Cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về cấp vốn doanh nghiệp khởi nghiệp

00:00 12/10/2020

Hiện nay, doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 2.000 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ...

Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Với hình thức cho vay thương mại, thời gian đáo hạn khá gấp, khiến doanh nghiệp mới khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ có tiềm lực tài chính còn hạn chế sẽ gặp khó khăn.

Thời gian qua, kênh khởi nghiệp của đoàn Thanh niên tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngân hàng ban hành chính sách tạo nguồn vốn cho thanh niên giải quyết việc làm, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn hẹp nên nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu nhưng chưa tiếp cận được. Trong khi đó, những chính sách, thủ tục thẩm định cho vay vốn hiện nay vẫn chưa có sự linh hoạt.

Khai thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp là một yêu cầu cấp bách của xã hội, đặc biệt thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều định hướng cho các ngân hàng và địa phương trong việc bố trí thêm nguồn vốn ưu đãi phục vụ khởi nghiệp. Các ngân hàng cũng như địa phương cần nghiên cứu những mô hình cho vay khởi nghiệp của các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ... cho vay không cần thế chấp với những dự án khả thi.

Kiều Phiên (ghi)