Các quốc gia phát triển và quản lý thủy điện như thế nào?

00:00 12/10/2020

Thủy điện đã và đang trở thành một phần tất yếu của mọi quốc gia trên thế giới, dù là quốc gia phát triển hay đang phát triển. Quản lý và xây dựng thủy điện là mục tiêu cũng như định hướng lâu dài trong phát triển đất nước và cần được chú trọng. Sự cố vỡ đập tại Lào gần đây gây thiệt hại khôn lường, trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh các quốc gia khác xem xét việc quản lý thủy điện sao cho có hiệu quả và hạn chế rủi ro ở mức cao nhất. Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia, vấn đề phát triển và quản lý thủy điện cũng khác nhau. Vì vậy, cần tìm ra phương thức quản lý thủy điện một cách tốt nhất.

Trung Quốc

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thủy lợi và công trình xây dựng các đập thủy điện, Trung Quốc hiện đã bước vào thời kì phát triển dòng chảy lưu vực sông, dẫn đến sự gia tăng đáng kể của thủy điện quy mô lớn và xây dựng đập thủy điện. Tuy nhiên cũng do quy mô lớn, tình hình địa lý và khí hậu biến đổi phức tạp, điều kiện giao thông khó khăn nên việc quản lý xây dựng đập thủy điện quy mô lớn tại nước này  đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Trước tình hình này, Trung Quốc nhanh chóng đi vào thực hiện một số giải pháp quản lý thủy điện như: phương pháp quản lý tổng hợp meta cho các dự án thủy điện quy mô lớn; các phương pháp và thuật toán mô hình phát triển được áp dụng và triển khai trong một số dự án xây dựng thủy điện; nguyên tắc tối ưu hóa phân bổ tài nguyên nước, đặc biệt là tối ưu hóa hai cấp phân bổ tài nguyên nước khu vực và lập kế hoạch cho vùng đất ngập nước. Các chính sách kiểm soát vĩ mô và nguyên tắc cơ bản cho khu vực tưới tiêu cũng được xây dựng, tối ưu hóa phân bổ nguồn nước cho 1.500 ha đất nông nghiệp, 50 doanh nghiệp quy mô lớn và 300 nghìn người sử dụng. Kết quả thu được là sử dụng bền vững khu vực thủy lợi của hồ Sancha và đạt được những lợi ích kinh tế và xã hội đáng kể. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ thúc đẩy hơn nữa các cải tiến về quản lý kĩ thuật thủy lợi là xây dựng thủy điện, mở đường cho sự phát triển tích hợp, hệ thống hóa và quản lý hiện đại.

Tuy nhiên, xem xét tác động của các dự án thủy điện lớn lên đất, nước, thảm thực vật, sinh vật, khí hậu và hoạt động của con người, một số dự án thủy điện quy mô lớn không có lợi cho môi trường… cho thấy thủy điện lớn không thuận lợi cho phát triển bền vững. Từ kinh nghiệm đó, xu hướng phát triển thủy điện nhỏ được cho là giải pháp tích cực.

Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chính sách “tự xây dựng, tự quản lý và tự sở hữu” thúc đẩy mạnh mẽ phát triển thủy điện nhỏ. Các công trình này được cho là không ảnh hưởng đến môi trường và hoàn toàn có thể khắc phục được những vấn đề của các nhà máy thủy điện lớn như gây ngập lụt, thiệt hại cho hệ sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực đến đất, tăng khí thải mê tan… Việc quản lý thủy điện nhỏ cũng thuận lợi hơn, có thể dễ dàng kiểm soát các diễn biến, ảnh hưởng; kịp thời giải quyết vấn đềnảy sinh một cách nhanh chóng.

Campuchia

Thủy điện Campuchia có đặc điểm là mạng lưới sông rộng lớn và tiếp giáp với nhiều quốc gia. Hiện nay các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Lào đã xây dựng số lượng khá lớn các nhà máy thủy điện trên các nhánh của dòng Mê kông, điều này ảnh hưởng lớn tới Campuchia. Xuất phát từ điều kiện địa lý như vậy, kinh nghiệm quản lý của Campuchia chính là hợp tác, nghiên cứu và tìm ra các giải pháp mới.

