Chất Nghệ… 

00:00 12/10/2020

Nắng chói chang. Gió Lào hầm hập phả vào mặt bỏng rát. Thành phố Vinh như như chiếc chảo rang khổng lồ. Dọc đường, xe máy, ô tô lao rầm rập như chạy trốn nắng. Chúng tôi dừng xe ở ngã ba để hỏi thăm đường xuống Hưng Lộc, nơi Công ty Khoáng sản 4 đang đứng chân.

duong-pho-doi-moi

Một góc Tp Vinh (Ảnh: ST

 Chờ mãi không gặp được người đi bộ để hỏi thăm, tôi đành vẫy tay, gọi bừa một người đàn ông phóng xe máy ngược chiều:

- Anh ơi, làm ơn…

Chưa dứt câu, chiếc xe máy vọt xa. Rồi người đàn ông dừng xe, ngoái lại nhìn chúng tôi. Đoạn, anh dong xe giật lùi. Tới chỗ chúng tôi, anh gạt kính chắn mũ bảo hiểm, để lộ gương mặt  dữ dằn, rồi hỏi cộc lốc:

- Răng? …(Sao? Có chuyện gì?- tiếng địa phương)

Tôi ái ngại, hỏi anh bằng tiếng địa phương:

- Dạ… anh làm ơn cho bầy tui (chúng tôi) hỏi, đường xuống Hưng Lộc đi lối mô, hầy? (lối nào nhỉ)

Anh ta không trả lời mà vội gạt chân chống, tay lần vào túi quần. Tôi phát hoảng. Chắc có chuyện rồi; có thể là sự nhầm lẫn gì chăng? Nhưng không, thứ anh lôi từ túi quần ra không phải hung khí mà chỉ là chiếc… mùi soa!. Anh lấy mùi soa lau mồ hôi đầm đìa trên gương mặt đen sạm, rồi rằng:

- Xuống nớ còn ngái đó. Dừ ri hầy, các anh trẹ vô đàng ni. Trộ thấy đèn đỏ, trẹ tay mặt. Đi tiếp vài trăm mét, gặp ngã tư, trẹ tay trái. Đi tiếp, gặp cái ngã tư nữa, lại trẹ tay mặt. Khoảng hai trăm mét, gặp bệnh viện, thì hỏi thăm tiếp…

Dưới nắng quái, anh vừa nói, vừa  liên tục ra hiệu, hết trẹ tay  “mặt”, rồi trẹ tay trái khiến tôi hoa cả mắt, vội  ngắt lời anh, “tóm lược” nội dung:

- Như rứa, bầy tui (chúng tôi) muốn đến Hưng Lộc phải qua bệnh viện, hầy?

- Ầy (vâng)

- Mà từ chỗ ni (này) xuống bệnh viện phải qua ba ngã tư, có đèn đỏ, hầy?

- Ầy

- Theo thứ tự là trẹ tay mặt, trẹ trái, rồi lại trẹ tay mặt, hầy?

- Rứa đó (thế đấy).

- Vậy  tui nhớ rồi. Cảm ơn anh hầy.

- Nỏ có chi (chẳng có gì). Chào các bác hầy.

Lên xe, tôi bảo anh Luật (tài xế),  cho xe rẽ trái. Đến  ngã tư, anh Luật giảm ga:

- Bây giờ rẽ lối nào, anh?

Tôi chỉ tay về phía phải rồi nói với anh lái xe:

- Ban nãy anh ấy hướng dẫn rất cụ thể rồi còn gì. Cứ đi, gặp ba đèn đỏ, rẽ theo thứ tự: phải, trái, phải.

- Nhưng các anh nói với nhau bằng tiếng địa phương, lúc trẹ tay mặt, lúc trẹ tay trái, biết đường nào mà lần?

 Ừ nhỉ. Lúc nãy tôi và người đi đường nói với nhau bằng tiếng địa phương, anh lái xe quê ngoài Bắc, khó mà “dịch” được. Ngay như con trai tôi, đã nhiều lần về quê vẫn không hiểu hết tiếng địa phương nữa là. Chợt nhớ, bữa ấy, tôi đang ở trên gác thì có chuông điện thoại. Con  trai tôi nhấc máy rồi gọi toáng lên, bố ơi, xuống nghe điện thoại này. Tôi hỏi, ai gọi bố thế? Con trai tôi đáp, con không biết. Tôi gắt, thì con cứ hỏi xem họ là ai? Con không biết mà! Không biết thì mới phải hỏi chứ? Nhưng hình như cô này người Lào hay sao ấy bố ạ. Cô ấy nói tiếng Lào. Tôi chợt nghĩ, có thể đầu dây kia là cô Phon Khăm, hay cô Khăm Thon,  người Lào, tôi mới quen trong chuyến "xuất ngoại" vừa rồi. Khi tôi cầm ống nghe, ôi trời, đầu dây nói là con o, tức em gái tôi-cô ruột con trai tôi!

