Cần gần 2 tỷ đô la để các quốc gia triển khai giảm phát thải KNK

00:00 12/10/2020

Tại sự kiện bên lề Hội nghị COP 22 “Huy động nguồn lực khí hậu thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC và sáng kiến công nghệ phát thải Các-bon thấp”, ông Axel Michaelowa – thành viên Nhóm Quan điểm về Khí hậu cho biết: Tổng nhu cầu tài chính để thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)của các nước có điều kiện là 1,87 tỷ Đô la.

Các diễn giả tham gia thảo luận
Các diễn giả tham gia thảo luận

Đây là một trong những sự kiện đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị COP 22 tại Ma – rốc, diễn ra ngay sau phiên khai mạc ngày 7/11. Sự kiện do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức và Trường Đại học Freie Universitat Berlin.

Tại đây, Đoàn công tác của Việt Nam đã cùng thảo luận với nhiều diễn giả quốc tế về phương thức huy động nguồn lực nhằm thực hiện Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo ông Axel Michaelowa,việc huy động đủ tổng mức tài chính có điều kiện trong tất cả các NDC là thách thức lớn và rất khó thực hiện.Bởi vậy, các quốc gia cần chủ động xem xét vai trò của cơ chế thị trường trong huy động tài chính thực hiện NDC có điều kiện.

Nói về nỗ lực của Việt Nam, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH(SP-RCC) là một phương thức để huy động nguồn lực thực hiện Thoả thuận Paris ở Việt Nam. Chương trình SP-RCC giai đoạn 2016 – 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo một kênh huy động nguồn lực tổng hợp từ xây dựng chính sách, các dự án đầu tư, tăng cường năng lực và tri thức liên quan tới BĐKH.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường cho biết: Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đang thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và cải thiện nền kinh tế hướng tới sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế. Chiến lược này góp phần ứng phó với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Theo bà Mareike Well, Trường Đại học Freie Universitat Berlin: Quan điểm thống nhất giữa các Bên về thực hiện NDC là chú trọng các vấn đề dài hạn và tập trung vào giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH. Đặc biệt, cần xem xét các hành động mang tính liên ngành, tăng cường vai trò của các đối tác có liên quan.

Các đại biểu đã bàn thảo về vai trò của tài chính quốc tế như thế nào trong lộ trình thực hiện NDC của Việt Nam; Cơ chế thị trường trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris hỗ trợ tài chính cho NDC; Cơ chế tài chính liên quan tới năng lượng mà Việt Nam muốn áp dụng và lộ trình chiến lược tăng trưởng xanh thực hiện NDC…Ông Hoàng Văn Tâm, đại diện Bộ Công Thương cho biết:Trong bối cảnh thực hiện NDC, Việt Nam tập trung vào phát triển hiệu quả năng lượng bao gồm khung pháp lý và các chương trình mang tính tình nguyện; phát triển năng lượng tái tạo và các công cụ để thúc đẩy phát triển các-bon thấp.

Về kinh nghiệm huy động tài chính, ông Chen-An Lien, Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Đài Loan trình bày về nghiên cứu thí điểm năng lượng xanh được ngân hàng phát triển đa phương hỗ trợ tài chính. Ông đề cập về sự hợp tác dài hạn giữa Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp và Ngân hàng Châu Âu về tái cấu trúc và phát triển, Quỹ phát triển hợp tác quốc tế Đài Loan cung cấp hỗ trợ cho các dự án năng lượng hiệu quả.

Cũng tại sự kiện, các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc phê duyệt Thoả thuận Paris cũng như Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris kịp thời,ngay trước khi diễn ra COP 22.

Theo: Chu Thanh Hương, đưa tin từ Ma – rốc/baotainguyenmoitruong.vn