CEO Grab đề xuất mở ví điện tử tại Việt Nam

00:00 12/10/2020

CEO Grab đề xuất với Chính phủ Việt Nam mở ví điện tử không qua kết nối với tài khoản ngân hàng.

Việc sử dụng ví điện tử sẽ giúp thanh toán thuận lợi, hệ thống chính sách pháp luật cũng sẽ phải bảo đảm an toàn tài chính, phòng chống rửa tiền.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hôm 2/10, ông Anthony Tan, Giám đốc Điều hành kiêm đồng sáng lập Grab đề xuất các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể là mở ví điện tử không qua kết nối với tài khoản ngân hàng.

Thuận tiện, an toàn

Theo ông Anthony Tan, ngoài việc giúp thanh toán thuận lợi, hệ thống chính sách pháp luật cũng sẽ phải bảo đảm an toàn tài chính, phòng chống rửa tiền. Đại diện Grab cũng mong muốn cho phép các đơn vị thanh toán như các cửa hàng tiện lợi được hỗ trợ lập tài khoản ví điện tử, cho phép nạp tiền. Ông Tan kiến Chính phủ Việt Nam sớm cho phép nhận diện khách hàng trực tuyến (e-KYC), tức là khách hàng không phải thực hiện thủ tục trình diện tại ngân hàng. 

Với đề xuất của Grab trong thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ luôn ủng hộ và đã có các quy định để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài việc tạo thuận lợi cho thanh toán, Phó Thủ tướng cho biết hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam cũng sẽ phải bảo đảm an toàn tài chính, phòng chống rửa tiền.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt là thực trạng và xu thế của thế giới. Phần lớn các nước đều đã chuyển sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ở một vài nước, việc sử dụng tiền mặt để thanh toán thậm chí còn khá khó khăn.

Tại Việt Nam, phần lớn các giao dịch chuyển khoản trong tiêu dùng chủ yếu là các hoạt động thanh toán thẻ. Thời gian gần đây, các hoạt động liên quan đến ngân hàng điện tử cũng đang diễn ra ngày một nhiều hơn. Đó là các dịch vụ internet banking, mobile banking và một số dịch vụ thanh toán mới. Ở Việt Nam, giao dịch phi tiền mặt chủ yếu vẫn là thẻ tín dụng. Điều này khác biệt khá nhiều so với các quốc gia khác.

Tiềm năng rất lớn

Vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của các dịch vụ ví điện tử đã mở ra một hướng đi mới cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Tại Việt Nam, nhiều dịch vụ ví điện tử đã nổi lên và ngày càng có chỗ đứng, tiêu biểu là những tên tuổi như MoMo, VNPAY, ZaloPay... Đáng chú ý khi những cái tên kể trên đều là các sản phẩm thuần Việt.

Tại thảo luận chuyên đề về kinh tế số bên lề Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2018 tổ chức gần đây, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết: “Tổng phương tiện thanh toán hằng năm của Việt Nam tăng trưởng khoảng 14 - 15%. Như vậy, càng ngày tiền ở trong túi của các cá nhân, tổ chức ngày một nhiều lên. Đây cũng là cơ hội để ứng dụng các công tác thanh toán nhiều hơn”.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP dịch vụ di động trực tuyến (Ví MOMO) chia sẻ, thanh toán điện tử không chỉ tạo sự minh bạch trong thanh toán, mà còn giúp tiết giảm nhiều chi phí cho xã hội. Tiềm năng của ví điện tử là rất lớn, không chỉ phục vụ việc thanh toán mà còn là nền tảng để các lĩnh vực kinh doanh mới ra đời, phát triển, đặc biệt là dịch vụ tài chính toàn diện cho người dân. Nghị định 101/2012/NĐ-CP thanh toán không dùng tiền mặt là yếu tố “tạo đà” phát triển cho thanh toán điện tử ở Việt Nam. 

Đánh giá về khó khăn và thách thức của ví điện tử, theo ông Diệp đó là thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến, niềm tin đối với thanh toán điện tử và nền tảng thương mại điện tử còn non trẻ ở Việt Nam. Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thanh toán điện tử, ngoài sự tiện lợi, cần có thêm các lợi ích trực tiếp khi thanh toán điện tử (ví dụ như giảm thuế VAT). Các dịch vụ hành chính công của Nhà nước cũng cần khuyến khích thanh toán điện tử thay vì bằng tiền mặt để khuyến khích người dân.

Nguyễn Việt