Chân dung người phụ nữ Việt có tên được đặt cho một hành tinh

00:00 12/10/2020

GS Lưu Lệ Hằng là người phát hiện vành đai Kuiper, khám phá hơn 30 thiên thạch hay tiểu hành tinh mới, tên bà được đặt cho một tiểu hành tinh là Asteroid 5430 Luu. Năm 2012, bà được trao hai giải thưởng danh giá là Kavli Thiên văn học (được xem như “Nobel thiên văn học”) và giải Shaw (Nobel phương Đông).

gs-ts-luu-le-hang

Giáo sư Lưu Lệ Hằng tên thường gọi Jane X. Luu sinh năm 1963, sinh ra và học tiểu học ở Sài Gòn, năm 12 tuổi bà sang Mỹ và hoàn thành học vấn ở các trường nổi tiếng: 1984 nhận bằng Cử nhân Vật lý thủ khoa tại Đại học Stanford, rồi bằng Thạc sĩ Cao học tại Viện Berkeley thuộc Đại học California và năm 1990 bằng Tiến sĩ Vật lý Thiên thể ở Viện Công nghệ Massachussetts MIT.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ vào năm 27 tuổi, GS.Lưu Lệ Hằng đến giảng dạy tại Đại học Havard rồi Đại học Leiden, Hà Lan. Khi trở lại Mỹ, bà làm thành viên kỹ thuật thiết bị ở Phòng thí nghiệm Lincoln tại MIT. Bà hiện đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Tư chất thông minh, nghị lực, niềm đam mê, cộng với điều kiện học tập, nghiên cứu hàng đầu thế giới đã đưa tên tuổi của nhà khoa học Jane X. Lưu trở nên nổi tiếng với những kết quả nghiên cứu xuất sắc. Đặc biệt, bà đã đi tiên phong trong những phát minh đặc sắc lớn và hiện đại nhất, mở rộng tầm nhìn của loài người về những chân trời bao la.

Người cộng sự thân thiết - Giáo sư David C.Jewitt từng đánh giá về bà như sau: “Siêu sao là một mỹ từ xứng đáng để miêu tả bà ấy. Bà ấy đang xây dựng nên những cầu nối trong một lĩnh vực hiện cần khai phá”.

2 lần được thế giới vinh danh

Đam mê khám phá vũ trụ bao la đến với GS Lệ Hằng thật bất ngờ. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp, bà làm việc tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA ở Pasadena. Tại đây, mối duyên với thiên văn học đã đến với bà: Thiên văn học với tôi là mối duyên không định trước. Vào thực tập nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA, tôi lần đầu bị mê hoặc bởi những bức ảnh gửi về từ tàu không gian Voyager. Nó đẹp đến không thể cưỡng nổi”.

Quyết định theo đuổi ngành thiên văn học, bà đã đến làm nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts dưới sự hướng dẫn của Giáo sư David Jewitt, người cộng sự đã đồng hành với bà trong suốt 20 năm khám phá ra những điều mới lạ trong không gian vũ trụ.

Dự án của bà bắt đầu từ năm 1987, kéo dài đến năm 1992. Nếu không có sự đam mê và lòng kiên nhẫn, GS Lệ Hằng cùng cộng sự của mình chưa hẳn đã là những người đầu tiên khám phá ra vành đai Kuiper (*).

GS Lưu Lệ Hằng chia sẻ: “Năm 1987, tôi cùng đồng nghiệp David Jewitt đề ra mục tiêu cần khám phá xem Hệ Mặt trời có thực sự giống như những gì người ta biết lâu nay. Phần bên trong hệ đã được thể hiện khá đầy đủ, gồm trái đất cùng những hành tinh xung quanh và một số tiểu hành tinh...

Chúng tôi bắt đầu khảo sát bằng kính thiên văn để tìm kiếm những đối tượng Hệ Mặt trời mà tối thiểu xa như sao Thổ. Đến năm 1992, sau 5 năm tìm kiếm, chúng tôi phát hiện ra một số lượng lớn các vật thể nhỏ quay quanh Hệ Mặt trời và nằm ngoài sao Hải Vương.

Nhóm vật thể này giờ đây có tên là vành đai Kuiper. Đây là một vành đai gồm nhiều vật thể băng đá bên ngoài sao Hải Vương. Chúng là những gì còn sót lại trong giai đoạn hình thành Hệ Mặt trời…”

Với những thành quả nghiên cứu đạt được, GS.Lưu Lệ Hằng nhận được những phần thưởng danh giá của khu vực và thế giới. Năm 1991, Hiệp hội Thiên văn Mỹ đã trao Giải thưởng Annie J. Cannon Award Thiên văn học cho bà. Và để ghi nhận công lao của bà trong việc tham gia khám phá hơn 30 thiên thạch hay tiểu hành tinh mới, người ta lấy tên của bà đặt cho một thiên thạch mới do chính bà khảo sát và phát hiện, đó là Asteroid 5430 Luu.

