Cam kết đồng hành khởi nghiệp: Điều kiện cần nhưng chưa đủ

00:00 12/10/2020

Những lời cam kết cùng “đồng hành”, “đồng cam, cộng khổ”, “sẻ chia và hợp tác lâu dài” của Chính phủ chính là điều kiện cần để khởi nghiệp trở thành làn sóng lan tỏa mạnh mẽ trong đông đảo người dân hiện nay.

Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công rất cần có sự vào cuộc thực sự, tích cực và chủ động, hiệu quả của mỗi người. Đây mới là điều kiện đủ để cam kết “đồng hành khởi nghiệp” bảo đảm tính cân đối cao nhất và trọn vẹn nhất.
Nhiều cam kết cụ thể  Khởi nghiệp đang trở thành một trong những đột phá chiến lược mới ở Việt Nam. Mỗi bước đi của khởi nghiệp luôn luôn có Chính phủ đồng hành. Bên cạnh việc sửa đổi các đạo luật liên quan đến khởi nghiệp về đầu tư, kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức để các loại tài sản được huy động triệt để vào sáng tạo giá trị xã hội và tạo việc làm, hàng loạt chính sách đã được Chính phủ ban hành để thúc đẩy khởi nghiệp.
Trước hết, chủ trương khởi nghiệp được thể hiện ở Nghị quyết số 35/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, chính sách khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với khoản tiền đầu tư ưu đãi lên tới 100.000 tỷ đồng. Tại Diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ và DN mới đây, Chính phủ đã trực tiếp nhận các kiến nghị của DN. Quy định thanh tra DN không quá một lần/năm thay vì trên một lần trước đây như là sự thấu hiểu của Chính phủ với tình trạng DN thường xuyên phải “tiếp” các đoàn thanh, kiểm tra. Các loại rào cản môi trường kinh doanh như “giấy phép con” đang từng bước được nhận diện, rà soát, đánh giá và chắc chắn sẽ bị loại bỏ khi không bảo đảm được căn cứ tồn tại đủ sức thuyết phục. Những gai góc cản trở công cuộc khởi nghiệp kể cả các vụ việc “chướng tai gai mắt” (vụ quán cà phê “Xin chào” ) trong hành xử với DN làm tăng chi phí, lãng phí thời gian và mất cơ hội khởi nghiệp, đi ngược với chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, đang được Chính phủ quyết liệt hành động để san phẳng. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam được cải thiện đáng kể, tăng 9 bậc trong năm 2016 so với năm 2015. Những hành động đồng hành này đang nhận được sự đồng tình rất cao của DN, tạo chỗ dựa đáng tin cậy và vững chắc nhất để nhân lên niềm tin khởi nghiệp trong toàn dân. Đây cũng là cách thức thu hẹp khoảng cách quyền lực giữa Chính phủ với cộng đồng khởi nghiệp, loại bỏ tình trạng quan liêu và xa rời thực tế trong việc đưa ra các quyết định về khởi nghiệp. Xét về kết quả, năm 2016 đã có khoảng 110.000 DN khởi nghiệp. Trong 5 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 50.534 DN thành lập mới với vốn đăng ký 485.634 tỷ đồng, tăng 13% về số DN và 39% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.  Đồng hành nhưng không “ưu ái” Tuy nhiên, cam kết đồng hành của Chính phủ được xem là điều kiện cần không phải vô hạn, bởi vì về lâu dài, nó có thể dẫn đến nguy cơ bóp méo quan hệ thị trường cũng như thủ tiêu tính tự chủ, sức sáng tạo, thậm chí làm xuất hiện tình trạng cực đoan là trông chờ, ỷ lại, hay tâm lý “há miệng chờ sung” của DN. Vì thế, Chính phủ cần xác định rõ ràng và mạch lạc ranh giới về phạm vi của sự đồng hành để tránh can thiệp quá sâu hoặc làm thay công việc của DN. Một chương trình hay kế hoạch hành động của Chính phủ đồng hành cùng khởi nghiệp dài hạn và theo từng giai đoạn, hoặc theo từng năm cần được xây dựng có căn cứ khoa học, chi tiết và bảo đảm tính khả thi cao, có khả năng gây ảnh hưởng sâu rộng đối với khởi nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thời điểm và mọi DN. Chương trình hay kế hoạch này cần được công bố công khai với cộng đồng khởi nghiệp để tiếp nhận các ý kiến góp ý rộng rãi nhằm hiểu sâu hơn nhu cầu, mong muốn và kỳ vọng của DN. Việc làm này sẽ cho thấy tính sâu sát và dễ tiếp cận của Chính phủ đối với khởi nghiệp. Đồng thời, tính đồng bộ, rõ ràng, minh bạch và bình đẳng của môi trường kinh doanh cần được Chính phủ coi trọng phát huy. Bên cạnh đó, cần biến nỗ lực đồng hành của Chính phủ thành nội động lực tự khởi nghiệp, tự phát triển của DN theo các quy luật thị trường, giảm thiểu sự lạm dụng, tâm lý “được voi đòi tiên” của DN đối với “chữ tín”, sự hỗ trợ hay những “ưu ái” gần như cao nhất của Chính phủ khi thực hiện vai trò đồng hành cùng khởi nghiệp. Chức năng tư vấn khởi nghiệp, tư vấn quản trị và vai trò của các tổ chức đại diện cho DN như hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các địa phương, các quỹ khởi nghiệp, diễn đàn, câu lạc bộ, sàn giao dịch, các quan hệ dân sự hoặc mạng lưới quan hệ phi chính thức khác cần được khai thác để hình thành đội ngũ DN mới có đủ bản lĩnh, tự tin, kiến thức, kỹ năng vượt qua trạng thái “chần chừ, do dự” ban đầu, sẵn sàng dấn thân vào khởi nghiệp.
PGS.TS NGUYỄN THƯỜNG LẠNG - ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN