Các địa phương chỉ đạo tăng cường phòng chống rét

00:00 12/10/2020

Trước đợt rét đậm, rét hại kéo dài hiện nay, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An… đã có công điện yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành tiếp tục có phương án chống rét nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân cũng như giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, chăn nuôi.

Băng giá xuất hiện dày đặc tại Mẫu Sơn, Lạng Sơn.
* UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học theo quy định, triển khai công tác phòng chống rét, bố trí trang thiết bị đầy đủ bảo đảm điều kiện học tập và sức khỏe cho học sinh. Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo việc phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, thủy sản và chống rét cho mạ nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho sản xuất. Các quận, huyện cử các đoàn công tác, phân công cụ thể lãnh đạo và cán bộ chuyên môn kỹ thuật xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương thực hiện các biện pháp chống rét cho mạ, cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, chính quyền cơ sở có trách nhiệm thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm thủy sản bị thiệt hại, chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống rét cho vật nuôi. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu để tình trạng gia súc, gia cầm, thủy sản, diện tích mạ đã gieo bị chết do chủ quan, thiếu trách nhiệm trong phòng chống rét. * Lạng Sơn là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất của đợt rét kỷ lục này. Tại một số khu vực, nhiệt độ thấp nhất là -2 độ C, còn những khu vực khác nhiệt độ dao động 1-2 độ. Hiện, tỉnh Lạng Sơn có 123.000 con trâu, 33.600 con bò, 364.000 con lợn và gần 4 triệu con gia cầm. Những ngày gần đây, nhiệt độ xuống thấp, một số nơi trên địa bàn tỉnh có hiện tượng băng giá. Để phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, lãnh đạo địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân, không thả rông trâu, bò khi xảy ra rét hại, rét đậm. Do thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, vận động bà con phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, đến thời điểm này chưa có tình trạng trâu, bò chết do đói, rét. Để giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do giá rét gây ra, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng hỗ trợ bà con phòng chống rét cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt, mỗi hộ chăn nuôi được hỗ trợ 5 kg gạo để nấu cháo chống rét cho trâu, bò. * Theo dự báo, tại Thanh Hóa từ nay đến ngày 29/1, sẽ có mưa, xuất hiện rét đậm, rét hại trên diện rộng, nhiệt độ thấp nhất ở khu vực đồng bằng 6-7 độ C, ở khu vực miền núi nhiệt độ có thể thấp hơn. Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Công điện khẩn số 01-CĐ/TU, yêu cầu: Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương giảm bớt việc tổ chức các cuộc họp không cần thiết, dành thời gian để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kế hoạch sản xuất vụ chiêm xuân năm 2016 và thực hiện ngay các biện pháp chủ động phòng chống rét, phòng chống dịch bệnh cho người, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, gắn với chuẩn bị tốt các điều kiện để nhân dân vui Tết, đón xuân an toàn. Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các trung tâm y tế, các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị và nhân lực, phân công cán bộ, nhân viên tổ chức trực 24/24 giờ trong các ngày diễn ra rét đậm, rét hại và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 để sẵn sàng triển khai các hoạt động chống rét, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin về diễn biến gió mạnh trên biển, thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền biết để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn cho người và tài sản; sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. * Thời tiết ngày 25/1 tại địa bàn Nghệ An và một số tỉnh Bắc Trung Bộ đang có xu hướng rét đậm, rét hại. Một số điểm tại tỉnh Nghệ An, nhiệt độ có lúc xuống -1 độ, xuất hiện băng giá. Trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An một số xã vùng biên giới như Na Ngoi, Nậm Càn, Nậm Cắn, Mường Lống, Mỹ Lý, Keng Đu… của huyện Kỳ Sơn và xã Tri Lễ, Nậm Giải, Thông Thụ của huyện biên giới Quế Phong đang có nền nhiệt độ xuống rất thấp và đang ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân. UBND các huyện trong tỉnh ra công điện khẩn chỉ đạo các địa phương khuyến cáo và tuyên truyền cho người dân bảo đảm về người và vật nuôi trước sự khắc nghiệt của thời tiết. * Trong ngày 23-24/1 một số điểm trên địa bàn các huyện Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai có tuyết rơi, băng giá; nhiều người dân ở thành phố Lào Cai và các tỉnh cũng như du khách nước ngoài đã dồn về Sa Pa, Bát Xát để ngắm tuyết. Do tình trạng ô tô dồn về nhiều đã xảy ra ùn tắc cục bộ tại một số vị trí trên QL4D, thị trấn Sa Pa. Đặc biệt việc lưu thông trên đường đông phương tiện rất nguy hiểm vì đường trơn trượt do mưa tuyết, băng giá… Để bảo đảm an toàn giao thông cho nhân dân và du khách; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Sa Pa chỉ đạo Công an huyện, các lực lượng chức năng của huyện thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, phân luồng giao thông hợp lý tránh tình trạng ách tắc giao thông. Cho phép tạm thời cấm các phương tiện xe siêu trường, siêu trọng, xe tải lưu thông trên tuyến QL4D đoạn từ Sa Pa lên đỉnh đèo Trạm Tôn, đến khi giải toả được ùn tắc, lưu thông được thì cho phép lưu thông dưới sự điều tiết, hướng dẫn của cảnh sát giao thông. Chuẩn bị các lực lượng, phương tiện để điều tiết, bảo đảm giao thông và sẵn sàng cứu hộ giao thông. Khuyến cáo nhân dân, du khách không tự đi xe cá nhân lên khu vực Ô Quy Hồ, đỉnh đèo Trạm Tôn để ngắm cảnh. Trong khi khách du lịch nườm nượp đổ về Sa Pa ngắm tuyết thì nông dân Sa Pa đang phải đối mặt với những thiệt hại đáng kể. Mưa tuyết khiến nhiều diện tích rau màu, cây dược liệu, hoa cây cảnh của người dân bị vùi lấp, dập gãy. Theo thống kê ban đầu, trên địa bàn huyện Sa Pa đã có 105 ha rau màu, 67 ha Atiso bị ảnh hưởng do mưa tuyết. Ngoài ra, đến thời điểm này đã có 5 con nghé chết do người dân chưa kịp sơ tán đi tránh rét. Ước tính, đến thời điểm này, mưa tuyết đã khiến sản xuất nông nghiệp Sa Pa thiệt hại ước tính hơn 2,3 tỉ đồng. (chinhphu.vn)