Các nhà khoa học phát hiện ra loại ấu trùng có thể ăn và phân hủy nhựa

00:00 12/10/2020

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại sâu bướm có khả năng phân hủy sinh học polyethylene – một trong những loại nhựa cứng nhất và được sử dụng phổ biến nhất.

Một con sâu sáp đang ăn chiếc túi bằng nhựa

Con sâu sáp này là ấu trùng của một loại bướm sáp lớn và nó đã được thương mại hóa để làm mồi câu cá. Hiện nay, các nhà khoa học đang hy vọng rằng con sâu bướm này có thể được dùng để giảm áp lực tới các bãi chôn rác thải hiện đang quá tải bởi các loại túi ni-lông. Trong tự nhiên, loài sâu này là một loại ký sinh trùng. Loài bướm sáp đẻ trứng của mình vào trong tổ ong, sau khi nở ra, những con sâu con sẽ sống nhờ vào sáp ong. Nhà nghiên cứu Federica Bertocchini – hiện công tác tại Viện Y Sinh học và Công nghệ sinh học Cantabria, Tây Ban Nha, đồng thời là một nhà nuôi ong nghiệp dư - đã phát hiện thấy những con sâu này ăn những lỗ thủng ở trên một cái túi nhựa mà ông dùng để chứa chúng khi nhặt chúng ra khỏi tổ ong. Trong những cuộc kiểm tra tiếp theo của các nhà sinh hóa ở Đại học Cambridge, khoảng 100 con sâu đã xử lý 92 mg nhựa trong vòng 12 giờ đồng hồ - tốc độ tiêu thụ này nhanh gấp vài lần so với một loại vi khuẩn ăn nhựa mới được phát hiện gần đây. Nhà nghiên cứu Paolo Bombelli từ Đại học Cambridge cho rằng, “nếu có một enzyme độc lập chịu trách nhiệm cho quy trình hóa học này, thì có thể sao chép nó trên quy mô lớn nhờ các phương pháp công nghệ sinh học. Phát hiện này có thể là một công cụ quan trọng giúp loại bỏ rác thải nhựa hiện đã được chất đống ở các bãi chôn lấp và các đại dương”. Mặc dù cần phải có nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa, các nhà khoa học vẫn đã đặt ra giả thuyết rằng cơ chế phân hủy sinh học nhựa và sáp của loại ấu trùng này cũng giống như cắt đứt các liên kết hóa học. “Sáp ong cũng là polyme – một dạng “nhựa tự nhiên” – và có cấu trúc hóa học không khác gì polyethylene”. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện các cuộc kiểm nghiệm để đảm bảo rằng những con ấu trùng này không chỉ đơn giản là nghiền những miếng nhựa này thành các mẩu nhỏ hơn, mà thực sự là chúng đang chuyển hóa cấu trúc hóa học. Các phân tích cho thấy, những con sâu bướm này đã chuyển polyethylene thành ethylene glycol – là hợp chất ở dạng phân tử đơn phân không liên kết. Nhà khoa học Bombelli cho rằng “những con sâu bướm này không chỉ ăn nhựa mà còn làm thay đổi cấu trúc hóa học của nó. Nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng chuỗi polyme trong nhựa polyethylene thực sự bị những con sâu sáp này phá vỡ”. Các nhà nghiên cứu Bertocchini, Bombelli và các đồng nghiệp khác đã mô tả chi tiết nghiên cứu này trên tạp chí sinh học Current Biology. Bước tiếp theo của nghiên cứu này là tìm ra loại (hoặc các loại) enzyme mà loài sâu bướm này tạo ra để phá vỡ nhựa. Câu trả lời này có thể là giải pháp cho vấn đề về rác thải trên toàn thế giới. Theo Upi