Cạnh tranh giành giật 'miếng bánh' F&B

00:00 12/10/2020

Người đến, kẻ đi nhưng thị trường thực phẩm và dịch vụ ăn uống Việt Nam chưa bao giờ hết hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Để có thể trụ vững trong cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp phải luôn linh hoạt trong phát triển sản phẩm và dịch vụ, coi trọng chất lượng hơn số lượng.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, giai đoạn 2014-2019, thị trường ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống Việt Nam (F&B) có tốc độ tăng trưởng trung bình 18%/năm.

Trong khi đó, Statista cho rằng năm 2019, doanh thu từ thị trường F&B tại Việt Nam có thể đạt mốc 200 tỷ USD, tăng đến 34,3% so với số liệu của năm 2018. Điều này cho thấy càng về sau, tốc độ tăng trưởng ngành F&B ngày càng cao.

Thị trường 408 tỷ USD

Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2023, doanh thu của ngành F&B có thể tăng gấp đôi, đạt 408 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng hơn nữa khi tầng lớp trung lưu trong xã hội Việt Nam ngày càng tăng.

Cụ thể, dự báo của Nielsen đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 44 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu thành thị và sẽ tăng lên 95 triệu người vào năm 2030. Tầng lớp trung lưu bao gồm các hộ gia đình có mức chi phí tiêu dùng hàng ngày khoảng 10-100USD/người, trong đó chi tiêu 30-40% thu nhập vào thức uống và thực phẩm.

Việc tăng nhanh tầng lớp này sẽ tạo ra sức mua rất lớn trong tương lai, là “miếng bánh béo bở” cho các doanh nghiệp (DN). Các DN nước ngoài đến Việt Nam đều nghĩ nơi đây sẽ mang lại cơ hội đầu tư tốt cho họ. Trong khi đó, các DN Việt lại có cơ hội thử sức ở những sản phẩm mới trước bối cảnh thị trường F&B đang khá mở như hiện nay. Đó cũng là lý do nhiều thương hiệu trong và ngoài nước đang tiếp tục phát triển chuỗi nhà hàng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dù có ít rào cản gia nhập thị trường F&B, nhưng tốc độ đào thải rất nhanh nên vẫn là một thách thức với những DN muốn chinh phục. Thực tế thị trường cho thấy không phải cứ thương hiệu F&B có tiếng trên thế giới là có thể sống sót trong “cơn bão” cạnh tranh tại Việt Nam. Không ít chuỗi nội lẫn ngoại phải tháo chạy, hoặc thu hẹp quy mô, hoặc phải bán mình cho DN khác.

Điển hình như, vốn có nhiều kinh nghiệm tại nước ngoài nhưng The Coffee Bean & Tea Leaf mới đây đã phải bán lại cho Jollibee. Hay The Coffee House đang là một mô hình rất tốt về kinh doanh cà phê, nhưng cũng thất bại với chuỗi trà sữa Ten Ren. Gloria Jean’s Coffees (Úc) phải “chia tay” thị trường Việt Nam…

Ngay cả những thương hiệu đình đám trong nước như Phở 24 của doanh nhân Lý Quí Trung dù được đánh giá rất cao cũng phải bán mình. Hay gần đây nhất là Món Huế cũng “ngã ngựa” trước sự ngỡ ngàng của thị trường.

Theo đánh giá của một chuyên gia thương hiệu, người Việt sẵn sàng trải nghiệm những dịch vụ ăn uống mới nhưng lại rất mau chán. Để duy trì được sự thành công, DN phải luôn linh hoạt trong phát triển sản phẩm và dịch vụ, thay vì chăm chăm mở rộng chuỗi để khuếch trương thương hiệu.

Tuy nhiên, đa số các quỹ đầu tư mạo hiểm khi đầu tư vào chuỗi cửa hàng ăn của Việt Nam chỉ thấy tiềm năng lớn của thị trường mà chưa tìm hiểu rõ văn hoá, thói quen ăn uống của người Việt. Qua câu chuyện của Món Huế cho thấy nhà đầu tư bỏ qua những cái nhỏ như tìm hiểu kỹ về thói quen ăn uống, văn hóa tiêu dùng của người Việt đã dẫn đến những tổn thất lớn.

