‘Cấm quảng cáo bia rượu, dân có còn được xem bóng đá nữa không?’

00:00 12/10/2020

Nhiều chính sách được đề xuất trong dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu bia không nhận được sự đồng tình của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng 12.4, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề của luật Phòng chống tác hại rượu, bia. 

Một trong những quy định nhận được sự quan tâm thảo luận tại phiên họp là việc cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức và các quy định hạn chế quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn.

Theo báo cáo giải trình mà chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho biết, sau khi họp thẩm tra, thường trực ủy ban này đề nghị được giữ nguyên các quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức và quy định cụ thể việc hạn chế quảng cáo sản phẩm rượu, bia dưới 15 độ.

“Các sản phẩm rượu, bia trên 15 độ cồn sẽ tác động có hại rất lớn đến sức khoẻ người dân nên việc hạn chế quảng cáo các sản phẩm này là cần thiết”, bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, thực chất chỉ có bia và rượu vang là dưới 15 độ, còn lại các loại rượu khác đều 30 - 40 độ. Do đó, nếu cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ thì các loại rượu tây, rượu trắng sẽ bị loại ra ngoài. “Như vậy là phân biệt đối xử, không công bằng”, ông Chiến nêu quan điểm.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng băn khoăn, dự thảo quy định không quảng cáo rượu, bia trong khung thời gian từ 19 - 21 giờ trên các báo hình, báo nói nhưng hiện nay, bóng đá thế giới quảng cáo bia, rượu ngay trên áo các cầu thủ rất nhiều. “Nếu cấm quảng cáo bia, rượu như thế này thì người dân sẽ không được xem bóng đá nữa à?”, ông Định nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu vấn đề: “Các hãng bia tài trợ cho các đội bóng rất nhiều, tiền quảng cáo được dùng để phát triển các đội bóng, bây giờ mà không cho quảng cáo thì có được hay không?”. Bà Ngân cũng lưu ý, việc cấm quảng cáo cũng phải phù hợp với luật Quảng cáo và luật Thương mại và đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại.

Thời đại 4.0 lại cấm bán hàng trên internet?

Một vấn đề khác là quy định cấm bán rượu, bia trên mạng internet. Theo bà Thúy Anh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 về vấn đề này, dự thảo chỉ cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng internet và quy định cụ thể điều kiện bán rượu, bia dưới 15 độ cồn.

Cho ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, bán hàng trên internet chỉ là một phương thức kinh doanh. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay lại cấm bán trên internet là không hợp lý, cần phải cân nhắc.

“Nếu cấm thì phải cấm tất thì mới công bằng chứ việc bán trên internet là áp dụng công nghệ hiện đại lại bị cấm thì gần như mở rộng cho phương thức thủ công. Quan trọng là chúng ta phải kiểm soát được việc kinh doanh và trên internet chúng ta kiểm soát tương đối tốt. Vì thanh toán không dùng tiền mặt thì kiểm soát được ngay chứ như bây giờ cứ rút tiền ra là mua được rượu thì rất khó kiểm soát”, ông Hiển nêu.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng bày tỏ sự lo lắng “sẽ bị lạc hậu so với thời cuộc” khi trong thời đại công nghiệp 4.0 lại hạn chế bán hàng trên internet nên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quy định điều này vào dự thảo luật.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cả quy định cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ và cấm bán rượu, bia trên 15 độ trên internet cần xem lại các công ước, điều ước quốc tế xem có quy định không, còn nếu không thì cần cân nhắc lại quy định này.

Tại phiên họp, Nhiều quy định khác được cơ quan soạn thảo đề xuất như "tăng thuế" đối với các sản phẩm rượu, bia cũng như việc trích 0,5% thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ rượu, bia để làm kịnh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng không nhận được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Trong phát biểu kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thậm chí, trong trường hợp hồ sơ dự án luật chưa đảm bảo thì có thể không thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới theo kế hoạch.

Lê Hiệp