Các ông lớn công nghệ sẽ bị chính phủ Mỹ điều tra những gì

00:00 12/10/2020

Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) sẽ xem xét liệu Facebook, Google, Apple, Amazon... có vi phạm luật chống độc quyền và vi phạm cụ thể ở những hoạt động nào.

DOJ được cho là đang điều tra xem các nền tảng trực tuyến liên quan tới "tìm kiếm, mạng xã hội và một số dịch vụ bán lẻ online" có phạm luật cạnh tranh và gây hại cho người dùng. Dù không đề cập cụ thể, giới phân tích cho rằng những cái tên mà DOJ đang nhắm tới là Facebook, Apple, Google và Amazon.

Ảnh: Reuters.

Ảnh: Reuters.

Reuters chỉ ra những hành vi sẽ bị tập trung điều tra của các công ty này:

Google

Bộ Tư pháp Mỹ dự kiến tập trung vào các cáo buộc rằng Google gây tổn hại cho đối thủ cạnh tranh khi ưu tiên hiển thị dịch vụ, sản phẩm do chính Google phát triển trong các kết quả tìm kiếm. Bên cạnh đó, hãng Internet Mỹ cũng bị kiểm tra toàn bộ hoạt động kinh doanh, trong đó có hoạt động quảng cáo và nền tảng di động Android.

Google cũng đối mặt với những chỉ trích khi lợi dụng sự thống trị trong mảng quảng cáo trực tuyến. Liên minh châu Âu EU cũng từng phạt Google 5 tỷ USD năm 2018, yêu cầu hãng ngừng sử dụng nền tảng Android để ngăn chặn đối thủ cạnh tranh. Các nhà chức trách châu Âu cho rằng Google đã có hành vi trái phép như ép các hãng sản xuất thiết bị Android phải cài sẵn một loạt ứng dụng của Google trên máy và không được cài trước ứng dụng của đối thủ. Google hứa hẹn trên blog rằng sẽ đảm bảo người dùng Android biết họ có các lựa chọn ứng dụng khác để download về máy.

Ngoài ra, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ phê phán Google và các công ty công nghệ "lợi dụng quyền lực của mình để kiểm duyệt và thiên vị trong các nội dung mang tính chính trị".

Facebook

Facebook cũng đối mặt với không ít cáo buộc độc quyền khi mà họ đang sở hữu tới 2,41 tỷ người dùng hàng tháng, tương đương một phần ba dân số thế giới.

Năm 2012, Facebook mua ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram - một trong những đối thủ của Facebook lúc đó. Tới 2014, họ mua tiếp một đối thủ khác là nền tảng nhắn tin WhatsApp. Hồi tháng 5, Chris Hughes, đồng sáng lập Facebook, cho rằng mạng xã hội này đang vượt quá tầm kiểm soát của Mark Zuckerberg và đã đến lúc cần tách nhỏ Facebook, Instagram và WhatsApp để dễ quản lý hơn.

Facebook cũng bị tố sao chép lộ liễu tính năng Stories của đối thủ Snapchat.

Amazon

Ở Mỹ, một nửa số giao dịch mua sắm trực tuyến diễn ra trên Amazon. Hệ thống thương mại điện tử này bị cáo buộc chèn ép các nhà bán hàng bên thứ ba trên nền tảng. Những người này phải trả tiền quảng cáo để cạnh tranh với các đại lý bên thứ nhất hoặc với các mặt hàng được dán nhãn của riêng Amazon.

Trước đó, Liên minh châu Âu cũng mở cuộc điều tra trước nghi vấn Amazon lưu trữ và sử dụng dữ liệu của các công ty kinh doanh trên nền tảng của họ nhằm tìm hiểu thông tin khách hàng, từ đó tạo ra những sản phẩm cạnh tranh.

Apple

Thông tin về cuộc điều tra chống độc quyền của chính phủ Mỹ đối với các hãng công nghệ đã xuất hiện từ tháng 6 và khi đó, Tim Cook, CEO Apple cho rằng họ không độc quyền vì thị phần của hãng rất khiêm tốn, không thống trị ở bất cứ thị trường nào.

Tuy nhiên, "sự độc quyền" ở đây không nhất thiết phải gắn với doanh số iPhone. Tháng trước, hai nhà phát triển iOS nộp đơn lên tòa án San Jose, California (Mỹ) tố Apple chèn ép trong việc phân phối và thu phí ứng dụng. Để ứng dụng của mình được duyệt lên kho, nhà phát triển phải trả phí 99 USD hàng năm và chia sẻ 30% doanh thu ứng dụng cho Apple.

Liên minh châu Âu cũng nhận được đơn khiếu nại của dịch vụ âm nhạc Spotify về việc Apple thu của các nhà phát triển ứng dụng 30% doanh thu. Spotify buộc phải nâng giá dịch vụ của họ trên App Store để đảm bảo lợi nhuận, đồng nghĩa phí thuê bao đắt hơn của Apple Music trên kho ứng dụng này.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusett (Mỹ) cho rằng Apple không nên mở ra một cái chợ (ý nói App Store) rồi tự họ lại bán các mặt hàng của mình trên đó.

Châu An