Các nhóm vấn đề trả lời chất vấn Quốc hội của 3 bộ trưởng

00:00 12/10/2020

Ngày 4/6, Quốc hội khoá XIV bắt đầu hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Trong này đầu tiên, 3 bộ trưởng Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động thương binh và Xã hội cùng một số bộ ngành liên quan đã trả lời các phiên chất vấn.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể mở màn phiên chất vấn, trả lời về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Người đứng đầu Bộ GTVT cũng sẽ nói về giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng GTVT có thêm một giờ (từ 14h đến 15h) trả lời. 

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể 

Qua chất vấn và ý kiến của các vị ĐB Quốc hội cho thấy vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, chất lượng công trình giao thông của nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, mất cân đối trong đầu tư. Phát triển các loại hình giao thông hiện nay đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển. Nhiều công trình chậm tiến độ, ùn, tổng mức đầu tư tăng và có thể nói rằng chất lượng đào tạo lái xe, ý thức tham gia của người dân vẫn còn kém nên tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng. Ùn tắc giao thông ở các TP lớn ngày càng bức xúc. Việc đầu tư các dự án BOT đường bộ trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót nhưng chưa được xử lý một cách căn bản, gây phản ứng trong dư luận và xã hội.

"Tư lệnh" ngành GTVT đã thẳng thắn và liên tục nhận trách nhiệm với những tồn tại, hạn chế của ngành. Đồng thời có những cam kết, khẳng định sẽ tìm giải pháp hạn chế những sự vụ đã xảy ra trong thời gian vừa qua trong phạm vi ngành quản lý và chịu trách nhiệm.

Tiếp đó, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo. Bộ trưởng TN&MT  chịu trách nhiệm trả lời các nội dung: vấn đ sốt đất ở các đô thị, đặc biệt ở các dự án 3 đặc khu; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thực tế vấn đề sốt đất là đương nhiên, nhưng vấn đề chủ yếu, nghiêm trọng, đó là chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép. Hoạt động này giao dịch ngầm và không đúng pháp luật. Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, theo ông Trần Hồng Hà, việc đưa ra những nội dung trong chỉ thị (tạm dừng các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất) là đúng đắn. Song, hình thức ra chỉ thị không phù hợp với pháp luật hiện nay.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

Về vấn đề ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ đã tham mưu Chính phủ kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường không khí, qua đó sẽ biết nguồn ô nhiễm ở đâu, khi nào. “Tình hình ô nhiễm không khí hiện có song chưa đáng quan ngại như ĐB phản ánh”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Ngày 5/6, "tư lệnh" ngành TN&MT có thêm 2,5 tiếng (từ 8h đến 10h30) để tiếp tục trả lời chất vấn. 

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các bộ trưởng Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ và các thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề liên quan. 

Thời gian còn lại trong ngày Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn về thực trạng thị trường lao động, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề, dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em cũng là nội dung các đại biểu chất vấn. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung thực hiện một loạt giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động và giải quyết việc làm. Nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng các yếu tố bảo đảm; xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động ở các cấp hướng vào việc đáp ứng  nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.Một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời cũng là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình.

Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng GD&ĐT, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an cùng "chia lửa" với người đứng đầu Bộ LĐTB&XH.

Từ 14h30 đến hết ngày, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn. 

Đỗ Thảo (tổng hợp)