Cần đến liều thuốc mạnh trị bệnh chây ì chiếm dụng bảo hiểm xã hội

00:00 12/10/2020

DNHN: Thu nhập và đời sống của đông đảo lao động, nhất là ở nông thôn, ngành dệt may, trong các DNNVV, công việc nặng nhọc mà đồng lương hiện còn rất thấp, chưa đủ trang trải sinh hoạt bình thường, nói gì đến nuôi con cái. Đời sống tinh thần, đặc biệt là ở những khu nhà trọ chật chội ở các đô thị và ở nông thôn rất nghèo nàn.

Dư thừa lao động ở nông thôn vốn rất lớn càng lớn hơn khi hầu hết việc đồng áng nặng nhọc tốn lao động đã cơ giới hóa: tưới tiêu, cầy bừa, gặt, tuốt lúa. Nhà nông hiện nay rất nhàn nhã với mấy việc nhẹ: gieo sạ lúa, vãi phân hóa học, phun thuốc trừ sâu, chuyển thóc về nhà phơi phóng. Có điều, gặt xong, bán thóc trả chi phí dịch vụ, bồ thóc còn lại chẳng là bao. Xu hướng tuổi trẻ ly hương đổ ra các thành phố ào ạt hơn bao giờ hết, gây quá tải nhiều mặt và làm phức tạp thêm về giao thông, trật tự-môi trường, tệ nạn... cho khu vực đô thị. Tỷ lệ lao động chưa có việc làm ổn định làm thực tế đô thị chắc chắn vượt trội hơn con số 2,4%. Câu chuyện việc làm, thu nhập, đời sống người lao động vì thế luôn luôn làm nóng các diễn đàn Quốc hội, và là bài toán đau đầu cả về chiến lược phát triển lâu dài cùng các giải pháp, các chính sách, những hỗ trợ nóng...của Chính phủ. Không những thế, quan hệ giữa các chủ doanh nghiệp và đông đảo người lao động cũng thường phát sinh những trục trặc gây thiệt thòi cho lao động, dẫn tới những lãn công, đình công, kiện cáo. Phổ biến và nghiêm trọng hơn, là tình trạng chủ doanh nghiệp nợ đọng hoặc trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội kéo dài. Khoản BHXH, BHtN, BHYT là niềm hy vọng lớn của mọi người lao động để có thể tạm yên lòng khi ốm đau, thất nghiệp, và đồng lương hưu thực ra cũng là còm cõi. Căn bệnh thiếu trách nhiệm này của chủ DN, như ngành LĐTB-XH đã từng chỉ ra, là máu tham lam, vụ lợi vị kỷ của họ. Những lý do mà họ thường đưa ra để biện hộ cho mình, là do sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công việc không thường xuyên nên không có khả năng đóng BHXH. Công bằng mà nói, có không ít DNNVV quả thật có thời gian gieo neo, nguy cơ ngừng hoạt động thấy nhỡn tiền, dẫu không muốn vẫn phải thu hẹp SX, dãn bớt nhân công, đến lương cơ bản hàng tháng còn không đủ tiền nên chậm trả, nói gì đến khoản BHXH. Nhưng số đông hơn, là những DN cố tình “lách luật”, khi luật pháp hiện nay còn chưa bịt kín các kẽ hở để họ lợi dụng chây ỳ. Sau 5 năm thực hiện Luật BHXH, trong một hội thảo đánh giá do Bộ LĐTB-XH tổ chức,  đại diện lãn đạo BHXH Việt Nam thẳng thắn chỉ ra và kiến nghị giải pháp rắn để cải thiện tình hình. Đó là khoản thu đối với BHXH rất khó, do quy định về cơ chế, chính sách xử phạt chưa đủ sức răn đe DN. Chế tài đối với những DN không hoặc chậm đóng BHXH quá nhẹ. DN vi phạm chỉ bị phạt tối đa 30 triệu đồng. Trong khi đó, BHXH là cơ quan thường xuyên kiểm tra và phát hiện các trường hợp vi phạm nhưng lại không được quyền xử phạt, nên các doanh nghiệp không chấp hành và ngày càng cố tình không đóng, chậm đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH cho người lao động. Nhưng lý do mấu chốt là do quy định tỷ lệ lãi nợ đọng đối với cơ quan BHXH quá thấp so với lãi vay ngân hàng nên doanh nghiệp đã cố tình nợ để tranh thủ chiếm dụng... Đây cũng là một kẽ hở của luật. Lẽ ra khi doanh nghiệp nợ tiền BHXH thì lãi suất phạt sẽ phải cao gấp 2 lần lãi vay ngân hàng. Trong khi hiện nay lãi suất nợ đọng quá thấp so với lãi vay ngân hàng nên doanh nghiệp cứ chây ì nợ và sau đó sẵn sàng chịu phạt mà vẫn được lợi hơn! Bộ LĐTB-XH cũng đã kiến nghị bổ sung thêm hành vi cố tình nợ đọng BHXH của chủ doanh nghiệp là cấu thành tội phạm hình sự. Bởi lẽ, doanh nghiệp cố tình dây dưa nợ đọng tiền đóng BHXH của người lao động, thậm chí đã thu tiền đóng BHXH của người lao động (trừ tiền lương) nhưng lại dùng tiền đó để sử dụng vào những mục đích khác-đó là chiếm dụng tiền BHXH, và phải xử lý hình sự. Ngành LĐTB-XH cũng đang đề nghị đổi mới cơ chế, theo đó giao cho cơ quan BHXH có quyền được xử phạt những doanh nghiệp trốn hoặc chậm đóng BHXH cho người lao động hoặc ít nhất có thể trình UBND tỉnh xử phạt ngay. Còn nếu chỉ để tình trạng cơ quan BHXH đến kiểm tra rồi nhắc nhở như hiện nay thì còn xảy ra nợ đọng BHXH kéo dài.

TP Hà Nội, sau rất nhiều cố gắng, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn vẫn còn cao. Tính đến tháng 3/2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên toàn TP là hơn 3.166 tỷ đồng với trên 39.140 đơn vị nợ, chiếm 9,5% kế hoạch. Trong quý I, BHXH Hà Nội đã thực hiện 72 cuộc thanh tra, kiểm tra. Số tiền nợ trước khi thanh tra, kiểm tra là 96,4 tỷ đồng. Kết quả sau thanh tra đã thu hồi được 7,5 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT năm 2017 và những năm tiếp theo, BHXH Hà Nội bên cạnh việc tăng cường thanh tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, thực hiện đôn đốc, thu nợ, công khai các đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT trên Cổng thông tin điện tử BHXH Hà Nội, là phối hợp với các tổ chức Công đoàn mạnh tay hơn khởi kiện ra tòa các đơn vị cố tình chây ỳ để nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài với số tiền lớn. BHXH TP đã bàn giao 129 đơn vị với tổng số tiền nợ là 142,9 tỷ đồng sang tổ chức Công đoàn để tiến hành khởi kiện. Đến nay, Công đoàn đã nộp đơn khởi kiện 24 đơn vị với số tiền 39,7 tỷ đồng! Hy vọng QH sớm hoàn thiện luật để có thể buộc DN nợ đọng BHXH phải thức tỉnh mà hành xử với người lao động đúng luật và có tình người! Thế Văn