Hội thảo Powering được tổ chức bởi Bộ Tài nguyên mỏ và Năng lượng (MME) và Tổng Công ty Điện lực (GE) vào ngày 22 tháng 11 năm 2017 đã thu hút các bên liên quan trong ngành, bao gồm các quan chức chính phủ, các nhà lãnh đạo kinh doanh và điện lực, các nhà đầu tư và các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới nhằm nghiên cứu các giải pháp thay thế năng lượng và các công nghệ mới, giúp Campuchia quản lý thủy điện tốt hơn trong mùa khô, nóng từ tháng 3 đến tháng 5. Để giúp đấtnước cân bằng lại trạng thái kết hợp năng lượng, các nhà máy than sẽ giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào điện do thủy điện tạo ra và từ đó giảm tác động của điều kiện thời tiết khô hạn cũng như giảm thiểu áp lực cho thủy điện.

Bên cạnh đó, vì phải chia sẻ sông Mê kông với các quốc gia khác, Campuchia bắt tay vào một chiến dịch xây dựng thủy điện hợp tác với Trung Quốc. Nhà máy thủy điện Sesan II tại vùng hạ lưu con đập lớn nhất hiện nay, hoạt động từ tháng 11 năm 2017 trên sông Sesan - một nhánh sông Mê kông ở Đông bắc Campuchia. Chính phủ hy vọng các dự án đập mới sẽ không chỉ giúp người dân tiếp cận với năng lượng rẻ hơn mà còn tạo được nguồn cung điện dư thừa có thể bán được.

Tuy nhiên tất cả các hoạt động xây dựng thủy điện đều gây ra ảnh hưởng tới con người và hệ sinh thái xung   quanh. Đập Sambor trên sông cả của dòng Mê kông gần đây cũng bị rò rỉ. Vào tháng 5/2018, trong báo cáo đánh giá của Chính phủ Campuchia đã kết luận về tác động của con đập này có thể ‘giết chết’ dòng sông. Qua đây, Campuchia cần tiếp tục nỗ lực trong công tác quản lý thủy điện để đạt được sự ổn định.

Thái Lan

Về vấn đề quản lý thủy điện ở Thái Lan, quốc gia này vẫn luôn cố gắng điều chỉnh lượng nước và kiểm soát các đập nước và là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội, nhằm giữ nước trong mùa mưa và cung cấp nước vào mùa khô. Năm 2011, Thái Lan có 682 đập trên toàn khu vực, trong đó có 33 đập lớn; 463 đập với dung lượng trung bình và 4262 hồ chứa nhỏ. Hai cơ quan chịu trách nhiệm quản lý đập là Cục Thủy lợi Hoàng gia và Cơ quan phát điện Thái Lan. Tuy các đập lớn tại đây đã mang lại kết quả khả quan trong việc cung cấp cách thức quản lý hiện đại, đa dạng tài nguyên nước, nhưng vẫn luôn tồn tại một kẽ hở về khả năng quản lý kém, có thể gây hại ngang bằng hoặc nhiều hơn cả thiên tai.

Cơn lũ kinh hoàng nhất trong lịch sử Thái Lan hiện đại năm 2011 đã chứng minh điều này. Mặc dù phía chính phủ cho rằng lũ lụt là do lượng mưa lớn và các cơn bão nhiệt đới khác khác nhau nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã chỉ ra nguyên nhân quản lý kém là do ảnh hưởng chính trị và cạnh tranh trong quản lý thủy lợi và quản lý nước; sự thiếu hợp tác nội bộ chính quyền, giữa các cơ quan chức trách khác nhau dẫn đến việc xử lý, quản lý sai các đập và làm trầm trọng thêm hậu quả.

Có thể thấy, Thái Lan gặp vấn đề từ bên trong trong việc quản lý thủy điện. Quốc gia này đã đi đến quyết định tăng cường xã hội dân sự và môi trường chính trị cởi mở hơn, cung cấp nền tảng thảo luận cộng đồng đã được nêu rõ trong hiến pháp năm 1997. Bất kì sự phát triển của dự án nào ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương sẽ phải được tư vấn công khai. Điều này không chỉ giúp các cơ quan giải quyết vấn đề cởi mở hơn mà còn buộc các đơn vị phối hợp chặt chẽ với nhau để có thể đi đến quyết định cùng với nhân dân trong các vấn đề thủy điện.

