Các phương thức nhằm tăng chỉ số an toàn về môi trường, BHLĐ

00:00 12/10/2020

Nhân lực sẽ là nguồn lực quan trọng khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do. Nhằm trang bị các kiến thức về lĩnh vực này, trong buổi hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện quan hệ lao động” ngày 12/4/2016, tại TP.HCM, do Đại sứ quán Thụy Điển và VCCI tổ chức, đại diện của chính quyền, doanh nghiệp đã chia sẻ các phương thức nhằm tăng chỉ số an toàn về môi trường và bảo hộ lao động.

ong-vo-tan-thanh

Theo bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam: “Người tiêu dùng ngày càng có ý thức rõ hơn về việc các sản phẩm họ mua đã được sản xuất trong điều kiện môi trường và lao động như thế nào. Nhận thức cao của người tiêu dùng sẽ tạo ra áp lực đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, trong việc tăng cường những nỗ lực để triển khai hoạt động đúng tiêu chuẩn CSR quốc tế nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường”.

Bên cạnh đó, ông Võ Tân Thành, Phó Giám Đốc VCCI, cho biết: “Các Hiệp định Thương mại thế hệ mới như Việt Nam – EUFTA hay TPP… tạo điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển mở rộng thị trường và tìm kiếm bạn hàng. Tuy nhiên các điều khoản phi thương mại như các điều khoản về lao động, môi trường cũng đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực chú trọng nhiều hơn hơn trong việc thực thi, tuân thủ, cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm thỏa mãn yêu cầu quy định trong nội dung các FTA và xa hơn nữa là đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung”.

Ông Jaroslaw Kielak, Giám đốc mua hàng của IKEA, trình bày quan điểm của nhà mua hàng, cho biết: Yêu cầu của các nhà mua hàng không chỉ nằm ở chất lượng hàng hóa mà còn ở chỉ tiêu môi trường, xử lý chất thải, sức khỏe người lao động….

Theo đại diện Saigon Garment: “Hiện nay, công ty ý thức rằng sắp tới việc lợi thế giá rẻ và gia công sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia như Campuchia, Lào… Công ty hướng đến cạnh tranh bằng chất lượng và giữ chân người lao động giỏi tay nghề bằng chú trọng vào các phúc lợi và bảo hộ lao động.

Trên phương diện một của một doanh nghiệpViệt, đại diện Saigon Garment đã trình bày các phương pháp bảo vệ sức khỏe người lao động như: Trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động, phương pháp phòng cháy chữa cháy, sử dụng hệ thống bếp riêng, sử dụng hệ thống nước lọc đủ tiêu chuẩn, sử dụng phòng y tế ngay tại xưởng. Bên cạnh đó, an toàn cho khách hàng cũng được đặt lên hàng đầu như sử dụng máy dò kim cho sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc chương trình Better Work Việt Nam, cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của công ty trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua tuân thủ lao động. Bà cho biết: “Hiện có nhiều mô hình dịch vụ cải tiến mới và các chính sách công khai nhằm tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới cung cấp các sản phẩm may mặc và da giày “có nguồn gốc an toàn”.

Trước xu thế hội nhập sâu rộng của kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới, đặc biệt khi các Hiệp định Thương mại Tự do song phương và đa phương có hiệu lực thì các phương thức nhằm tăng chỉ số an toàn về môi trường, bảo hộ lao động trong công nghiệp không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Bài và ảnh: Anh Đức (Văn phòng Đại diện phía Nam)