Cánh cửa cho doanh nghiệp gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu

00:00 12/10/2020

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) ký kết ngày 30/6 đánh dấu mốc quan trọng sau tiến trình dài 6 năm kể từ khi chính thức đàm phán.

Trong đó, EVFTA là một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới nên ngoài việc xóa rào cản thuế quan còn kèm theo nhiều điều khoản rộng hơn nhằm mang lại lợi ích cho môi trường kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động ở các quốc gia có liên quan.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về một số vấn đề liên quan tới Hiệp định này, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu, rộng trên toàn cầu.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc. Ảnh: TTXVN

Phóng viên: Hiệp định EVFTA vừa được ký kết, ông bình luận như thế nào về những cơ hội mang lại từ Hiệp định đối với Việt Nam; trong đó, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết, việc đàm phán và ký kết Hiệp định EVFTA giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam là một hành trình gian nan với 3 năm đàm phán và 3 năm chuẩn bị để tiến tới ký kết. Đây là Hiệp định đạt tốc độ kỷ lục về thời gian. Đương nhiên có nguyên do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như biến động trong nội bộ của châu Âu, vấn đề Brexit và đâu đó có nhiều ý kiến khác nhau về hiệp định này.

Tuy nhiên, vượt qua tất cả, Việt Nam và EU đạt tiếng nói chung để Hiệp định này chính thức được ra đời, mang lại lợi ích cho cả hai bên, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, khi thị trường thế giới đang có những đảo lộn. EVFTA được ký kết sẽ chính là một cái neo vững chắc để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên thuộc EU.

Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tiếp cận thị trường trên 500 triệu người có thu nhập cao, là một trong những trung tâm kinh tế của thế giới. Hiện nay, EU đang chiếm tới hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ngoài châu Á.

Tuy nhiên, để đánh giá tác động của EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam thì cần nhìn rộng hơn, không chỉ đánh giá về số lượng và giá trị kim ngạch, mà cần đánh giá về chất lượng xuất khẩu sang châu Âu. Châu Âu và Việt Nam là 2 nền kinh tế có tính bổ sung, tương hỗ rất lớn và không cạnh tranh trực tiếp. Do đó, cơ hội khi mở ra rất lớn sau khi hai bên đã hoàn tất nền tảng là hiệp định thương mại tự do.

Chúng ta đều biết rằng, EU là nơi tập trung các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Ở đó có các tập đoàn toàn cầu, các công ty đa quốc gia thống lĩnh nền kinh tế thế giới, nên khi khai thông được Hiệp định này, Việt Nam có thể tăng cường được quan hệ hợp tác về thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn lớn và gia nhập được vào chuỗi giá trị toàn cầu hàng đầu của thế giới.

Việt Nam cũng sẽ có điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam, có điều kiện để thu hút các dòng đầu tư có chất lượng cao hơn vào Việt Nam và thân thiện với môi trường hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn và phù hợp với yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế.

Với EVFTA, Việt Nam thực sự có thêm một động lực mới để thúc đẩy quá trình phát triển trên cả hai khía cạnh là không gian thị trường, tiếp cận các nguồn lực về công nghệ, về vốn cho sự phát triển. Đây cũng sẽ là động lực thúc đẩy cải cách thể chế ở trong nước.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi EVFTA được ký kết, áp lực cạnh tranh đối với nền kinh tế nói chung và với các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng sẽ ngày càng căng thẳng. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Vũ Tiến Lộc: Áp lực rất lớn nhưng cơ hội cũng vô cùng lớn. Muốn phát triển và muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì chúng ta chỉ có cách là đương đầu với áp lực ấy để tận dụng tốt nhất các cơ hội đem lại. Muốn làm được những điều này, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ hơn để tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Song song đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, phải đổi mới sáng tạo theo hướng phát triển bền vững.