Malaysia

Cũng như bao quốc gia khác, thủy điện đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với  Malaysia trong mọi mặt về khí hậu, năng lượng… Tuy nhiên, vấn đề thủy điện của Malaysia có khác biệt hơn. Nếu như các quốc gia khác cần quản lý sao cho có thể tiết giảm hoặc giữ vững ổn định thì mục tiêu của Malaysia là làm sao tăng năng suất, có thể cung cấp điện rẻ hơn cho các doanh nghiệp và người dân trước nhu cầu ngày càng tăng.

Năm 2009, Chính phủ Malaysia đã thiết lập chương trình Sarawak Corridor of Engergy (SCORE), nhằm tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng hóa nền kinh tế của mình bằng cách cung cấp điện năng giá rẻ đáng tin cậy cho các cơ sở sản xuất.  SCORE tìm cách tận dụng 51 địa điểm thủy điện tiềm năng mà chính phủ đã xác định có thể cung cấp khoảng 20 GW công suất. Trong những năm gần đây, nhà máy Bakundo do Công ty Sarawak Hidro phát triển trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất của Malaysia. Công ty Sarawak energy cũng đã nhận được sự chấp thuận của chính phủ tiểu bang cho dự án Baleh 1285 MW vào năm 2016, và có một số dự án thủy điện khác có thể cung cấp thêm 4GW công suất mới.

Dự đoán vào năm 2020, 60% sản lượng điện của Sarawak có nguồn gốc từ thủy điện, tăng từ 35% trong năm 2012. Tenga Nasional Berhad (TSB) – công ty điện lực duy nhất ở bán đảo Ma-lay-si-a cũng hoàn thành xây dựng hai nhà máy tại đây và dự án Ulu Jelai 382 MW ở bang Pahang. Cùng với đó, 1700 MW tăng thêm cho các dự án thủy điện cũng ở giai đoạn lập kế hoạch.

Ấn Độ

Ấn Độ là quốc gia có tiềm năng thủy điện rất lớn. Tổng tiềm năng thủy điện được đánh giá khoảng 1,48,701 MW, với khả năng tạo ra khoảng 600 tỷ đơn vị hàng năm bao gồm biến đổi năng lượng theo mùa. Để giữ vững và đi sâu khai thác tiềm năng này, đòi hỏi khả năng quản lý cao và không ngừng cập nhật công nghệ quản lý. Ngay trước khi sự cố vỡ đập ở Lào xảy ra, Ấn Độ đã đưa ra cách thức quản lý an toàn thủy điện đáng để xem xét.

Ấn Độ đã cho ra mắt phiên bản phần mềm mới nhất của công cụ Dam Health and Rehabilitation Monitoring Application (DHARMA) và giới thiệu 7 nguyên tắc an toàn cho đập thủy điện mới nhằm giúp quốc gia tập trung vào khôi phục đập bằng các phương pháp đa dạng.

Bảy nguyên tắc hướng dẫn an toàn đập mới được ra mắt trong khuôn khổ của dự án phục hồi và nâng cao đập thủy điện (DRIP), được thiết kế để phục hồi và cải thiện khoảng 250 đập. Chương trình cũng được thiết kế để tăng cường quản lý thể chế và dự án trong Ủy ban nước Trung ương (CWC) và các cơ quan thực hiện khác.

Theo CWC, DHARMA là phần mềm dựa trên web được phát triển từ DRIP. Phần mềm này được thiết kế tùy chỉnh nhằm nâng cao năng lực cá nhân và tổ chức trên toàn Ấn Độ để quản lý đập thủy điện một cách khoa học và chuyên nghiệp, duy trì tưới tiêu và cấp nước, kiểm soát lũ lụt, thủy điện và ngăn thiên tai. DHARMA sẽ giải quyết bốn thách thức chính, đó là: đưa các bên liên quan hợp tác chặt chẽ với nhau (chủ sở hữu đập, nhà điều hành, như tư vấn, nhà thầu và nhà cung cấp); đảm bảo thông tin đập được thu thập, cập nhật hoàn tất; đánh giá định kỳ đập và cung cấp nền tảng thu thập, quản lý dữ liệu hoàn chỉnh.

Lê Thu dịch