Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” bị xâm phạm ở ngoài tỉnh

00:00 12/10/2020

Sản phẩm xâm phạm quyền SHTT bán tại BigC Thăng Long, số 222, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, T.P Hà Nội.
Sản phẩm xâm phạm quyền SHTT bán tại BigC Thăng Long, số 222, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, T.P Hà Nội.
Qua thực tế tìm hiểu của cơ quan chức năng tỉnh cho thấy, chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Tân Cương” thời gian qua không chỉ bị sử dụng tùy tiện, tự do trên địa bàn tỉnh mà còn ở khá nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín thương hiệu chè “Tân Cương” cũng như những người được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn và người tiêu dùng.
Trong 2 năm 2015-2016, cơ quan chủ trì thực hiện Đề tài “Tăng cường hiệu quả thực thi quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho sản phẩm chè mang CDĐL “Tân Cương” tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức khảo sát thực trạng việc kinh doanh sản phẩm chè mang CDĐL “Tân Cương” tại Thái Nguyên và 4 tỉnh, thành nêu trên. Kết quả cho thấy, tình trạng vi phạm quyền SHTT đối với CDĐL “Tân Cương” xảy ra ở tất cả các địa bàn kiểm tra, trong tất cả các khâu: từ sản xuất, chế biến, đến kinh doanh sản phẩm. Chúng ta đều biết, từ lâu, chè Thái Nguyên đã nổi tiếng cả nước bởi sự thơm ngon, đậm đà, nhất là ở vùng Tân Cương. Nhiều gia đình, cơ quan còn coi đây như một thức uống không thể thiếu hàng ngày. Cũng bởi thế, mỗi khi có khách ở xa đến chơi, hoặc gia đình đến thăm thú người thân ở quê thì chè luôn là món quà biếu ý nghĩa được nhiều người lựa chọn. Cũng bởi vậy mà sản phẩm chè Thái được bày bán khá phổ biến tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Vậy nhưng, trong số các cửa hàng bán sản phẩm này, lợi dụng sự nổi tiếng của thương hiệu chè Tân Cương mà có không ít cơ sở cả trong và ngoài tỉnh mặc dù chưa được cấp quyền sử dụng CDĐL này vẫn vô tư sử dụng nhãn hiệu “Tân Cương” trên biển hiệu, bao bì sản phẩm. Đơn cử như Cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 2 Ngô Gia Tự, phường Trần Phú, T.P Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang bán sản phẩm chè Tân Cương nhưng do cơ sở chế biến 135 Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội sản xuất; hay như tại Ki-ốt 6, đường Ngô Gia Tự, T.P Bắc Giang bán sản phẩm chè Tân Cương của cở sở chế biến Ái Xuân, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên chưa được cấp quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương”… Sản phẩm chè của vùng Tân Cương (T.P Thái Nguyên) được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ CDĐL năm 2007. UBND tỉnh Thái Nguyên là chủ sở hữu đối với CDĐL “Tân Cương”; Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với CDĐL này. Điều này có nghĩa, chỉ khi có sự chấp thuận của Sở KH-CN thì cá nhân hay tổ chức mới được phép sử dụng CDĐL “Tân Cương” trên bao bì, nhãn mác hoặc biển hiệu của sản phẩm. Để được trao quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương”, các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng được 3 điều kiện cơ bản, gồm: Chứng minh sản phẩm được sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực địa danh đã được cấp đăng bạ CDĐL “Tân Cương”; tuân thủ các quy trình sản xuất sản phẩm theo quy định; cam kết thực hiện đúng các quy định trong Quy chế quản lý và sử dụng CDĐL “Tân Cương” đối với sản phẩm chè và có trách nhiệm gìn giữ, nâng cao giá trị, hình ảnh thương hiệu cho chè Tân Cương. Trước việc phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài tỉnh vi phạm việc sử dụng CDĐL “Tân Cương”, Cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với cơ quan quản lý bên ngoài CDĐL “Tân Cương” là Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng tỉnh chuẩn bị hồ sơ và đã đề nghị Thanh tra Sở KH-CN của các địa phương trên (cơ quan thực thi quyền SHTT tại các địa phương) tiến hành xử lý hành vi xâm phạm trên. Tuy nhiên, việc xử lý xâm phạm quyền SHTT đối với CDĐL hiện còn là lĩnh vực mới; cách hiểu vấn đề còn khác nhau, cách vận  dụng văn bản quy phạm vào thực tế để xử lý cũng không thống nhất nên kết quả là chưa xử phạt được các hành vi xâm phạm trên, mà mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở và hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về SHTT. Đây đang là một trong những khó khăn trong việc bảo vệ thương hiệu cũng như uy tín đối với sản phẩm chè của các tổ chức, cá nhân đã được cấp quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương”. Từ thực tế trên, công tác tuyên truyền thực thi quyền SHTT cần thiết phải được tăng cường hơn nữa, cùng với đó là có một chế tài đủ mạnh để buộc mỗi tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghiêm túc các quy định đối với việc thực thi quyền SHTT. Các cơ sở kinh doanh cũng nên tìm hiểu rõ nguồn cung để nhập sản phẩm đúng với giá trị thực, qua đó vừa bảo vệ uy tín cho chính mình trong kinh doanh, vừa bảo vệ sức khỏe và các lợi ích khác cho khách hàng.
Theo T.H/báo Thái Nguyên online