Đặc biệt, năm 2012, GS.Lưu Lệ Hằng vinh dự được xướng danh ở cả hai giải thưởng thiên văn học danh giá nhất thế giới. Tháng 3/2012, tại thủ đô Oslo của Na Uy, Quỹ Kavli đã công bố Giải Kavli Thiên văn học – được xem như “Nobel Thiên văn thế giới” và chủ nhân là ba nhà thiên văn đã khám phá ra nhiều vật thể lớn trong vành đai Kuiper là David Jewitt, Jane X. Luu (tức Lưu Lệ Hằng), và Michael Brown. Tiếp theo, tháng 5/2012, tại Hồng Kông, Quỹ Shaw lại xướng danh các chủ nhân đạt Giải Shaw Thiên văn học 2012, còn gọi là “Giải Nobel Thiên văn Phương Đông”, đó là tân Tiến sĩ Jane X. Luu cùng với người thầy – đồng nghiệp của mình là Giáo sư David C. Jewitt, cho những đóng góp trong việc định danh “các vật thể ngoài Hải Vương tinh” (TNOs).

Mong muốn đóng góp cho quê hương

Mỗi khi trở về Việt Nam, GS.Lưu Lệ Hằng đều có một cảm xúc: Đất nước Việt Nam thật tươi đẹp! Trong chuyến về quê hương gần đây nhất vào cuối tháng 7, bà đã có dịp gặp gỡ với các nhà khoa học, sinh viên, học sinh yêu thiên văn học tại các trường đại học ở Hà Nội, Quy Nhơn, Huế.

Cũng trong dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi tiếp thân mật GS.Lưu Lệ Hằng. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết cá nhân Thủ tướng cũng như tất cả những người Việt Nam đều ngưỡng mộ giáo sư, tự hào về trí tuệ của con người Việt Nam. Thành công của giáo sư không chỉ làm rạng danh đất nước mà còn là tấm gương sáng, nguồn cảm hứng lớn lao cho các thế hệ người Việt Nam trên con đường nghiên cứu, phát minh khoa học. Thủ tướng mong muốn giáo sư Lưu Lệ Hằng tiếp tục có những đóng góp cho đất nước, trong đó có ngành khoa học thiên văn; đồng thời thông qua các hoạt động giao lưu, thuyết trình, giảng dạy, hội thảo, hội nghị khoa học để tiếp tục truyền cảm hứng, sự tự tin, niềm đam mê nghiên cứu, phát minh khoa học cho các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam.

Để chắp nối ước mơ khoa học, nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo cho các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam, GS Lưu Lệ Hằng khẳng định sẽ cố gắng hết sức để tham gia các sự kiện và hoạt động khoa học tại Việt Nam, trong đó có chương trình hội nghị khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” do giáo sư Trần Thanh Vân (kiều bào tại Pháp) tổ chức.

Trong các buổi tiếp xúc cùng các thế hệ sinh viên, học sinh, GS Lưu Lệ Hằng luôn khuyến khích các bạn trẻ hãy theo đuổi đam mê của mình, bà sẵn sàng là người hướng dẫn và giới thiệu các bạn. Bà chia sẻ chân thành: “Tôi có thể làm được thì các bạn cũng có thể làm được. Quan trọng là bạn có thể tìm ra thứ bạn yêu thích và kiên nhẫn, cố gắng thực hiện điều đó; và hãy luôn tự hỏi: cách này đã đúng, đã tốt nhất chưa? Đừng bị giới hạn bởi những cách truyền thống mà hãy sáng tạo tìm ra phương pháp mới”. Ngoài đam mê khoa học, công tác xã hội và bảo vệ môi trường là mối quan tâm khác của bà. Trên báo Lao Động, bà từng chia sẻ về quãng thời gian đứng lớp dạy tiếng Anh cho Tổ chức Cứu trợ trẻ em Nepal và những trăn trở với quê hương Việt Nam. Bà kể: “Một mùa hè không thể nào quên. Những ngôi làng lạnh lẽo, chót vót nghèo xơ xác. Trường không ra trường, chỉ 4 chiếc cọc chống mái ngả nghiêng. Tụi trẻ đi bộ mấy giờ ròng rã mới đến được điểm lớp. Mỗi tuần chỉ học 2 – 3 buổi thôi… Với Quy Nhơn, tôi hy vọng sẽ khác. Ở đây có nỗ lực kết nối, truyền bá khoa học của vợ chồng GS Trần Thanh Vân – GS Lê Kim Ngọc mà tôi rất cảm kích và từng về nước tham dự hồi 1995…”.

Tại cuộc nói chuyện ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, bà trăn trở: “Đất nước của chúng ta xinh đẹp lắm, mong rằng mọi người cùng chung sức bảo vệ vẻ đẹp ấy. Phát triển nhưng xin đừng phá bỏ tài nguyên thiên nhiên”.

Xa quê hương nhiều năm nhưng GS Lưu Lệ Hằng luôn tự hào về đất nước, con người cũng như trí tuệ Việt Nam và cho rằng với sự đầu tư cho giáo dục, với niềm đam mê và sự tự tin, người Việt Nam sẽ tiếp tục thành danh và tỏa sáng về khoa học trên thế giới.“Không bao giờ muộn cho một tình yêu. Bạn có thể bắt đầu từ bây giờ!”- GS Lưu Lệ Hằng khích lệ tuổi trẻ vươn tới những đỉnh cao.

Thủy Nguyên (quehuongol)