Chấn chỉnh kịp thời thị trường trái phiếu doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Theo các chuyên gia, thời gian vừa qua cơ quan quản lý đã có nhiều động thái lành mạnh hoá thị trường trái phiếu DN thông qua các quy định quản lý mới. Đó là động thái tốt, tuy nhiên không nên coi đó là siết chặt thị trường bởi đây là thời điểm chín muồi để đa dạng hoá các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế.

Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn rất tốt

Dữ liệu công bố của các DN và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, tổng lượng trái phiếu DN phát hành trong 6 tháng đầu năm 2020 ước tính ở mức 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu DN đang đặt ra nhiều lo ngại có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái phiếu không đồng đều, đẩy rủi ro về phía người mua phải tự thẩm định, đánh giá.

Trong khi đó tại Việt Nam cũng chưa tồn tại một tổ chức độc lập và uy tín để xếp hạng tín nhiệm các DN. Trước mắt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, áp lực đối với việc trả nợ của các DN phát hành trái phiếu cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn. 

Trước tình trạng đó, liên tục trong thời điểm giữa tháng 5 và đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính đã hai lần đưa ra khuyến nghị liên quan đến trái phiếu DN. Cơ quan này lưu ý, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, NĐT, nhất là NĐT cá nhân mới nên mua trái phiếu. Không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, do có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư (bao gồm cả gốc và lãi) nếu DN phát hành gặp khó khăn.

PGS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bản chất trái phiếu DN không có lỗi và cũng không phải nguyên nhân gây ra tình trạng phát triển nóng, rủi ro. Nguyên nhân cố hữu còn là câu chuyện bất động sản. Ông Bảo phân tích, sở dĩ trái phiếu DN phát triển mạnh mẽ trong năm 2019 và lần đầu tiên tổng lượng phát hành của các DN, đặc biệt là DN bất động sản bằng với quy mô của các TCTD, là do cơn khát khao đất đai của nền kinh tế. Tâm lý của nhiều NĐT, đặc biệt NĐT cá nhân vẫn coi bất động sản là một kênh đầu tư hiệu quả. Và khi các NHTM chủ động siết chặt vốn cho lĩnh vực này để phòng ngừa rủi ro, thì rõ ràng sẽ cần một kênh khác xả ra. Đó chính là trái phiếu DN. 

“Nhiều năm qua các cơ quan điều hành chính sách đã kêu gọi phải đa dạng hoá các kênh dẫn vốn mà chúng ta chưa làm được. Đến năm 2019 kênh này mới tăng lên thì đó là cơ hội tuyệt vời để phát triển. Điều mà Bộ Tài chính đang làm là đưa thị trường vào quy củ, bài bản hơn, tôi cho đó là bình thường”, ông Bảo nói. Do đó, theo chuyên gia này, không nên truyền dẫn các tin tức tiêu cực, nếu không sẽ hình thành ấn tượng ban đầu không tốt với kênh này. Thay vào đó phải phát triển thị trường trái phiếu DN một cách bài bản, nếu không nguồn vốn trên thị trường sẽ tiếp tục chỉ phụ thuộc vào tín dụng từ hệ thống ngân hàng. 

Nhấn mạnh trái phiếu DN là kênh huy động vốn rất tốt mà chúng ta phải phát triển, ông Bảo cho rằng Bộ Tài chính đã làm chặt chẽ lại quy mô phát hành, khống chế trần lãi suất để tránh việc các DN chạy đua lãi suất. Bên cạnh đó là khống chế thị trường sơ cấp, ràng buộc quy mô phát hành trong 100 NĐT để đảm bảo các DN không luồn lách bằng việc chẻ nhỏ trái phiếu ra… “Chúng ta không nên cho rằng Chính phủ đang siết kênh đầu tư trái phiếu, không có gì là siết ở đây cả. Việc NHNN siết cho vay tín dụng bất động sản đã tạo cú hích ban đầu cho thị trường trái phiếu DN, thì bây giờ Bộ Tài chính đang nắn nót lại thị trường, đó là điều tốt, không có ai hạn chế cả”, ông Bảo bình luận. 

Vị này cũng khuyến nghị, bước tiếp theo là phát triển thị trường thứ cấp để trái phiếu có tính thanh khoản cao, có thể sinh lợi từ lãi suất phát hành, từ mua đi bán lại trên thị trường… Nếu làm tốt thì qua thời gian, NĐT sẽ không nhìn quá nhiều vào lãi suất nữa mà nhìn vào chất lượng trái phiếu để “xuống tiền”. 

Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cũng chia sẻ quan điểm tương tự khi cho rằng, việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu DN theo hình thức riêng lẻ là rất kịp thời. Bởi trong hơn 2 năm vừa qua, thị trường trái phiếu DN đã tăng trưởng hơn 30%, nếu tiếp tục để tăng trưởng nóng như vậy thì NĐT cá nhân rất thiệt thòi.

Vì vậy, ngay tại Nghị định 81, Chính phủ đã quy định NĐT phải thông qua các công ty tư vấn phát hành. Đó chính là quy định để bảo vệ quyền lợi NĐT.

“Việc phát triển thị trường một cách tương đối tự do, để nó trải nghiệm 2-3 năm đến lúc nóng lên rồi chấn chỉnh, tôi cho rằng là phù hợp”, ông Lực đánh giá.

Đức Ngọc