Tôi nghĩ rằng, sự sáng tạo của con người Việt Nam là vô tận. Trí tuệ của con người Việt Nam là vô tận nếu chúng ta có một môi trường kinh doanh tốt sẽ khơi dậy được tiềm năng đó để sẵn sàng đương đầu, đối mặt với cạnh tranh toàn cầu và tận dụng tốt cơ hội từ cạnh tranh toàn cầu.

Mọi sự phát triển đều chỉ có thể tốt khi được đặt trước một áp lực lớn. Áp lực lớn sẽ tạo ra động lực lớn và sẽ thúc đẩy bước phát triển nhảy vọt của nền kinh tế Việt Nam. Chính áp lực đó sẽ tạo động lực mang lại bước phát triển bứt phá cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu không đặt trước những áp lực lớn thì sẽ khó có sự bứt phá.

Phóng viên: Theo dự báo, sau khi ký kết EVFTA và sau khi Hiệp định này được thực thi, kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu tới các nước thuộc EU sẽ tăng 50% so với hiện tại vào năm 2020. Ông nghĩ sao về khả năng này?

Ông Vũ Tiến Lộc: Với EVFTA, tôi tin là hoàn toàn khả thi nhưng đây chỉ là giả định. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc và tích cực việc thúc đẩy cải cách thể chế; các doanh nghiệp Việt Nam có những nỗ lực để cải thiện hệ thống quản trị và nâng cao năng lực cạnh tranh chính mình thì Việt Nam có thể tăng được kim ngạch xuất khẩu sang những thị trường này.

Tôi xin nhắc lại tính chất của hai thị trường là Việt Nam và các nước thuộc EU có khả năng bổ sung, tương hỗ lẫn nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp. Nếu khơi thông được EVFTA có thể giúp tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc khu vực này là hoàn toàn có thể tin tưởng.

Phóng viên: Cùng với những cơ hội về trao đổi thương mại từ EVFTA, tình hình đầu tư và thu hút nguồn lực nước ngoài sau khi có Hiệp định EVIPA sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Thực tế, các doanh nghiệp châu Âu cũng đang có nhu cầu đầu tư vào thị trường Việt Nam để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trở lại châu Âu hoặc xuất khẩu ra thế giới. Vì vậy, Việt Nam có điều kiện đón nhận các dòng vốn đầu tư từ châu Âu. Đây cũng là dòng vốn đầu tư chất lượng mà chúng ta đang chờ đón.

Khi làm việc với các đối tác ở các nền kinh tế văn minh hơn, chuyên nghiệp hơn, quốc tế hơn thì cũng là điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam trưởng thành, nâng cao trình độ quản trị, làm ăn theo chuẩn mực quốc tế. Đó là những tác động không thể cân đong đo đếm được đối với sự trưởng thành của các doanh nghiệp Việt Nam.

Phóng viên: Muốn hiện thực hóa các mục tiêu về gia tăng giá trị, lợi ích từ EVFTA, theo ông, Chính phủ, các cấp ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp gì?

Ông Vũ Tiến Lộc: Theo tôi, trước hết cần đẩy mạnh cải cách thể chế hơn nữa để chuẩn bị một môi trường kinh doanh thuận lợi, làm đệm cho những “con chim đại bàng” kể cả là các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài phát triển trong thời gian tới.

Thêm nữa, phải phổ biến ngay, cụ thể hóa và có chương trình hành động, phân định trách nhiệm rõ ràng về các thông tin hội nhập đến với các hiệp hội doanh nghiệp, đến từng ngành hàng, đến từng dòng thuế để định hướng lại hoạt động của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần căn cứ vào đó để so sánh các thị trường để tìm ra thị trường có lợi nhất để định hướng sản xuất kinh doanh để tìm đối tác.

Cuối cùng là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, phải tạo ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với chất lượng cao, giá thành thấp, phải đổi mới sáng tạo, phải cải thiện hệ thống quản trị và nâng tầm quản trị của mình lên với ngang tầm với các đối tác châu Âu, châu Mỹ.

Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI các hiệp hội cần sẵn sàng để phổ biến, tuyên truyền, hỗ trợ cho các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thạch Huê (Thực hiện)