Các quán quân “nhí” đã sống như thế nào sau một thời nổi danh?

00:00 12/10/2020

Nhiều người cho rằng, truyền hình thực tế là đòn bẩy cho người lớn bước vào cuộc chơi showbiz và mang lại vinh quang cho trẻ em. Thực tế “vinh quang” mà nhiều người nói chỉ “loé” lên trong một thời khắc ngắn ngủi rồi cũng nhanh chóng tan biến.

Quán quân biến mất khi cuộc chơi kết thúc Bằng chứng là rất nhiều quán quân nhí bước ra từ các chương trình truyền hình thực tế đã “biến mất” rất nhanh sau những ồn ào mang tính “thời cuộc”. Đã lâu lắm rồi, những cái tên: Quang Anh, Hồng Minh, Thiện Nhân - The Voice Kid; Đức Vĩnh, Trọng Nhân – Vietnam’s Got Talent; Bảo Trâm, Anh Thư, Trí Dũng, Thu An - Đồ Rê Mí; Vy Khanh, Linh Hoa - Bước nhảy hoàn vũ nhí… dường như không xuất hiện trên báo chí và càng thưa vắng ở các sự kiện âm nhạc hoặc dance sport. Câu hỏi đặt ra là “Bây giờ các quán quân nhí đang ở đâu?” và “Trở thành quán quân để làm gì?”. Khi đăng quang quán quân - The Voice Kid mùa đầu tiên, cái tên Quang Anh xuất hiện liên tục trên mặt báo. Cậu không chỉ được nhắc đến với tư cách là người thắng cuộc mà còn được nhắc đến bên cạnh tên của Phương Mỹ Chi. Tuy nhiên, sau những ồn ào “thời cuộc” đó, cái tên Quang Anh “nguội dần” và rồi cũng biến mất theo “quy luật”.

thi-mau-duc-vinh

"Thị Mầu" Đức Vĩnh trong giây phút đăng quang Vietnam's Got Talent năm ngoái”

Chị Lê Thị Nghĩa - mẹ của Quang Anh cho biết, hiện Quang Anh đang vừa học khoa Trống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, vừa theo học văn hoá. Việc học khoa Trống là theo sự tư vấn của vợ chồng nhạc sĩ Hồ Hoài Anh - Lưu Hương Giang để nhắm đến hình ảnh nghệ sĩ đa năng và chờ qua thời kỳ vỡ giọng mới học thanh nhạc. Thời điểm này Quang Anh vừa bước vào tuổi 15 tuổi, đang bị vỡ giọng nên rất ít khi đi diễn, chủ yếu đi diễn từ thiện ở chùa hoặc sinh hoạt văn nghệ vui vui. Hai mẹ con Quang Anh hiện vẫn thuê nhà ở trong ngõ 126 Hào Nam - Hà Nội. Mẹ phụ giúp bán đồ ăn sáng với chủ nhà để lấy tiền trang trải cuộc sống, còn Quang Anh mỗi tháng được nhận được 3 triệu tiền học bổng từ đơn vị sản xuất chương trình. Mẹ của quán quân Đức Vĩnh cũng cho biết, sau khi đăng quang, Đức Vĩnh nhận được rất nhiều lời mời từ các công ty truyền thông - giải trí và các trường nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Họ sẵn sàng đài thọ học phí và ăn ở cho cậu bé đến khi 18 tuổi. Thậm chí, có công ty còn lên hẳn lộ trình “lăng xê” cho cậu bé thành sao ngay sau khi học xong phổ thông. Tuy nhiên, gia đình muốn Đức Vĩnh chuyên tâm vào học tập văn hoá nên đã từ chối mọi lời mời. Năm nay, Đức Vĩnh học lớp 4, mỗi ngày cậu vẫn đều đặn đến trường ngày hai buổi. Theo lời của mẹ Đức Vĩnh thì đến giờ cậu vẫn chưa thực sự ý thức được khái niệm “nổi tiếng”. Vì lẽ đó, cậu dành phần lớn thời gian cho việc học và thỉnh thoảng lại luyện tập các vở chèo, tuồng hoặc bài hát chầu văn. Vì muốn con có nhiều thời gian cho học tập nên gia đình cũng chỉ nhận cho Vĩnh đi diễn vào cuối tuần. “Lúc mới đăng quang thì tuần nào cũng có người mời đi diễn nhưng bây giờ thưa dần rồi. Bây giờ một tháng chỉ vài ba lời mời là cùng. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ cho cháu đi diễn vài buổi thôi vì sợ ảnh hưởng đến việc học của cháu”, chị Nghĩa nói.

quang-anh

Quang Anh thời mới đăng quang và lúc bước vào tuổi 15. Ảnh: TL. Không riêng gì Quang Anh và Đức Vĩnh, các quán quân khác như: Thiện Nhân, Hồng Minh, Trí Dũng, Anh Thư, Thu An… cũng đang “vùi” đầu vào việc học. Và những vinh quang của ngày hôm qua đều đã nguội lạnh và biến mất dần. Hiện Thiện Nhân đang học lớp 7 ở một trường thuộc quận Phú Nhuận, TP HCM. Cô bé Hồng Minh - người được ví như “viên ngọc” của làng âm nhạc nhí cũng đang theo học lớp 5 trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, TP. Đà Nẵng. Ngoài thời gian học, Hồng Minh học thêm đàn tranh, piano... Cô bé ít xuất hiện tại các chương trình âm nhạc vì sợ ảnh hưởng đến việc học và việc đi diễn cũng không phải là điều mà gia đình cô hướng tới. Trong số các tên tuổi nhí bước ra từ các cuộc thi truyền hình thực tế, người vẫn duy trì được tên tuổi trên truyền thông và xuất hiện thường xuyên trong các sự kiện của showbiz là Phương Mỹ Chi. “Cô bé dân ca” dù đang học lớp 6 ở một trường quốc tế tại TP.HCM nhưng vẫn đi diễn khá nhiều. Trở thành quán quân để làm gì? Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ông bố bà mẹ hoặc đứa trẻ nào cũng trả lời được. Nhiều người thậm chí sau khi cho con tham gia truyền hình thực tế, cùng con đương đầu với bao nhiêu khó khăn, áp lực và khổ ải mới chạm tay được tới chiến thắng nhưng khi chiến thắng rồi, trở lại với cuộc sống không khác trước là mấy vẫn không thể nào trả lời được câu hỏi “trở thành quán quân để làm gì?” duc-vinh

