Cải cách môi trường kinh doanh: Thách thức lớn nhất là thời gian

00:00 12/10/2020

Tại Diễn đàn phát triển DN 2018 được tổ chức ngày 19/6, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thách thức lớn nhất của việc cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay là thời gian và sự đột phá.

Nếu chỉ cải thiện mà không có được cải cách tạo ra đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh thì sẽ chậm thành công. Ảnh minh họa: Lã Dịu.

Theo ông Phan Đức Hiếu, trọng tâm của cải cách là xóa bỏ điều kiện kinh doanh, nhưng chuyên gia này băn khoăn vì không biết đến lúc nào mới hoàn thành mục tiêu này. 

Ông Phan Đức Hiếu cho biết, tháng 8/2017 Nghị quyết 98 lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành bãi bỏ và cắt giảm từ 30 – 50% tổng số điều kiện kinh doanh. 


Tuy nhiên, vào tháng 1/2018, Bộ đầu tiên và duy nhất hoàn thành việc này lần thứ nhất là Bộ Công Thương, với việc cắt bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý. Còn lại, hiện các bộ khác vẫn đang trong quá trình rà soát, xây dựng phương án, hoặc xây dựng dự thảo các văn bản ở cấp Nghị định.

Điều khiến chuyên gia này lo ngại là các điều kiện kinh doanh không chỉ nằm ở Nghị định mà còn được quy định trong các luật, mà muốn sửa luật thì không thể tính theo tháng, mà phải tính bằng vài năm.

Cho rằng, nếu làm tốt với một nỗ lực cao nhất thì hoàn thành việc này trong vòng 2 năm tới cũng là một thành công lớn, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh thách thức lớn nhất trong cải cách thể chế và xóa bỏ các rào cản kinh doanh là thời gian. 

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, chúng ta mới dừng ở rỡ bỏ rào cản, trong khi đó với các nước khác thì cải cách là tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất và có những chính sách thúc đẩy phát triển. 

“Ta mới dừng ở gỡ rào, trong khi sự rủi ro pháp lý là vấn đề lớn của DN, DN không thể phát triển kinh doanh dài hạn nếu luôn gặp rủi ro pháp lý. Đặc biệt, bên cạnh đó, sự an toàn trong kinh doanh còn phải là bảo vệ quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, động lực của phát triển đó chính là chính sách cạnh tranh”, ông Hiếu nhấn mạnh. 

Lấy dẫn chứng sự thành công của Luật Doanh nghiệp năm 2000 với đột phá trong giảm chi phí cũng như rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký thành lập DN xuống còn 15 ngày, theo đó số lượng DN thành lập mới tương đương với 10 năm trước đó, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, nếu không có cải cách đột phá thì không thể tạo đà cho sự thúc đẩy phát triển.

Khẳng định môi trường kinh doanh của Việt Nam có cải thiện và cải thiện dần dần, nhưng ông Hiếu cho rằng, trong bổi cảnh này nếu chỉ cải thiện mà không có được cải cách tạo ra đột phá thì sẽ chậm thành công. Cải cách đột phá có ý nghĩa vô cùng quan trọng, muốn phát triển phải có cải cách đột phá. 

H.Anh