Lại có chuyện vui, mấy vị khách người Nhật, đi tàu Thống Nhất, nghe lỏm hai hành khách nữ nói với nhau thế này:

- O mi cho tui hỏi, ga ni ga chi? (Tiếng địa phương xứ Nghệ nghĩa là, cô cho tôi hỏi, ga tàu hỏa này là ga gì nhỉ?)

Cô gái  kia trả lời:

- Ga ni ga Si. O mi say hay răng? (Ga này là ga Si. Cô say hay sao?)

- Mô, chỉ hơi đau trốc (Không. Chỉ hơi đau đầu)

- O mi quê mô mà nỏ biết ga ni ga chi? ((Cô quê ở đâu mà không biết ga này là ga nào?)

 - Tui quê chộ ni nhưng trời túi ra ri, có chộ chi mô mồ (tôi quê chỗ này nhưng trời tối, có nhìn thấy gì đâu)

  Nghe hai cô gái nói với nhau, mấy ông người Nhật trố mắt kinh ngạc. Rồi một vị người Nhật thốt lên, (tạm dịch), đây rồi, Nghệ An là quê cha đất tổ của người Nhật chúng ta rồi!

…Thì ra, tiếng Nghệ không những giống tiếng Lào mà còn giống cả tiếng Nhật, những người ngoài Bắc như anh lái xe cơ quan tôi khó mà hiểu được. Bởi vậy, hôm đó tôi phải “dịch” đoạn đối thoại giữa tôi với người đi đường  ra tiếng phổ thông cho anh lái xe hiểu:

-  Xuống nớ còn ngái đó.Nớđó, ngáixa- tức là xuống Hưng Lộc còn xa đấy. Dừ là bây giờ, trẹ là rẽ, là vào, đàng là đường-nghĩa là bây giờ các anh rẽ vào đường này.Trộ thấy đèn đỏ, trẹ tay mặt- trộ là trông thấy, tay mặt là tay phải- tức là nhìn thấy đèn đỏ, rẽ tay phải.

Anh lái xe thốt lên:

- Ối trời ơi, tiếng xứ Nghệ nhà anh còn khó hơn tiếng Lào, tiếng Nhật! Nào, bây giờ thì trẹ tay mặt nào…

Rồi chúng tôi gặp biển báo chữ thập. Đang non trưa, cổng bệnh viện vắng hoe. Tôi rẽ vào quán bia hơi, gần cổng bệnh viện. Ở đây người ta uống bia với …nước mắm và lạc luộc. “Quy trình” đánh nhắm thế này, người ta bóc củ lạc, thảy nhân vào miệng, sau đó dùng vỏ lạc múc nước mắm, húp.

   Thấy kiểu đánh nhắm là lạ, tôi hỏi ông cụ đang cầm cốc bia sủi bọt, trước mặt là đĩa lạc và bát mắm:

- Cụ ơi, răng lại phải uống bia với mắm, hầy?

- Lạc luộc lạt (nhạt), có tý mắm vô mới đậm đà.

Rồi cụ  mời tôi thân mật như đã quen nhau:

- Mần quai, hầy? (Uống một cốc nhé)

Tôi rối rít:

- Cảm ơn cụ. Tui đang vội lắm. Dừ phải xuống Hưng Lộc. Xuống dưới nớ đi lối mô cụ hầy?

Ông cụ bỏ dở cốc bia, kéo tôi ra đường, giọng nói và điệu bộ của cụ như đang chỉ huy trận đánh :

- Ông bày cho nha.(ông bày cho nhé) Dừ con đi thẳng, nhớ chưa?

- Ầy, đi thẳng

Cụ vung tay như múa kiếm, dõng dạc, tiếp:

- Gặp cái ngã ba, trẹ tay mặt. Nhớ chưa?

- Ầy, gặp ngã ba, trẹ tay mặt.

Cụ lại vung tay:

- Đi  khoảng một trăm mét, gặp ngã tư, lại trẹ  tay mặt. Nhắc lại ông nghe mồ (nhắc lại ông nghe xem nào?)

- Ầy. Đi khoảng một trăm mét, gặp ngã tư, lại trẹ tay mặt.

- Rứa đó. (đúng rồi). Đến chỗ nớ là đất Hưng Lộc đó.

Tôi rối rít cảm ơn cụ, toan tót lên xe. Bỗng, sau lưng, giọng cụ như quát:

- Này! Ông nhủ này…(ông bảo này)

Anh lái xe thốt lên:

- Chết, có lẽ cụ đòi tiền công chỉ đường!

Dưới nắng lóa, cụ phanh ngực, hạ lệnh:

 - Mấy bữa ni toàn thành phố đang triển khai Nghị định Ba tư của Chính phủ về việc lập lại trật tự giao thông. Công an họ làm nghiêm lắm đó. Bọn mi chấp hành cho nghiêm nha.Vi phạm là công an phạt nặng lắm đó.

Anh lái xe phì cười:

- Chịu dân xứ Nghệ nhà ông. Mến khách đến độ nồng nàn, quyết liệt. Khi đã giúp người thì tận tình đến mức… quên cả uống bia với mắm…

Minh Cao