Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đi đâu để "né" chiến tranh thương mại?

00:00 12/10/2020

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang cân nhắc dịch chuyển hoạt động sản xuất sang khu vực Đông Nam Á để tránh đòn áp thuế quan nặng nề từ chính quyền Trump.

Vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tăng thuế 25% đối với hơn 800 sản phẩm Trung Quốc dựa trên Điều 301 Luật Thương mại Mỹ. Washington cáo buộc Bắc Kinh có liên quan đến vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ bao gồm máy móc công nghiệp, thiết bị y tế, phụ tùng ô tô với tổng giá trị nhập khẩu 34 tỷ USD. Đáp lại, Bắc Kinh cũng đã tuyên bố áp thuế suất tương tự đối với 545 sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, bao gồm nông sản, xe và hải sản với tổng giá trị nhập khẩu vào Mỹ tương đương 34 tỷ USD. Điều này đã "khai hỏa" cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. 

Ứng phó tình huống bất ngờ

Theo thông tin của Financial Times, các chủ nhà máy tại khu vực trung tâm sản xuất của tỉnh Quảng Đông đang có kế hoạch đa dạng hóa sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh việc xây dựng các nhà máy sản xuất bên ngoài Trung Quốc, để tránh các biện pháp thuế quan của chính quyền Trump.

Doanh nghiệp Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á.

“Tôi nghĩ rằng chiến tranh thương mại là một cuộc khủng hoảng ngắn hạn. Các nhà sản xuất cần đánh giá xem nước nào ở châu Á tốt nhất cho khách hàng của họ để bù đắp rủi ro ở Trung Quốc”, ông Joe Chau, chủ một nhà máy may quần áo trẻ em ở Quảng Đông, đồng thời là Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Phòng thương mại Hồng Kông, cho biết.

Dù hàng may mặc và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác bao gồm đồ chơi trẻ em của Trung Quốc không nằm trong danh mục bị áp thuế nhưng ông Chau cho rằng các nhà bán lẻ Mỹ và các nhà cung cấp của họ tại Trung Quốc cần phải nghiên cứu các kế hoạch ứng phó các tình huống bất ngờ trước mùa mua sắm truyền thống vào mùa thu năm nay vì không ai có thể dự báo Trump sẽ hành động như thế nào.

Tuy nhiên, lãnh đạo các công ty sản xuất ở Trung Quốc cũng đang thận trọng vì phải mất nhiều năm lên kế hoạch trước khi chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và trong thời gian đó, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung có thể được giải quyết xong hoặc chính quyền Donald Trump sẽ mở rộng áp thuế sang các nước khác nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc “nhảy” sang nước khác để né thuế.

Điểm “trú bão” của doanh nghiệp Trung Quốc

Ông Angelo Cheung, lãnh đạo của hãng sản xuất điện tử Aoyagi (Nhật Bản) đang có nhà máy ở Trung Quốc, cho biết một số đơn hàng từ Mỹ đã dừng lại vì các bất ổn thương mại đang gia tăng. "Công ty của chúng tôi đang cân nhắc nhiều phương án bao gồm chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam",ông Cheung cho biết.

Chuyên gia thương mại Jon Cowley từ Công ty Luật Baker & McKenzie ở Hồng Kông lo ngại việc mở nhà máy ở môi trường mới sẽ rất tốn kém và phức tạp. Các nhà máy sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ phải đáp ứng một loạt tiêu chuẩn về chất lượng, sử dụng lao động và bảo vệ môi trường. Do vậy, cần phải mất nhiều thời gian để bảo đảm rằng các cơ sở sản xuất ở các nước mới đáp ứng các tiêu chuẩn theo yêu cầu.

Ông Cowley nhận định, khi đang chịu sức ép vì chiến tranh thương mại, các chủ nhà máy ở Trung Quốc sẽ không vội vàng chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài. Song, nếu họ đang cân nhắc đa dạng hóa sản xuất, chẳng hạn để tận dụng chi phí nhân công rẻ ở các nước như Việt Nam, thì có thể “nhân tiện” chiến tranh thương mại, họ sẽ đẩy nhanh kế hoạch này.

Ông Xie Hui, người đứng đầu một cơ sở kinh doanh máy đục công nghệ cao đã hoạt động gần 10 năm tại Bắc Ninh đánh giá, đây là một thị trường hấp dẫn, đặc biệt với những sản phẩm máy móc. “Mức giá nhân công tại Việt Nam rẻ hơn đáng kể so với Trung Quốc, trong khi chi phí vận hành tương đương. Tuy vậy, những thủ tục pháp lý tại đây khá khó khăn cũng như việc tìm kiếm nhân công chất lượng cao không dễ, đặc biệt ở những tỉnh thành xa xôi. Bên cạnh đó, người dân vẫn hay có cái nhìn không tốt về hàng Trung Quốc và người Trung Quốc”, ông Xie nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, sự dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á hoàn toàn có khả năng diễn ra trong thời gian tới.

Việt Nga