Đức Vĩnh vẫn là một cậu bé lớp 4 sống với gia đình ở Bắc Ninh sau khi được tung hô là "thần đồng". Ảnh: TL.

Ca sĩ Thái Thuỳ Linh phân tích rằng, không phải cha mẹ nào cho con tham gia các chương trình truyền hình thực tế cũng mong muốn con phải chiến thắng bằng mọi giá hoặc có chiến thắng thì phải theo bằng được con đường chuyên nghiệp. Vì lẽ đó, khi các em nhỏ nỗ lực vượt qua những áp lực và khổ luyện để chạm tay tới ngôi vị cao nhất thì cũng không ảnh hưởng lắm đến con đường mà gia đình em đã định hướng trước đó. Đa phần trường hợp này thường xem “cuộc chơi” đó là cơ hội để con em mình được trải nghiệm, được va vấp và được thoả mãn đam mê. Bên cạnh đó cũng có một số ít các trường hợp xem việc cho con em mình tham gia chương trình truyền hình thực tế và cố gắng bằng mọi cách chạm tay tới ngôi vị cao nhất để tìm kiếm một cơ hội đổi đời. Trường hợp này dù không phổ biến nhưng nó vẫn tồn tại trong một số cuộc thi trên truyền hình. “Điều mà chúng ta băn khoăn đó là vì sao các quán quân nhí đang như những “mầm”, “chồi” rất tốt tự nhiên biến mất. Nhiều người nghĩ các em không thể toả sáng được nhưng chỉ có gia đình hoặc những người xung quanh các em mới biết dù các em không bước lên sân khấu nhưng vẫn đang kiên trì đi theo con đường mà gia đình đã lựa chọn từ trước. Đó là tiếp tục học văn hoá và vẫn học nghệ thuật nhưng không “ham hố” kiếm tiền hoặc đặt ra mục tiêu phải có mặt ở chương trình này, có mặt ở chương trình kia. Minh chứng rõ nhất cho điều tôi nói là bé Anh Thư - quán quân Đồ Rê Mí hay tài năng âm nhạc Bảo Trân (cũng từng tham gia Đồ Rê Mí)”, Thái Thuỳ Linh nói. Theo nữ ca sĩ này, chị rất đồng cảm với các gia đình có con là các tài năng nhí vì ở Việt Nam chưa có những học viện hoặc đơn vị đủ chất lượng để giúp các em vừa có thể nâng cao tài năng các em sẵn có, vừa có thể xuất hiện ở những sân chơi lớn hơn để phát huy tài năng của mình. PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam cho rằng, trẻ em Việt Nam rất thiệt thòi khi không những không được bảo vệ một cách đúng mực khi tham gia các chương trình truyền hình thực tế mà ngay cả khi đăng quang cũng không được phát huy hết tài năng. Đa phần các quán quân nhí sau khi đăng quang đều quay trở lại với việc học và những nỗ lực khổ luyện của các em trong cuộc chơi vừa trải qua (ở góc độ nào đó) coi như không có tác dụng gì.

hong-minh

Quán quân The Voice Kid 2014 bây giờ là cô bé ngày 2 buổi đến trường và học đàn sau mỗi giờ học. Ảnh: TL.

Theo PGS Huỳnh Văn Sơn thì showbiz Việt đang thiếu một môi trường chuyên nghiệp dành cho các tài năng nhí. “Theo tôi, tài năng là thứ cần phải được rèn dũa, bồi đắp và phát triển. Trẻ em Việt Nam mới chỉ được bồi đắp mà chưa có nhiều cơ hội để phát triển. Việt Nam thiếu những môi trường để các tài năng nhí khi rời khỏi môi trường gameshow vẫn có thể tiếp tục được toả sáng đặt bên cạnh việc học tập. Rất đau lòng khi nhiều tài năng đáng lẽ có thể vươn lên một đỉnh cao nào đó nhưng vì không có môi trường nên đành để tài năng tàn lụi. Có nhiều tài năng lại phải phát triển “lệch hướng” cũng vì điều kiện thực tế không cho phép”, PGS Sơn nói. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, suy cho cùng, tài năng nhí ở Việt Nam vẫn mới chỉ đang loay hoay với “bệ phóng nửa vời” mang tên truyền hình thực tế, thứ công cụ chỉ giúp đám trẻ lơ lửng trên không chút ít trước khi rơi xuống đất. Vì lẽ đó, nhạc sĩ Thanh Bùi - người từng làm giám khảo The Voice Kid mùa đầu tiên khuyên không nên cho con tham gia truyền hình thực tế âu cũng là dễ hiểu.

(theo dantri)