Doanh nghiệp hương nhang lo phá sản do Ấn Độ ngừng nhập khẩu

00:00 12/10/2020

Nhiều doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất sau khi Bộ Công thương Ấn Độ ra thông báo thay đổi chế độ nhập khẩu đối với các sản phẩm hương nhang Việt Nam. Các bên liên quan như vùng nguyên liệu cung cấp cây tre, vùng sản xuất tăm hương, khu vực sản xuất cây bời lời cũng chịu thiệt hại lớn.

Tối 31/8, 2 container chở hương nhang trị giá 1 tỷ đồng của công ty TNHH Hà Triều (Bình Dương) đang trên đường vào cảng, 1 ở Hải Phòng, 1 ở TP HCM, thì nghe tin Ấn Độ tạm thời ngừng nhập khẩu hương nhang Việt Nam. Giám đốc Vũ Thị Hường cho rằng việc trì hoãn chỉ mang tính tạm thời nên 2 container hương nhang được gửi lại tại cảng. Tuy nhiên sau khoảng 1 tuần, bà Hường bán 1 container cho doanh nghiệp châu Phi, containter còn lại đưa trở lại kho do lệnh ngưng nhập khẩu không còn đơn thuần là một thông báo có tính tạm thời như suy luận trước đó. 

Tại thời điểm đó, toàn bộ hoạt động sản xuất của công ty TNHH Hà Triều bị ngưng trệ, tổng thiệt hại ngay thời điểm dừng sản xuất ước tính khoảng 4 tỷ đồng.

Theo thống kê của Ấn Độ, trong năm 2018-2019, nước này nhập khẩu 83,58 triệu USD hương nhang. Trong đó, Việt Nam luôn chiếm khoảng 90% thị phần nhập khẩu của Ấn Độ đối với mặt hàng hương nhang. Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trung bình khoảng hơn 300 container/tháng hàng hương nhang sang thị trường Ấn Độ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018-2019 là 76,85 triệu USD.

Công ty Hà Triều xuất khẩu hương nhang sang thị trường Ấn Độ từ năm 2007. Doanh nghiệp liên kết với khoảng 20 hộ sản xuất nhỏ, doanh thu hàng năm khoảng 4 triệu USD (90 tỷ đồng). Trong đó, mùa cao điểm sản xuất hương nhang là từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 9, hoạt động sản xuất ở thời điểm này nhằm cung ứng nguồn cầu khổng lồ cho lễ hội lớn ở Ấn Độ vào tháng 10 hàng năm.

“Đúng lúc hoạt động sản xuất ở đỉnh điểm thì có lệnh ngừng nhập khẩu hương nhang, nếu lệnh ngừng tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp chúng tôi có thể bị triệt tiêu hoàn toàn”.

Doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang sang Ấn Độ đứng trước nguy cơ phá sản. Ảnh: Trung tâm WTO và hội nhập.

Cùng mô hình và quy mô với Hà Triều, công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Liên Thành của anh Phan Thành Luân cũng ghi nhận khoản lỗ 4 tỷ đồng ngay sau khi có lệnh ngừng xuất khẩu hương nhang sang Án Độ. 

“4 tỷ đồng tức chỉ tính lượng hàng tồn kho và nguyên liệu thôi. Trong trường Ấn Độ chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu, khoản lỗ sẽ rất khủng khiếp bởi máy móc làm hương nhang sẽ không thể bán được cho ai khác và khoản lỗ lớn từ nhà xưởng.”

Anh Luân giải thích hương nhang thô xuất khẩu sang Ấn Độ có chiều dài 20-23cm, trong khi đó thị trường trong nước hay một số thị trường khác thường có chiều dài 28 - 38 cm với mùi hương tự nhiên. Do đó, nguyên liệu, máy móc, thành phẩm chỉ có thể sử dụng duy nhất cho mục đích xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.

“Máy móc khi mua mới có giá khoảng 14 triệu đồng/máy, trong trường hợp không còn sản xuất hương nhang để xuất sang Ấn Độ, những chiếc máy này chỉ có thể bán sắt vụn, giá khoảng 3 triệu/máy”, anh Luân nói.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Nguyễn Nga Lâu tại cuộc họp tìm kiếm giải pháp ứng phó trước quy định hạn chế nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ do VCCI tổ chức, không chỉ các doanh nghiệp lớn có thể bị phá sản, các bên liên quan như vùng nguyên liệu cung cấp cây tre cho sản xuất, vùng sản xuất tăm hương, khu vực sản xuất cây bởi lời (nguyên liệu làm hương) cũng chịu thiệt hại lớn khi Ấn Độ ngưng nhập khẩu hương nhang. Đơn cử, hiện có khoảng 10.000 lao động, 1.000 hộ dân đang làm việc tại các vùng làng nghề sản xuất tăm phục vụ xuất khẩu hương nhang, vốn đầu trung bình của 1 hộ dân là 1 tỷ đồng. Như vậy, trong trường hợp không tháo gỡ được khó khăn trong xuất khẩu hiện nay, 10.000 lao động có nguy cơ mất việc, 1.000 tỷ đồng là thiệt hại có thể nhìn thấy trước. 

Trước đó, ngày 31/8, Bộ Công thương Ấn Độ ra thông báo thay đổi chế độ nhập khẩu đối với các sản phẩm hương nhang từ thông thường sang hạn chế. Việc nhập khẩu phải xin phép và được một ủy ban liên bộ xem xét cấp phép theo từng lô hàng. Thông báo này có hiệu lực ngay từ ngày ký, không kèm theo quy định nào về các tiêu chí, điều kiện cấp phép. 

Tại cuộc họp, ông Trần Thanh Hải,  Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nói: “Việc đưa ra hàng rào là không mới nhưng nghiệt ngã nhất là Ấn Độ áp dụng ngay lập tức, không có thời gian chuyển đổi.

Ông Hải cho biết Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để làm việc, thể hiện sự phản đối quyết liệt, dù mặt hàng nhỏ nhưng Việt Nam không chấp nhận cách hành xử vô căn cứ này.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng sau sự việc lần này các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, tìm hiểu thông tin, đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hoá thị trường để giảm thiểu thiệt hại, rủi ro.

Lâm Tùng