Do đó, đây cũng là cơ hội để các DN nhìn lại, củng cố đường hướng kinh doanh của mình. Thực tế cho thấy, mặc dù tiềm năng thị trường là rất lớn nhưng ngay cả những “ông lớn” với các chuỗi thức ăn nhanh như KFC, Burger King… khi mới vào Việt Nam cũng đặt mục tiêu mở &hơn 100 cửa hàng trong vài năm nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

Canh-tranh-gianh-giat-mieng-ba-5582-1973

Phát triển chuỗi trong lĩnh vực F&B vẫn cần chất lượng hơn số lượng

Cần chất lượng hơn số lượng

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù nhiều thương hiệu đình đám cả trong và ngoài nước đã phải “dứt áo ra đi”, song còn nhiều thương hiệu khác vẫn rất thành công. Vấn đề được đặt ra là: các DN nên làm gì để có đủ sức cạnh tranh và khai thác thành công “mỏ vàng” này?

Bà Châu Tiểu Ngọc, Giám đốc công ty TNHH Thương mại và đầu tư trang thiết bị Ánh Dương, cho rằng xu hướng người tiêu dùng vẫn muốn sử dụng các món ăn mang hương vị đặc trưng của người Việt và điểm thêm một chút trang trí từ các nước Âu, Nhật. Ở Việt Nam không thiếu gì những sản phẩm độc, lạ, quan trọng là phải nghĩ đúng ngay từ đầu. Ban đầu vốn ít thì làm mô hình nhỏ, không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều vào mặt bằng, còn vận hành thì chọn những món đơn giản.

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hải Âu, việc phát triển quy mô, số lượng chi nhánh theo cách ồ ạt, lấy số lượng mà không lường trước rủi ro tài chính là một trong những nguyên nhân gây ra “cái chết” của Món Huế. Đó có thể coi là xây để bán chứ không phải xây để trường tồn. Vì vậy, việc phát triển quy mô là cần thiết nhưng thà “chậm mà chắc” cũng là cách mà nhiều tập đoàn lớn đang thực hiện.

Từ kinh nghiệm thực tế trong quá trình xây dựng thương hiệu Hải Âu, ông Quân chia sẻ để thương hiệu phát triển mạnh và bền vững, DN cần thiết lập được quy trình để giữ vững chất lượng dịch vụ. Ngoài sản phẩm vật chất, khách hàng còn cảm nhận dịch vụ qua sự kết nối với con người. Những chuỗi thành công là những chuỗi kiểm soát được yếu tố con người một cách tốt nhất, giúp dịch vụ luôn giữ được tiêu chuẩn nhất định. Khi càng mở rộng sẽ càng có nhiều vấn đề phát sinh, tuy nhiên nếu các vấn đề cốt lõi trên được kiểm soát thì việc mở rộng có thể thành công. DN thiếu vốn thì hoàn toàn có thể gọi vốn từ các quỹ đầu tư, nhưng năng lực quản trị và nhân lực để vận hành bộ máy thì DN phải tự lo.

Chẳng hạn, Hải Âu muốn phát triển chuỗi thì phải phát huy tốt nhất năng lực về cung ứng sản phẩm có chất lượng, cũng như kiểm soát được hoạt động của các điểm bán để bảo đảm uy tín thương hiệu.

Đồng tình, ông Lý Quí Trung cho biết ủng hộ cách mở rộng chuỗi, nhất là phải tìm được những nơi có khách hàng tiềm năng, dù chi phí có đắt đỏ.

Tuy nhiên, ông Trung nhấn mạnh mở rộng chuỗi nhiều thì bắt buộc phải vận hành bài bản, đồng nhất trong cách phục vụ lẫn quản lý. Ngoài ra, nhà cung cấp thực phẩm cũng rất quan trọng, bởi kinh doanh nhà hàng ẩm thực là một lĩnh vực đặc thù.

“Để có mặt bằng tốt, cách quản trị bài bản, mấu chốt cuối cùng vẫn là năng lực tài chính”, ông Trung cho biết.

Hoàng Hà