điều kiện tố hơn cho doanh nghiệp phát triển thì doanh nghiệp mới lớn được.

Trong một vài lần nói chuyện gần đây với ông, tôi thấy ông trăn trở trong việc kỳ vọng vào một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những tập đoàn, doanh nghiệp gia đình như ở nước ngoài có tuổi thọ đến hàng trăm năm, được kế thừa từ đời này sang đời khác. Vậy, để soi chiếu doanh nghiệp Việt Nam, với những kinh nghiệm đã hợp tác với nước ngoài, theo ông để làm nên tuổi thọ, doanh nghiệp cần những yếu tố gì?

Ông Cao Tùng Lâm: Hiện nay Nhật Bản là nước có tuổi thọ doanh nghiệp cao. Nguyên nhân lý do vì sao Nhật Bản có tính kế thừa và tuổi doanh nghiệp rất cao, bởi nó như một cái đạo và đối với doanh nghiệp thì chữ tín là đặc phẩm. Để chứng minh chữ tín thì cả cộng đồng doanh nghiệp Nhật giữ cái đó chứ không riêng một doanh nghiệp, họ tác động đến cả thế giới về niềm tin. Cộng đồng doanh nghiệp cùng chung lưng xây dựng từ thương hiệu của doanh nghiệp tiến đến thương hiệu quốc gia. Câu đầu tiên khi làm việc với các doanh nghiệp Nhật, bao giờ họ cũng giới thiệu công ty bằng này tuổi, tồn tại được qua bao nhiêu nhiệm kỳ, vượt qua bao nhiêu cuộc khủng hoảng kinh tế, đó là giá trị- giá trị cốt lõi. Xây dựng được nền tảng tuổi thọ doanh nghiệp là thước đo giá trị ổn định nền kinh tế. Đừng lấy việc bao nhiêu doanh nghiệp thành lập mới mà phải xem doanh nghiệp thành lập mới trong số ấy tồn tại được bao lâu và làm cái gì?  

 Phục Hưng Holdings tiên phong trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình quản lý và thi công

Quay trở lại với Phục Hưng, tại thời kỳ hội nhập, đặc biệt các Hiệp định song phương, đa phương và gần đây nhất là EVFTA, rồi thời ký công nghệ 4.0, việc xây dựng tầm nhìn đối với Phục Hưng, ông xác định sẽ ở những đích như thế nào trong tương lai?

Ông Cao Tùng Lâm: Thứ nhất, Phục Hưng vẫn duy trì hai mục tiêu là “Nhà thầu chất lượng hàng đầu Việt Nam”. Đấy là mục tiêu xuyên suốt. Đòi hỏi mình phải vận động, phải tìm hiểu các công nghệ, vật liệu, đến quản lý thì Phục Hưng mới cạnh tranh được. Phục Hưng luôn dõi theo các doanh nghiệp xây dựng lớn để học tập, để phấn đầu nằm trong Top đầu thông qua những giá trị Phục Hưng để lại bằng sản phẩm, văn hóa và phong cách của Phục Hưng.

Mục tiêu thứ hai là dần trở thành nhà đầu tư bất động sản và đầu tư thêm các lĩnh vực khác. Hiện nay Phục Hưng luôn duy trì hài hòa lợi ích giữa cổ đông với lợi ích của doanh nghiệp, trong đó là chế độ chính sách cho người lao động để phát triển bền vững.

 Vừa rồi tại Dự án Cao tốc Bắc Nam, Nhà nước đã hủy sơ tuyển nhà đầu tư quốc tế. Đây là cơ hội rất lớn cho các chủ đầu tư trong nước, cộng đồng doanh nghiệp phải làm như thế nào?

Ông Cao Tùng Lâm: Những năm gần đây, năng lực của nhà thầu Việt Nam đang tiệm cận với thế giới cả về lĩnh vực giao thông, xây dựng. Năng lực thi công xây lắp của các nhà thầu (các công trình dân dụng) có bước tiến bộ rất nhanh. Họ cạnh tranh lành mạnh và quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, tiến độ, uy tín, hình ảnh và môi trường… Nhiều nhà thầu có tên tuổi đã làm chủ và áp dụng được công nghệ tiên tiến. Hầu hết họ đều giải quyết được công việc một cách chủ động, khiến chủ đầu tư và khách hàng đều hài lòng.Thực ra, doanh nghiệp nước ngoài mạnh nhưng vào Việt Nam chắc gì đã mạnh. Các nhà thầu Việt Nam cần phấn đấu nâng cao nội lực để làm chủ và áp dụng được công nghệ tiên tiến, quản trị hệ thống, kỹ năng của lao động. Tóm lại, các nhà thầu Việt Nam phải hội tụ đầy đủ các nguồn lực để giải quyết được công việc một cách chủ động, khiến chủ đầu tư và khách hàng đều hài lòng.

Ban Kinh tế Trung ương đang phát động cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế”. Vậy ông có thể cho một chìa khóa bằng quan điểm cá nhân?

Ông Cao Tùng Lâm: Năng lực của nhà thầu Việt Nam hiện nay không thua kém các doanh nghiệp nước ngoài. Muốn đưa các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định uy tín và thương hiệu ở nước ngoài thì vaitrò dẫn dắt, định hướng của Nhànước là rất quan trọng. Để đưa được  các doanh nghiệp mang 1 USD về, và khi có 1USD thì khả năng sẽ có nghìn, có triệu USD, đóng góp vào phát triển nền kinh tế đất nước. Phải dám làm từ bây giờ như một sự đầu tư cho các doanh nghiệp đi ra nước ngoài và thậm chí Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách gợi mở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp Mỹ, Hàn Quốc đầu tư ở quốc gia nào, có vấn đề gì vướng mắc sẽ nhận được sự trợ giúp rất tích cực của Chính phủ. Nếu không có sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài làm rất lạc lõng, đơn côi và rất rủi ro, nhất là trong việc xây dựng một thương hiệu nhà thầu Việt Nam tại nước ngoài lại càng khó khăn bội phần. Ngay ở trong nước, đi thu hồi nợ đã rất khó khăn, các doanh nghiệp thường chiếm dụng vốn của nhau, ra nước ngoài làm ăn càng khó hơn. Khi doanh nghiệp mang được USD về mới có giá trị, góp phần phát triển kinh tế đất nước giàu mạnh. Quan điểm của cá nhân tôi đối với các doanh nghiệp xây dựng muốn phát triển bền lâu thì không thể chỉ trông chờ vào những nguồn ngoại hối, nguồn cho vay, mà phải tự tạo ra lợi nhuận bắt đầu từ 1 đồng cũng phải làm.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Phục Hưng sau gần 20 năm thành lập, đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng 3 của Chủ tịch nước, cùng nhiều bằng khen của các bộ, ngành. Đặc biệt, 3 năm liên tiếp trở lại đây được Tổ chức xếp hạng Việt Nam Report chứng nhận Phục Hưng nằm trong ‘‘Top 10 Nhà thầu xây dựng uy tín“,‘‘Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam” và “ Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam”.

Hiện nay, Phục Hưng đã và đang triển khai rất nhiều dự án trải khắp cả nước như: Dự án Mỹ Đình Pearl, Dự án Florence Mỹ Đình, Dự án Kenton node, The zen residence, Dự án Starlake - Deawoo

Lan Hương (Thực hiện)