Cái khó của Trump khi đàm phán thương mại với các đối tác

00:00 12/10/2020

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, Nhật Bản, Đức... ngày càng tăng cao, khiến chính quyền Trump gặp nhiều khó khăn trong đàm phán thương mại với các đối tác này.

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người Mỹ đang tăng mạnh nhờ gói kích thích tài khóa của chính quyền Trump 

Trong 3 quý đầu năm nay, thặng dư thương mại của Trung Quốc, Đức, Nhật Bản với Mỹ đã lên đến 401,7 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng đầu năm nay, sự tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội Mỹ thấp hơn so với sự tăng trưởng của nhu cầu trong nước, khiến quốc gia này phải tăng cường nhập khẩu hàng hóa, làm cho thâm hụt thương mại của Mỹ lớn hơn.

"Trung Quốc, Nhật Bản và Đức nên nghĩ về việc gói kính thích tài khóa của Mỹ có thể kéo dài bao lâu?. Ai biết được, một ngày nào đó, sự chênh lệch nói trên sẽ kết thúc", ông Michael Zezas, Giám đốc chiến lược chính sách công của Mỹ tại Morgan Stanley, cho biết và nhấn mạnh, nếu gói kích thích tài khóa này kết thúc, thì nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Mỹ sẽ giảm. Bởi vậy, trong thời gian trước mắt, nhằm tránh bị áp thuế quan bảo hộ mậu dich, các quốc gia này nên tìm cách cân bằng cán cân thương mại với Mỹ.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, Bắc Kinh, Tokyo và Berlin nên nhanh chóng đưa ra tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ nhiều hơn, đồng thời tăng cường xuất khẩu sản phẩm sang các nước khác để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ nhằm tránh bị Mỹ áp thuế quan bảo hộ mậu dịch.

Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại của Mỹ với Trung Quốc chưa bao giờ là điều dễ dàng, như những gì Nga và Ấn Độ và Mỹ đã trải qua. Do đó, ông Michael nhận định, thị trường nên giảm sự kỳ vọng vào việc Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ giải quyết bất đồng thương mại bên lề cuộc họp G-20 tại Buenos Aires, Argentina, bắt đầu từ ngày 30 tháng 11 tới.

Ông Michael cho biết, Trung Quốc không vội vàng và nhiều khả năng sẽ không lao vào một thỏa thuận thương mại với Mỹ sau nhiều vòng đàm phán không thành công. Bắc Kinh dường như tin rằng họ có thể đối phó với chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ, và gây thiệt hại về chính trị, kinh tế đáng kể cho chính quyền Trump.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Tổng thống Trump đã đúng khi bắt đầu đạt được thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico. Trong đó, ông Lanhee Chen, một chuyên gia nghiên cứu tại Hoover Institution nhận định: "Tổng thống Mỹ có đòn bẩy và đã sử dụng nó một cách hợp lý. Động thái tiếp theo của ông Trump là nên làm điều tương tự với Đức và Nhật Bản. Cơ hội đàm phán lại thỏa thuận thương mại với hai đồng minh thân cận này là rất cao".

Nếu đạt được thỏa thuận thương mại với Đức và Nhật Bản, thì Tổng thống Trump sẽ khiến Trung Quốc phải nhượng bộ trong đàm phán thương mại với Mỹ.

Nhưng điều trớ trêu là Mỹ có thể không còn cơ hội đạt được thỏa thuận thương mại dễ dàng với Đức và Nhật Bản nữa. Bởi thâm hụt thương mại của Mỹ với 2 quốc gia này dự kiến sẽ gia tăng mạnh trong quý 4 khi các nhà bán lẻ Mỹ đẩy mạnh mua hàng hóa từ Đức và Nhật để đáp ứng nhu cầu cuối năm trong bối cảnh chính quyền Trump áp thuế quan cao với hàng hóa Trung Quốc.

Cẩm Anh