Cấm bán rượu bia trên internet: Không khả thi

00:00 12/10/2020

Các chuyên gia khẳng định, quy định cấm bán rượu bia trên internet tại Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia là không khả thi.

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vẫn tiếp tục được Bộ Y tế công khai lấy ý kiến. Dự thảo Luật cấm bán loại chất uống này trên Internet; cấm đăng ký bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.

Mâu thuẫn Luật Thương mại

Bình luận về quy định này của Dự thảo, Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội khẳng định, quy định cấm bán rượu bia trên internet khó khả thi.

Quy định cấm bán bia, rượu qua mạng internet trong dự thảo mâu thuẫn với luật Thương mại bởi rượu bia là mặt hàng được phép kinh doanh. Hơn nữa, mua rượu qua mạng internet thuận tiện hơn tại cửa hàng, siêu thị. Nếu cấm bán trên mạng thì người dân sẽ lại mua theo cách truyền thống nếu họ có nhu cầu. Vấn đề là, nhìn trên phương diện quyền tiếp cận thương mại điện tử thì việc cấm giao dịch qua mạng như vậy sẽ dẫn đến quyền của công dân ít nhiều bị hạn chế”, bà Thu phân tích.

Vẫn còn nhiều tranh cãi trong Dự thảo Luật phòng chống tác hại của bia, rượu.

Luật sư này cũng phân tích, trên thực tế việc mua bán rượu theo cách truyền thống ở các siêu thị, đại lý quá dễ dàng, khi người tiêu dùng có thể mua rượu ở mọi nơi, mọi lúc thì việc cấm mua bán trên mạng không có tác động nhiều đến thực trạng sử dụng rượu bia.

Xử phạt khó khăn

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, trong trường hợp quy định cấm bán rượu bia trên internet đi vào thực tế thì việc xử phạt vi phạm là rất khó.

“Phát hiện mua bán rượu trên mạng để xử phạt là rất khó. Người tiêu dùng không khó để lách quy định này”, ông Hòa nêu quan điểm.

Ông Hòa cũng khẳng định cách tiếp cận của ban soạn thảo đưa ra các biện pháp hạn chế sản xuất và buôn bán rượu bia là không hợp lý.

“Cách tiếp cận này chẳng những không hạn chế được tình trạng người dân sử dụng đồ uống có cồn mà còn gây ra thiệt hại về quảng cáo, méo mó về thị trường. Giá của nhà sản xuất gia tăng, người tiêu dùng vẫn chịu thiệt, nguy cơ phát sinh, thay vì uống rượu, bia đắt đỏ người dân ở các vùng nông nông chuyến sang uống rượu thủ công, rượu lậu không rõ nguồn gốc còn nguy hiểm đến sức khỏe hơn nhiều”, ông Hòa nói.

Từ đó ông Hòa đề xuất, Dự thảo nên tiếp cận trực diện sử dụng các biện pháp hạn chế uống rượu, bia quá mức. Chẳng hạn, tăng chế tài với người sử dụng rượu bia mà gây tai nạn....

Về phần mình, Luật sư Thu cho rằng luật chỉ nên quy định không bán rượu, bia tại các địa điểm gần trường học trung tâm y tế, địa điểm tôn giáo… chứ không nên quy định cấm bán rượu bia qua mạng internet.

70% rượu trên thị thường do dân tự nấu
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam thuộc 12 quốc gia trên thế giới vẫn còn cho phép người dân tự nấu rượu. Hiện nay, thị trường rượu có khoảng trên 70% là rượu dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và gây thất thu ngân sách.

Theo tính toán của Bộ Y tế, mỗi năm nhà nước thất thu từ rượu không mác nhãn ước tính khoảng 2.000 tỉ đồng. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu Eurmonitor (quy mô thị trường đồ uống có cồn năm 2015), ước tổng thiệt hại từ thị trường bia, rượu trái phép tại Việt Nam ước khoảng 441 triệu USD/năm (hơn 10.000 tỉ đồng).