Cây dược liệu cho 4 tỷ đồng/năm

00:00 12/10/2020

3 lần thất bại, mất hơn 600 triệu đồng, số tiền thực sự lớn với hai vợ chồng mới cưới nhưng Lê Thị Tỉnh (SN 1984) và Lê Ngọc Huê (SN 1985) ở xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã vượt lên bằng niềm đam mê với cây dược liệu, mở ra hướng đi mới ở vùng quê lúa Thái Bình.

 Lê Thị Tỉnh (đứng) bên các sản phẩm trà sản xuất từ những cây dược liệu.
Ảnh: Lê Thị Tỉnh (đứng) bên các sản phẩm trà sản xuất từ những cây dược liệu.
               Lê Ngọc Huê tốt nghiệp 2 bằng đại học, lập Công ty xây dựng và cung ứng nguyên vật liệu xây dựng ở TPHCM. Lê Thị Tỉnh vừa tốt nghiệp Cao đẳng Dược Hải Dương được nhận vào một Công ty dược ở Hải Phòng. Vốn là hai người bạn học cùng với nhau từ thuở thiếu thời, có thời gian dài yêu nhau, họ quyết định gắn bó với nhau suốt đời. Chồng đi làm xa, Tỉnh ở nhà cặm cụi với công việc gia đình rồi bàn với chồng: Đất quê mình tốt lắm, trồng lúa, lúa tốt, trồng dâu, dâu xanh thì hẳn là có thể trồng nhiều loại cây khác nữa. Tính đi tính lại, cứ trồng hai vụ lúa với khoai sắn không thể giàu lên được. Lại làm trong một Công ty Dược, thấy rõ những lợi thế của cây dược liệutrong giai đoạn hiện nay, khi nhiều Công ty thậm chí còn đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc về thì tại sao mình lại không phát triển các loại cây này ở đất Thái Bình? Nhưng để biến niềm tin ấy thành kết quả thì hai vợ chồng trẻ đã phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn mà nghĩ lại bây giờ Tỉnh và Huê vẫn còn thấy “lạnh gáy”.    3 vụ mất trắng 600 triệu đồng Hai vợ chồng Huê và Tỉnh đi vận động những người dân trong xã cho thuê lại diện tích đất nông nghiệp theo phương án trả tiền thuê hàng năm và thuê chính những người nông dân đó làm công nhân cho mình. Khá nhiều người dân không đồng ý vì không tin vào sự thành công của hai vợ chồng trẻ. Gia đình hai bên cũng cực lực phản đối. Họ không muốn con mình phải chân lấm tay bùn bởi khó khăn lắm mới học hành cẩn thận, có công ăn việc làm đàng hoàng ở bên ngoài. Nhưng ý chí hai vợ chồng đã quyết và bằng tất cả sự hăm hở của tuổi trẻ, hai vợ chồng đi mua giống nhân trần, ích mẫu, diệp hạ châu và bông mã đề về trồng. Gần 5 ha đất vận động được của người dân được xử lý cẩn thận để thực hiện ý tưởng lớn. Sau vài ngày gieo giống, nhìn những mầm non nhu nhú thật thích mắt. Nhưng một thời gian sau thì hai vợ chồng ngã ngửa khi nhận ra tất cả những chồi xanh biêng biếc ấy đều là… cỏ. Lý do vì đất quá màu mỡ, cỏ phát triển mạnh hơn nên lấn át cả cây giống. Vụ đó, hai vợ chồng mất hơn 200 triệu đồng tiền giống, công. Cuối vụ, vạch cỏ tìm mỏi mắt mới được vài kg diệp hạ châu, ích mẫu về… làm kỷ niệm. Bố mẹ hai bên kiên quyết khuyên hai vợ chồng bỏ. “Không có khả năng thì đừng làm!”, nghe bố mẹ nói thế khiến hai vợ chồng quặn thắt. Nghĩ rằng trồng cỏ ngọt mang giá trị kinh tế cao, mặt khác khi làm luống thì có thể xử lý được cỏ dại. Hai vợ chồng quyết tâm dồn cả 5 ha đất thuê được để trồng cỏ ngọt. Gặp đúng thời điểm mùa xuân, mưa quá nhiều, úng nước, cả cánh đồng cỏ thối ngang thân. “Lúc đó hai vợ chồng em suy sụp lắm, nhưng bù lại có thêm những kinh nghiệm trồng trọt”, Tỉnh nhớ lại. Vụ thứ 3, hai vợ chồng nghĩ đến cây đinh lăng đang được thương nhân thu mua với giá cao. Các bộ phận của cây như lá, thân, củ đều có thể mang lại lợi ích kinh tế và dược tính cao. Hai vợ chồng lại quyết tâm trồng cả 5 ha đinh lăng. Lại gặp đúng thời điểm mùa đông nhiều sương muối, cây đinh lăng chết gần hết. Cả cánh đồng chỉ còn lác đác vài cây sống phất phơ… Tổng cộng ba lần thất bại, hơn 600 triệu đồng bay hơi hết. Tỉnh nói: “Đó là thời điểm năm 2012, tất cả đều là tiền đi vay mượn, đi thế chấp quyền sử dụng đất của bố mẹ để làm. Tưởng như lúc đó gia đình em đã mạt vận" Từ xen canh đến sản xuất trà dược liệu Lúc ấy, nghe người dân nói nhiều về cây chùm ngây với những giá trị dinh dưỡng và kinh tế tuyệt vời của nó, hai vợ chồng lại bàn tính trồng xen canh chùm ngây bên cạnh đinh lăng. Vừa để phát triển được chùm ngây lại vừa có tán che sương, che nắng cho đinh lăng. Bên cạnh đó, Tỉnh đi tìm hiểu và trồng thêm một số loại cây có giá trị kinh tế cao như hoàn ngọc, xạ đen, cà gai leo, cây thìa canh… Vụ thứ tư cho kết quả mĩ mãn. Hai vợ chồng quyết định thuyết phục người dân xung quanh cho mượn ruộng nâng tổng số diện tích trồng hiện nay lên khoảng 15 ha. Sản phẩm làm ra đến đâu, thương lái đến tận ruộng để thu mua. Nhưng gia đình vốn có nghề đông y nên hai vợ chồng Tỉnh lại suy tính mày mò và tìm cách sản xuất trà túi lọc từ cây trong vườn. Có sản phẩm, đích thân hai vợ chồng đến từng cửa hàng chào mời, thậm chí gửi không lấy tiền các sản phẩm này hy vọng khách hàng đã uống là sẽ tìm đến. Với chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên sản phẩm trà mang thương hiệu Thái Hưng của hai vợ chồng Huê, Tỉnh đã ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Đến nay, các sản phẩm này đã có mặt trên 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mới đây, Công ty Thái Hưng của hai vợ chồng Tỉnh, Huê tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất hơn 1 tỷ đồng để hoàn thiện các công đoạn sản xuất trà túi lọc, nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm. Hiện, doanh thu hàng tháng của công ty đạt khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm cho gần 50 người với mức lương bình quân khoảng 3-4 triệu đồng/người/tháng. “Sắp tới chúng em sẽ còn tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất cây dược liệu lên khoảng 5 ha nữa đồng thời tăng thêm các dây chuyền sản xuất trà khác nữa như trà xạ đen, trà hoàn ngọc…”, Lê Thị Tỉnh tâm sự. Nói về mô hình của hai vợ chồng trẻ Lê Thị Tỉnh và Lê Ngọc Huê, anh Khổng Minh Toại, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Phụ không khỏi tự hào: “Đây là mô hình được nhiều bạn trẻ đến học tập kinh nghiệm. Bản thân Lê Thị Tỉnh cũng được Trung ương Đoàn trao giải thưởng cao quý Lương Định Của cho những nhà nông trẻ xuất sắc năm 2015”. Theo Báo Tiền Phong